Sự trỗi dậy của cho vay P2P: Điều không thể tránh khỏi
Với sự phổ biến internet khá cao và sự bùng nổ về sở hữu điện thoại di động ở Việt Nam, việc tín dụng đen đã chuyển sang trực tuyến là điều không thể tránh khỏi.
Đầu tháng này, Bộ Công an Việt Nam đưa ra cảnh báo chính thức về sự nguy hiểm của các ứng dụng cho vay với mức lãi lên tới 1.600% mỗi năm và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp, bạo lực để đe dọa người vay, đôi khi thậm chí là chiếm đoạt tài sản của người vay.
Các nhà phân tích cho rằng tổ chức cho vay ngang hàng cung cấp kênh vay tiền thay thế cho ngân hàng nhưng việc thiếu khung pháp lí sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, khiến người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro hơn vì họ không thể phân biệt các nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy với các chương trình cho vay không rõ ràng, đưa tin từ Tech in Asia.
Công ty cũng ước tính rằng thị trường fintech tổng thể của Việt Nam có thể xử lí 7,8 tỉ USD giao dịch vào năm 2020. Sự phát triển đó chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của thanh toán kĩ thuật số.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ước tính có khoảng 150 công ty fintech tại Việt Nam, 40 trong số đó đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay.
Các tổ chức bị cuốn hút bởi tiềm năng kinh doanh sinh lợi trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng vi mô của Việt Nam do các yếu tố như nhân khẩu học thuận lợi, chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng, lượng người chưa tiếp cận tới ngân hàng còn khá lớn, theo báo cáo của Fitch Ratings.
Tuy nhiên, các khoản vay tiêu dùng vi mô, bao gồm những khoản vay do các công ty cho vay ngang hàng (P2P) cung cấp thường có rủi ro cao hơn vì người vay thường không tiếp cận được tới ngân hàng hoặc công ty tài chính tiêu dùng, phần lớn là do thiếu hồ sơ tín dụng chính thức.
|
Ảnh minh họa |
Chọn lựa đơn vị cho vay có đầy đủ thông tin
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết trong thời gian gần đây cục đã tiếp nhận nhiều khiếu nại liên quan đến giao dịch vay tiền trực tuyến.
Cụ thể, hiện nay, có nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam. Đối với các mô hình này, hiện chưa có các qui định pháp luật để phân loại rõ ràng, cụ thể.
Do vậy, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị "trá hình", "tín dụng đen núp bóng". Từ thực tế đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng, cân nhắc kĩ về việc sử dụng dịch vụ này.
Trong trường hợp quyết định sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hiện đầy đủ thông tin. Ví dụ: website hoặc ứng dụng của đơn vị đó phải có đầy đủ các thông tin về: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại…
Ngoài ra, website hoặc ứng dụng phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch,...
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các giao diện website hoặc ứng dụng không hiển thị đầy đủ các thông tin nêu trên có dấu hiệu là đơn vị kinh doanh không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quiền lợi của người tiêu dùng.
Cần đọc kĩ các điều khoản trước khi kí
Cục khuyến cáo nhằm hạn chế các tranh chấp phát sinh, người đi vay cần phải đọc kĩ điều khoản hợp đồng (về lãi suất, mức phí,...) trước khi đặt bút kí hoặc ấn nút đăng kí sử dụng.
Theo đó, việc đơn vị cho vay có cung cấp hợp đồng cho người vay tham khảo trước khi xác nhận giao dịch hay không là tiêu chí để đánh giá mức độ uy tín của đơn vị cho vay.
Đặc trưng của các dịch vụ cho vay trực tuyến là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao. Do vậy, để tránh các phát sinh nằm ngoài dự kiến, người vay cần biết rõ các mức lãi suất, các mức phí và các chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ…).
Trong quá trình tìm hiểu các thông tin nêu trên, người vay cần đảm bảo việc lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp.
Đã có nhiều trường hợp người vay nghe nhân viên tư vấn qua điện thoại nhưng không kiểm tra lại nội dung hợp đồng trước khi ký, dẫn đến, khi có tranh chấp phát sinh mới phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn.
Sau khi kí hợp đồng, nếu đơn vị cho vay không gửi hợp đồng hoặc không có thông tin hướng dẫn người vay cách thức tải về, tham khảo hợp đồng đã kí thì người tiêu dùng cần ngay lập tức liên hệ và yêu cầu đơn vị cho vay cung cấp bản sao hợp đồng đã kí.
Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh, người vay cần phản ánh, khiếu nại trực tiếp tới đơn vị cho vay. Người vay cần lưu ý việc phản ánh, khiếu nại phải được thực hiện qua các phương thức có thể lưu lại bằng chứng như gửi email, gửi thư có xác nhận báo phát,…
Đặc biệt, người dùng cần tránh sử dụng hình thức gọi điện thoại để phản ánh, khiếu nại do hình thức này không đảm bảo được sự cam kết của đơn vị cho vay trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh.
Theo Thu Hoài/TBCK