Loạt ngân hàng tích cực huy động vốn trái phiếu

DTVN 07:34 18/07/2024

Các ngân hàng lớn như MB, ACB, TPBank,... đang mở lại đường đua phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Tổng hợp từ chuyên trang phát hành trái phiếu cbonds.hnx, tháng 6/2024, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 62 lô trái phiếu, mang về 68.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngân hàng đóng góp khoảng 55.000 tỷ đồng, chiếm 80%. Nhóm doanh nghiệp xây dựng/bất động sản huy động khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 12%. Phần nhỏ còn lại thuộc về một số doanh nghiệp mảng tài chính, chứng khoán, hàng không và năng lượng.

Lũy kế nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp chào bán tổng cộng gần 132.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm ngoái nhưng cũng chỉ mới bằng một nửa giai đoạn đỉnh cao năm 2021. Trong đó, số tiền các ngân hàng thu về đạt 86.000 tỷ đồng, chiếm 65% và bằng 1/2 của năm 2023.

Ngân hàng ACB, MB,... tích cực vay tiền qua trái phiếu

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm ghi nhận sự lên ngôi của nhóm ngân hàng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) rất tích cực vay tiền trái chủ với 10.400 tỷ đồng thông qua phát hành 3 lô trái phiếu. Trong đó, có 2 lô trái phiếu phát hành đầu tháng 6/2024, đều có kỳ hạn 2 năm với lãi suất 4,5%/năm; 1 lô trái phiếu phát hành đầu tháng 7/2024 kỳ hạn 3 năm với lãi suất 6%/năm. Các thông tin khác như trái chủ, tài sản đảm bảo,... không được ngân hàng công bố.

Trước đó, năm 2023, ngân hàng ACB đã phát hành tổng cộng 9 lô trái phiếu với kỳ hạn từ 2 đến 3 năm, thu về 18.900 tỷ đồng.

Vào tháng 5/2024, lãnh đạo ngân hàng ACB chấp thuận phương án phát hành 15 ngàn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2024. Trái phiếu là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của ACB, kỳ hạn tối đa 5 năm. Ngân hàng dự kiến chia làm 15 đợt bán cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định.

Ngân hàng OCB cũng rất sôi nổi trong phát hành trái phiếu. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ 10/6 đến 9/7/2024), OCB đã chào bán thành công 5 lô trái phiếu, đưa số tiền vay trái chủ lên tới 5.800 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của OCB đều có kỳ hạn 3 năm, lãi suất dao động từ 4,9%/năm đến 5,4%/năm.

Trước đó, năm 2023, OCB phát hành thành công 19 lô trái phiếu, huy động hơn 22.000 tỷ đồng.

Đặc biệt tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB, mã: MBB), từ ngày 27/3/2024 đến ngày 20/6/2024 đã phát hành thành công 14 lô trái phiếu, đưa số tiền vay trái chủ lên tới 8.551 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của MB có kỳ hạn từ 2 năm đến 7 năm, 8 năm và cao nhất là 10 năm. Lãi suất dao động từ 5,28%/năm đến 6,5%/năm.

Kế hoạch trước đó của lãnh đạo ngân hàng MB là phát hành riêng lẻ tối đa 20 ngàn tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của Ngân hàng. Trước đó, trong năm 2023, MB phát hành tới 12 lô trái phiếu, huy động 3.449 tỷ đồng.

Ngân hàng MB phát hành 14 lô trái phiếu từ đầu năm 2024 đến nay (Nguồn: cbonds.hnx)

Một ngân hàng ngoại cũng rất nhộn nhịp trong phát hành trái phiếu thời gian gần đây là Shinhan Bank (Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam). Từ cuối tháng 5/2024 đến giữa tháng 6/2024, nhà băng này đã phát hành thành công 7 lô trái phiếu, đưa số tiền vay trái chủ lên tới 7.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 2 lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Lãi suất trái phiếu dao động từ 5,1%/năm đến 5,4%/năm.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB), từ 30/5/2024 đến 28/6/2024 đã phát hành thành công 7 lô trái phiếu, thu về gần 7.300 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của TPBank có lãi suất dao động từ 5,1%/năm đến 6,68%/năm. Trong đó, có 6 lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 1 lô trái phiếu mã TPBL2434007 kỳ hạn 10 năm.

Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động, nhiều ngân hàng khác tiếp tục phát hành trái phiếu ra thị trường. Đơn cử như VietinBank dự kiến chào bán 80 triệu cổ phiếu trái phiếu trong 2 đợt với giá chào bán bằng mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. HDBank cũng vừa có thông báo chào bán trái phiếu đợt 2 ra công chúng với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.

Hơn 115.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động trong nửa đầu năm 2024

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 30/6, có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 40.147 tỷ đồng và 3 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng trong tháng 6.

Lũy kế 6 tháng đầu năm có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Trái phiếu được phát hành nhiều nhất đến từ nhóm ngân hàng (64%), tiếp theo là bất động sản (26,2%).

Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 4,2% giá trị.

Trong tháng 6, các doanh nghiệp đã mua lại 13.336 tỷ đồng trái phiếu trước hạn giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong nửa cuối năm 2024, VBMA ước tính sẽ có khoảng 139.765 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 58.782 tỷ đồng, tương đương 42%.

Link gốc : https://suckhoeviet.org.vn/loat-ngan-hang-tich-cuc-huy-dong-von-trai-phieu-13524.html

Bạn đang đọc bài viết Loạt ngân hàng tích cực huy động vốn trái phiếu tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất