Vietcombank, vốn đã sớm thông báo kết quả kinh doanh từ đầu tháng 10, tiếp tục là quán quân lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay, với con số lãi trước thuế tuyệt đối lên đến 17.592 tỷ đồng, tăng gần 51% so với cùng kỳ, đạt gần 86% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận của Vietcombank năm nay dự báo có thể chạm mốc 1 tỷ USD, nhất là sau khi đã hoàn tất ký kết thương vụ phân phối bảo hiểm cho tập đoàn FWD và trước mắt có thể thu về phí 400 triệu đồng, tương đương 9.000 tỷ đồng.
TPBank, một trong những ngân hàng thường chủ động báo cáo sớm kết quả kinh doanh trong những quý gần đây, vừa qua cũng cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.404 tỷ đồng, tăng vọt 790 tỷ đồng, tương đương tăng gần 50% so với cùng kỳ và hoàn thành trên 75% kế hoạch.
Trong nhóm ghi dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ lợi nhuận so với cùng kỳ còn có Sacombank với lợi nhuận trước thuế đạt 2.491 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. MBBank lãi sau thuế 5.718 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2018, trong đó riêng quý III lãi 2.272 tỷ đồng, tăng vọt 41% so với cùng kỳ. LienVietPostBank báo lãi 1.636 tỷ đồng, bằng 161% so với cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 86% mục tiêu kế hoạch năm 2019, riêng lợi nhuận quý III đạt 519 tỷ đồng, bằng 149% so với quý III năm 2018.
VIB cũng là một trong những nhà băng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong thời gian qua. Lợi nhuận 9 tháng tăng vọt lên mức 2.332 tỷ đồng, nhờ vào khả năng bứt phá ở các sản phẩm cho vay mua nhà, ô tô, thẻ tín dụng và bảo hiểm nhân thọ. Đáng lưu ý là doanh thu phí của VIB đạt 1.275 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu, trong khi chi phí dự phòng là 519 tỷ đồng, chỉ tăng 3% nhờ chất lượng tín dụng được kiểm soát hiệu quả.
|
Ảnh minh họa |
Trong nhóm ngân hàng nhỏ hơn, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 856 tỷ đồng, đạt 130% so với cùng kỳ năm 2018. Với nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh mảng dịch vụ, lãi thuần từ dịch vụ sau 9 tháng của ABBank theo đó đạt 117 tỷ đồng. Thu nhập từ lãi đạt 1,820 tỷ đồng, bằng 117% so với cùng kỳ 2018.
Còn tại Saigonbank, nhờ giảm 65% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt gần 221 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý nguồn thu nhập phi lãi cũng suy yếu, với Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác lần lượt giảm đáng kể ở mức 68% và 40% so với cùng kỳ, tương ứng chỉ còn đạt hơn 6 tỷ đồng và gần 42 tỷ đồng.
Ở nhóm ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn như NVB báo lãi 9 tháng đạt vỏn vẹn 19 tỷ đồng, dù vậy so với cùng kỳ vẫn tăng trưởng gần 38%. Đáng lưu ý là lợi nhuận thuần trước dự phòng hơn 127 tỷ, nhưng do phải trích lập dự phòng 33,3 tỷ và chi phí các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng là 70 tỷ đồng, nên lợi nhuận đã bị co hẹp đáng kể.
Có thể thấy lợi nhuận giữa các nhà băng vẫn đang có sự phân hóa đáng kể, trong khi một số ngân hàng tiếp tục tăng trưởng vượt trội nhờ chi phí dự phòng giảm xuống do quản lý chất lượng tín dụng tốt hơn, nguồn thu nhập ngoài lãi ngày càng chiếm tỷ trong cao, thì vẫn có những ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi, xử lý nợ xấu và các khoản thu nhập dịch vụ, ngoại hối giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí sụt giảm.
Với tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại trong quý III, mục tiêu đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm nay của không ít ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là khi một số lĩnh vực, sản phẩm cho vay đang bị kiểm soát chặt hơn, cũng như việc tăng trưởng tín dụng sẽ có những hạn chế do những quy định mới về các chỉ tiêu an toàn vốn theo hướng thắt chặt hơn.
Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn