Theo số liệu của bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 74,8 triệu USD để mua gạo của Ấn Độ, tăng hơn 554 lần về trị giá và gấp 3.000 lần về lượng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thông tin từ cục Hải quan TP.HCM, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 5, có một số công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam vi phạm về nhãn mác, xuất xứ. Một số lô hàng gạo nhập từ Ấn Độ khai báo một đằng, bao bì một nẻo, có lô hàng khai xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì thể hiện gạo của Việt Nam.
Tiếp nhận thông tin, phía bộ Công Thương đã nhanh chóng lập đoàn công tác, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo trong nước.
Cụ thể, 5 doanh nghiệp bị kiểm tra gồm có: Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Long; công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến và công ty TNHH Khánh Tâm.
Đoàn công tác sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nói trên báo cáo số liệu nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ của công ty từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2021. Về tình hình nhập khẩu (số tờ khai nhập khẩu, ngày nhập, số lượng, giá trị); tình hình kinh doanh, tiêu thụ (tiêu thụ tại công ty, mục đích, xuất bán, số ngày hóa đơn xuất bán); tồn kho và phải gửi báo cáo trước ngày 29/6/2021.
Trong số các doanh nghiệp bị kiểm tra trong đợt này, thì CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) là cái tên nổi bật hơn cả.
Hệ sinh thái nông nghiệp của doanh nhân Trương Sỹ Bá
Tân Long Group tiền thân là CTCP Hoá chất Công nghiệp Tân Long được thành lập từ năm 2006. Giai đoạn 2016-2020, Tân Long tăng vốn khá nhanh, từ 500 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng vào tháng 6/2016, lên 1.200 tỷ đồng tháng 5/2018, và lên 2.200 tỷ đồng vào tháng 10/2018.
Quá trình hình thành và phát triển của Tân Long gắn liền với vai trò của Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá. Doanh nhân sinh năm 1967 xuyên suốt thời gian dài qua là chủ sở hữu, duy trì tỷ lệ nắm giữ 88% tại Tân Long Group.
|
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tân Long Group. |
Song song với việc tăng mạnh vốn, 5 năm qua cũng là giai đoạn phát triển rất mạnh và đạt được nhiều thành công của Tân Long Group.
Năm 2016, Tân Long bắt đầu cung cấp gạo chất lượng cao cho Chính phủ Hàn Quốc với giá từ 700-1.000 USD/ tấn, cao hơn giá gạo thường của Việt Nam khoảng 200-300 USD/tấn. Hai năm sau, Tân Long gây tiếng vang lớn khi “đánh bật” các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng 2 gói thầu, cung cấp 110.000 tấn gạo Japonica cho Chính phủ Hàn Quốc.
Việc cung cấp gạo chất lượng cao Japonica cho Chính phủ Hàn Quốc có thể nói là một câu chuyện dài đối với Tân Long. Từng chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Trương Sỹ Bá cho biết, để đi vào thị trường Hàn Quốc, gạo Japonica phải đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định gồm 280 chỉ tiêu, "vi phạm một chỉ tiêu là bỏ lô hàng. Các công ty không làm vì họ thấy khó".
Để cung cấp số lượng lớn gạo Japonica, Tân Long đã bao tiêu vùng nguyên liệu ở Tri Tôn (tỉnh An Giang), hướng dẫn nông dân trồng trọt và biết nói không với những loại hóa chất không được sử dụng trong trồng trọt cho xuất khẩu. Đợt hàng thứ hai năm 2017 với quy mô gấp 10 lần đợt đâu mang về cho Tân Long lợi nhuận khoảng ba triệu đô la Mỹ. “Làm gạo chưa ai lãi như vậy,” ông Bá nói.
Năm 2019, Tân Long tiếp tục gây chú ý với hợp đồng thương mại mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania, chiếm tới 18% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam trong năm theo thống kê của tổng cục Hải Quan.
Lợi nhuận chưa xứng tầm doanh thu
Trong hệ sinh thái Tân Long Group, ngoài công ty con CTCP Thăng Hoa, còn một pháp nhân cần đề cập là CTCP Gạo Hạnh Phúc.
Gạo Hạnh Phúc được thành lập năm 2012, là chủ đầu tư nhà máy gạo cùng tên tại huyện Tri Tôn, An Giang, ban đầu là công ty con, do Tân Long Group nắm 90% vốn.
Giữa năm 2018, Tân Long thoái hết vốn khỏi Gạo Hạnh Phúc, tuy nhiên đây nhiều khả năng là động thái tái cơ cấu, bởi Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật duy nhất của Gạo Hạnh Phúc hiện là ông Nguyễn Chánh Trung (SN 1978) - Phó TGĐ Tân Long Group.
|
Xét về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Tân Long tăng mạnh từ 21.524 tỷ đồng lên 38.137 tỷ đồng.
2 thành viên trong tập đoàn cũng ghi nhận kết quả tích cực, với Thăng Hoa là từ 3.728 tỷ đồng lên 16.468 tỷ đồng, còn Gạo Hạnh Phúc đạt doanh thu 2.878 tỷ đồng ngay trong năm 2019, năm đầu hoạt động.
Tính riêng năm 2019, tổng doanh thu của Tân Long cùng 2 công ty thành viên lên tới 57.483 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD.
Để dễ so sánh, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo - có doanh thu hợp nhất 16.826 tỷ đồng vào năm 2019, chỉ bằng 30% của nhóm Tân Long.
|
Tài chính - Ngân hàng - Thương vụ buôn gạo 'chưa ai lãi như vậy' và khoản lỗ của Tân Long Group (Hình 3). |
Tuy nhiên, trái ngược với doanh thu, hiệu quả kinh doanh của Tân Long lại là điều đáng bàn. Năm 2019, tập đoàn này báo lỗ sau thuế tới 493 tỷ đồng, xét cho cả giai đoạn 2016-2019, Tân Long chỉ có lãi mỏng 39 tỷ đồng năm 2016 và 29 tỷ đồng năm 2018, xen giữa là năm 2017 cũng lỗ khá lớn -277 tỷ đồng.
Không loại trừ khả năng tập đoàn này đã thua lỗ nhiều năm trước đó nữa, bởi tới cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Tân Long co về còn 904 tỷ đồng, "hụt" 1.300 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu 2.200 tỷ đồng. Tổng tài sản tới cuối năm 2019 là 18.249 tỷ đồng.
Không quá thua lỗ như tập đoàn mẹ Tân Long, song hiệu quả kinh doanh của Thăng Hoa cũng đi xuống đáng kể trong những năm qua, từ mức lãi 328 tỷ đồng năm 2016, về còn 202 tỷ đồng năm 2018 và thua lỗ 65 tỷ đồng năm 2019. Về phần mình, Gạo Hạnh Phúc báo lãi nhẹ 142 triệu đồng trong năm đầu tiên hoạt động (2019).
Lấn sân sang bóng đá
Dù hoạt động chưa thật sự hiệu quả, song Tân Long vài tháng trở lại đây thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực bóng đá. Tập đoàn của ông Trương Sỹ Bá được cho đang là ứng viên hàng đầu, thay thế Tập đoàn TH của bà Thái Hương trở thành nhà tài trợ chính cho CLB Sông Lam Nghệ An.
Tại Nghệ An, ông Trương Sỹ Bá từng có 2 doanh nghiệp đáng chú ý là CTCP Bột đá Vôi trắng Siêu mịn Nghệ An hay CTCP Khai thác và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Thiên Long.
Hai doanh nghiệp này từng mang về doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi năm cho ông chủ Tân Long Group, tuy nhiên những năm gần đây dường như không còn là mối quan tâm lớn của vị doanh nhân tuổi Đinh Mùi, khi CTCP Bột đá Vôi trắng Siêu mịn Nghệ An đã ngừng hoạt động, trong khi CTCP Khai thác và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Thiên Long cũng chỉ còn hoạt động ở mức duy trì.
Trở lại với bóng đá, đầu năm nay, Tân Long Group cùng thương hiệu gạo A An đã trở thành nhà tài trợ vàng của Hà Nội FC - câu lạc bộ gắn liền với hình ảnh của doanh nhân Đỗ Quang Hiển ("bầu" Hiển), Chủ tịch Ngân hàng SHB và là ông chủ tập đoàn T&T.
Tân Long, nên biết, trong không ít sự kiện, đặc biệt tại các buổi lễ ký kết ở nước ngoài, được giới thiệu là thành viên của T&T Group. Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp Luật, gần như tất cả dòng tiền hoạt động hàng tỷ USD mỗi năm của nhóm Tân Long đều "chảy" qua SHB, với hàng chục, thậm chí cả trăm hợp đồng thương mại, mua bán hàng hoá được "cầm cố" mỗi năm ở SHB.
SHB cũng là nhà tài trợ tín dụng với hạn mức 770 tỷ đồng cho dự án nhà máy gạo Hạnh Phúc ở An Giang như đã đề cập ở trên.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật