Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành dựa trên bối cảnh kinh tế chung, đặc biệt là lạm phát.
|
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận: Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã giảm hai lần lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Việc hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ giúp các TCTD giảm bớt chi phí vốn, qua đó có thêm cơ hội giảm lãi suất cho vay.
TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho hay: NHNN vẫn còn dư địa để có thể giảm tiếp lãi suất điều hành. Tuy nhiên, phải đo lường phản ứng của NHTM đối với lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp, cá nhân vay như thế nào, có tác động tích cực tới đâu, từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp hơn và có dư địa để tiếp tục can thiệp khi cần thiết.
Trước đó, báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận: Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam đang ở mức 7,7% ở cả kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn. Mức lãi suất cho vay này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia 10,01%; Mông Cổ 16,81%; Bangladesh 9,62%; Ấn Độ là 9,4%; Myanmar là 16%...
Ông Phạm Chí Quang, Vụ Phó Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Tính đến ngày 29/5, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019, thanh khoản hệ thống thông suốt. Dưới tác động của dịch COVID-19, cầu tín dụng tăng thấp, nên tín dụng chỉ tăng trưởng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018. Việc cho vay tăng chậm, khiến không ít ngân hàng phải giảm lãi suất huy động.
Vietinbank vừa giảm lãi suất từ 0,1-0,45 điểm % so với tháng 5/2020. Chẳng hạn, kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Từ 6 tháng trở lên đến 9 tháng giảm về mức 4,9%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm. Vietcombank cũng điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng, còn 4,25%/năm, giảm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4%/năm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn khác giữ nguyên. Tương tự, BIDV chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 9 tháng ở mức 5,1%/năm, các kỳ hạn còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm so với tháng trước.
Không chỉ các ngân hàng lớn giảm lãi suất, các ngân hàng cỡ trung cũng mạnh dạn nhập cuộc đua điều chỉnh. Chẳng hạn tại Bản Việt, lãi suất huy động tiền đồng giảm nhẹ 0,05-0,1%/năm, các kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,2%/năm, 6 tháng còn 6,9%/năm, 12 tháng 7,3%/năm…
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng lớn đã giảm lãi suất tiền gửi tổng cộng hơn 0,60-0,75 điểm phần trăm với kỳ hạn dưới 12 tháng (về mức 4-5,5%/năm) và giảm từ 0,65-1 điểm % ở các kỳ hạn 12, 13 tháng (về mức 5,7-6,2%/năm). Trong khi đó, tại các ngân hàng có thị phần nhỏ, mức giảm này khiêm tốn hơn (0,2-0,4 điểm %).
Khảo sát biểu lãi suất tiền gửi niêm yết tại quầy của 30 ngân hàng thương mại trong nước vào đầu tháng 6/2020, lãi suất tiết kiệm ngân hàng kì hạn 12 tháng có phạm vi dao động trong khoản 5,6-8,9%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất tại kì hạn 1 năm là 8,9%/năm, vẫn duy trì so với khảo sát từ đầu tháng 5/2020. Mức lãi suất thấp nhất tăng từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đã giảm, nhưng để lan toả tới lãi suất dài hạn cần phải có thời gian. Bởi thời gian qua, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2% so với thời kỳ trước dịch để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như phục hồi sau dịch. Trong khi đó, để giảm được lãi suất, các ngân hàng đã phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động; thậm chí, nhiều ngân hàng còn cắt giảm cả lương, thưởng của cán bộ quản lý.