Bộ phận nghiên cứu chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương của J.P. Morgan mới đây đã lần đầu công bố báo cáo riêng về ngành ngân hàng Việt Nam. Nhận định nổi bật được J.P. Morgan đưa ra là việc các ngân hàng Việt Nam trở thành một trong những ví dụ ít thấy về việc kết hợp được 2 yếu tố tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định một cách tự thân. Điều này, cùng với chu kỳ tín dụng thuận lợi, có thể tạo ra lợi nhuận đáng kể trong nhiều năm. Các cơ hội đầu tư tương đương gần đây có Indonesia (2005 – 2013) và Ấn Độ (2010 – 2017).
Nói về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), theo JP Morgan, việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit có thị phần lớn nhất Việt Nam là yếu tố chính thúc đẩy tỷ lệ thu nhập lãi cận biện (NIM) của VPBank ở mức cao so với trung bình ngành (9,6%). Các khoản vay tiêu dùng chiếm 57% tổng dư nợ của ngân hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho VPBank.
Theo tìm hiểu của JP Morgan, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã cân nhắc giới hạn tối đa khoản vay tiền mặt (cho vay không có bảo đảm) ở mức 30% tổng số khoản vay (tại FE Credit hiện nay là 71%). Đồng thời, NHNN cũng đề xuất giới hạn điều kiện cho những khách hàng vay mới bằng tiền mặt chỉ khi họ sở hữu một khoản vay có bảo đảm trong hệ thống ngân hàng.
Mặc dù những đề xuất này đang ở dạng dự thảo, nhưng JP Morgan cho rằng điều này sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể khi đầu tư vào VPBank. Do đó, hãng tài chính này đưa ra mức đánh giá trung lập (Neutral) về xếp hạng của ngân hàng.
Nói sâu hơn, JP Morgan cho biết về FE Credit chiếm 55% thị phần cho vay tài chính tiêu dùng tính trong năm 2017 với lãi suất cho vay bình quân từ 35 đến 40%/năm. NIM trung bình đạt 29% trong 3 năm qua.
Hơn 71% khoản vay của FE Credit là cho vay tiền mặt hoặc khoản vay cá nhân, khoản này có thể mang về mức lợi suất gần 50%/năm. Do vậy, mặc dù dư nợ của FE Credit chỉ chiếm 24% giá trị các khoản vay của VPBank nhưng đóng góp hơn 50% thu nhập hoạt động của toàn ngân hàng.
Đây là động lực chính giúp tỉ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của VPBank đạt trung bình 24% trong suốt 4 năm qua.
Dự thảo quy định của Ngân hàng Nhà nước có thể dẫn tới thách thức cho hoạt động của FE Credit và VPBank. Nếu được triển khai, FE Credit sẽ không thể mở rộng các khoản vay mới bằng tiền mặt, vì giới hạn không vượt quá 30% danh mục cho vay. Các khoản vay tiền mặt có kỳ hạn dưới 1 năm, sẽ không thể được gia hạn và sẽ bị loại khỏi danh mục của ngân hàng. VPBank sẽ cần bù đắp bằng việc tăng các khoản vay tiêu dùng có bảo đảm ở FE Credit.
|
-- |
Diễn biến danh mục cho vay của FE Credit trong các năm (Nguồn: JP Morgan)
JP Morgan ước tính cho vay tiền mặt trong cơ cấu dư nợ FE Credit sẽ giảm 25% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2021 xuống còn 28% tổng dư nợ cho vay. Dẫn đến sự sụt giảm hiệu suất sinh lời của tài sản 110 điểm cơ bản/năm, NIM hàng năm giảm trên 80 điểm cơ bản và ROE giảm xuống 15-16% từ mức 20%. Điều này gây ra áp lực đối với cổ phiếu VPB, trước khi tăng trưởng trở lại
JP Morgan cho rằng, Thông tư của NHNN vẫn đang ở dạng dự thảo, tuy nhiên nó có thể là nhân tố chính tác động đến triển vọng cổ phiếu của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, rủi ro giảm giá của cổ phiếu VPB gồm sự cạnh tranh gia tăng tại phân khúc cho vay tiền mặt và việc chất lượng tài sản suy giảm. Trong khi đó, các yếu tố có thể hỗ trợ tăng giá là tăng trưởng cho vay tiêu dùng cao hơn kì vọng và sự cải thiện thu nhập ngoài lãi.
Đánh giá của JP Morgan không hẳn là không có cơ sở, khi báo cáo tài chính hợp nhất quý III của VPBank thể hiện, nợ xấu hợp nhất của ngân hàng này đang ở mức 3,1%. Trong đó, nợ xấu của riêng VPBank là 2,45%, nợ xấu của FE Credit là 5,21%.
Trong đó, nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của VPBank ghi nhận tới 8.901 tỷ đồng, tăng 14,6% so đầu kỳ. Tuy nhiên do dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng tương ứng nên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vẫn duy trì ở mức cao như đầu kỳ là 3,5%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 30%, lên tới 2.420 tỷ đồng.
Mai Hà//Sở hữu Trí tuệ