VIB bị tố làm giả hồ sơ vay?

DTVN 13:32 04/05/2024

Ông Trần Vũ Xuân Lâm (SN 1984, ở Q.Bình Thạnh) thế chấp giấy tờ nhà vay hai khoản tổng cộng 4,475 tỷ đồng tại Ngân hàng Quốc tế VIB.

Nhiều lần nhận thấy bất thường trong cách thu nợ tự động nên ông đề nghị cung cấp sổ sách chi tiết tín dụng để đối chiếu và tất toán nhận lại sổ đỏ nhưng không được đáp ứng dẫn đến nợ xấu và phát sinh nhiều vấn đề.

Bài 1: Không cho khách hàng tất toán nợ

Vốn là dân kinh doanh, khi xảy ra tranh chấp với Ngân hàng VIB từ tháng 11/2022, ông Lâm ngại ầm ĩ nên chọn giải pháp phản ánh và làm việc với nhà băng nhưng kết quả không thoả đáng buộc người đàn ông phải thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo của công dân để bảo vệ quyền lợi, uy tín, danh dự, an toàn của bản thân và gia đình.

Ông Lâm phản ánh với phóng viên về các dấu hiệu sai phạm của VIB Q.10.

Hai khoản vay

Phản ánh với phóng viên, ông Lâm cho biết từng sở hữu hai tài khoản thẻ chính chủ mở tại Ngân hàng VIB, gồm: Thẻ thanh toán Debit và Thẻ tín dụng hạn mức 90 triệu đồng. Vào tháng 8/2020, ông ký hợp đồng vay tiêu dùng 3 tỷ đồng với Ngân hàng VIB chi nhánh Q.10 (285 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.12, Q.10, TP.HCM), mục đích sửa chữa căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.21, Q.Bình Thạnh). Tài sản thế chấp là “Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” ở vị trí trên. Thời hạn vay là 156 tháng (13 năm) tính từ ngày giải ngân 31/8/2020.

Theo đơn đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ của VIB, lãi suất tại thời điểm giải ngân là 10,4%/năm áp dụng ưu đãi trong 12 tháng đầu tiên. Sau đó, lãi suất được điều chỉnh lại ba tháng một lần, dựa trên lãi suất cơ sở cộng với biên độ 4,1%/năm. Sau khi các loại “giấy tờ cứng, giấy tờ mềm” được hoàn tất, ông Lâm nhận giải ngân toàn bộ khoản vay 3 tỷ đồng bằng tiền mặt. Hằng tháng, ông Lâm nộp/chuyển tiền vào thẻ Debit, phía VIB tự động trừ nợ với số tiền dao động khoảng 35 – 39 triệu đồng/kỳ cả gốc và lãi.

Đến tháng 7-8/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội nên ông Lâm rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng để phòng thủ chi tiêu cho gia đình và chuẩn bị sinh con đầu lòng. Ông Lâm cũng gửi email đề nghị cơ cấu nợ như Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tôi thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên VIB là Nguyễn Nghĩa Trí nhưng không không thấy hồi đáp giải quyết. Sau đó, Nghĩa Trí gọi điện yêu cầu thanh toán nợ nhưng do trường hợp bất khả kháng, đang giãn cách xã hội, tôi cũng rút tiền trong thẻ ra nên đề nghị đến nhà thanh toán bằng tiền mặt. Nhân viên này đề nghị cho tôi vay tiền ngoài để bơm vào tài khoản cho hệ thống VIB trừ nợ nếu không sẽ chuyển qua nợ xấu và bị siết nhà nên tôi đành làm theo”, ông Lâm cho hay.

Lịch trả nợ hằng tháng của khoản vay 3 tỷ đồng.

Theo ông, đến tháng 9/2021, nhân viên Trí đề nghị vay thêm tiền tại VIB Q.10 do còn hạn mức tín dụng để đảm bảo chi trả cho khoản vay 3 tỷ đồng trước đó. “Thời điểm này, vì dịch bệnh nên tôi không thể tới Ngân hàng VIB Q.10 ký kết các thủ tục vay, để xử lý linh động, ông Trí yêu cầu tôi phải chi trả riêng một số tiền bôi trơn”, ông Lâm viết trong đơn và cho biết, số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Trí sau khi khoản vay thứ hai được giải ngân.

Khoản vay thứ hai giữa ông Lâm và VIB Q.10 là 1,475 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo vẫn là bất động sản trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.21, Q.Bình Thạnh). Mục đích khoản vay được VIB ghi trong giấy tờ, là: “Bù đắp vốn tự có nhận chuyển nhượng bất động sản tại thửa đất số 806, tờ bản đồ số 27, P.Thạnh Xuân, Q.12”. Ông Lâm cho biết bản thân không có nhu cầu vay vốn mua bất động sản và cũng không biết lô đất này ở đâu, chỉ thấy giấy tờ VIB Q.10 gửi về nhà ghi như vậy.

Khế ước nhận nợ cho khoản vay thứ hai thể hiện thời hạn là 144 tháng (12 năm) kể từ ngày giải ngân 16/9/2021. Lãi suất áp dụng tại thời điểm giải ngân là 9,5%/năm áp dụng ưu đãi trong 12 tháng đầu tiên. Sau đó, lãi suất được điều chỉnh lại ba tháng một lần, dựa trên lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,9%/năm. Hằng tháng, phía VIB tự động trừ nợ với số tiền dao động khoảng hơn 12 – 15 triệu đồng/kỳ cả gốc và lãi.

VIB không cung cấp số liệu đối chiếu để tất toán

Sau khi khoản vay thứ hai được giải ngân vào thẻ Debit ông Lâm, hệ thống của VIB nhiều lần tự động trừ nợ với số tiền lớn nhỏ khác nhau: “Tôi nhận thấy tài khoản liên tục bị hệ thống VIB tự ý thu nhiều khoản cao bất thường nên gọi điện, nhắn tin, email cho nhân viên VIB Q.10 để yêu cầu ngân hàng cung cấp giải trình chi tiết tín dụng bằng văn bản hoặc email về các khoản thu tự động trích từ tài khoản của tôi”.

Văn phòng VIB Q.10 trên đường Cách Mạng Tháng Tám.

Tháng 11/2022, từ lời mời qua tin nhắn điện thoại của nhân viên, ông Lâm đến trụ sở VIB Q.10 làm việc về vấn đề trên nhưng kết quả không thoả đáng. Khách hàng cho biết do không nhận được hồ sơ giải trình chi tiết tín dụng từ VIB nên trong biên bản ký ngày 10/11/2022, ông đề nghị: “Xem xét phương án lãi suất có thể giảm trừ tốt nhất theo quy định của VIB; Xem xét phương án thanh toán giảm gốc, chỉ trả lãi; Xem xét phương án tất toán khoản vay có hỗ trợ; Xem xét phương án cơ cấu nợ qua sau Tết 2023”. Còn phía VIB chỉ hứa miệng, không nêu bất kỳ ý kiến nào vào biên bản làm việc ngoài chữ ký và họ tên.

Read more...

Ngày 15/11/2022, VIB Q.10 có email thông báo nhắc nợ. Ông Lâm phản hồi: “Tôi đã 6 lần yêu cầu phía Ngân hàng VIB Q.10 gửi thông báo bằng email hoặc văn bản để tôi nắm rõ số tiền gốc, lãi tăng lên đột biến, bất thường (Tăng mức nào? Bao nhiêu %? Căn cứ? Quy định? Thời hạn tăng bắt đầu và kết thúc? Lịch trình và thời gian điều chỉnh áp dụng?…).

Nhưng cho đến hôm nay 16/11/2022, tôi đã bị chuyển sang nợ nhóm 2 - nhóm rủi ro cùng những tin nhắn, cuộc gọi mang tính chất yêu cầu trả nợ rất khó chịu mà nguyên nhân có một phần lỗi từ phía ngân hàng hoặc nhân viên. Nếu tôi không có thông tin chính xác về những khoản tăng lãi suất bất thường rất khó hoàn thành nghĩa vụ. Mong VIB Q.10 giải quyết những yêu cầu chính đáng của tôi…”.

Vài ngày sau, ông Lâm tiếp tục gửi email đến phòng Thu hồi nợ của VIB phản ánh nhận thấy những mập mờ và thiếu căn cứ trong cách thu nợ tự động cùng với giải trình không rõ ràng của VIB Q.10. Phòng Thu hồi nợ chuyển thông tin đến ông Châu Mạnh Tường Huy - Giám đốc chi nhánh VIB Q.10 xử lý. Ngày 25/11/2022, ông Lê Quí Đon - Giám đốc Kinh doanh VIB Q.10 gửi email phản hồi ông Lâm cùng các bộ phận, cá nhân thuộc ngân hàng, trong đó nêu lý do nhiều khoản nợ gốc, lãi cao bất thường mà khách hàng phản ánh (sẽ nêu ở bài 2).

Ông Lâm vay vốn với mục đích sửa nhà đang bị hư hỏng nghiêm trọng.

Nhận thấy những điểm bất hợp lý, ông Lâm có đơn khiếu nại gửi đến Ban Kiểm soát, Lãnh đạo Hội sở Ngân hàng VIB đề nghị làm rõ các vấn đề để sớm tất toán các khoản vay. Đến ngày 12/12/2022, ông Lâm tiếp tục có buổi làm việc với VIB. Trong biên bản lần này, ngân hàng cho biết tổng dư nợ hơn 4,2 tỷ đồng, tổng nợ quá hạn hơn 112 triệu đồng. Đại diện VIB Q.10 nêu: “Dựa trên HĐTD và HĐTC yêu cầu anh Lâm thanh toán đúng nghĩa vụ thanh toán hằng tháng. Nếu không thực hiện được sẽ làm theo quy định…”. Ông Lâm đồng ý ký biên bản nhưng ghi chú: “Không thừa nhận số tiền nợ này là chính xác và đang khiếu nại”.

Vì thật sự không có sổ sách kê khai hay sao kê chi tiết các khoản thu nên tôi cũng chưa hiểu là thu kiểu gì mà càng lúc càng tăng trong khi dư nợ gốc giảm dần thì lãi phải trả giảm dần. Số tiền bị trừ tôi tạm tính đến nay hơn 1,9 tỷ đồng. Tôi cảm thấy quá mệt mỏi, không còn muốn dây dưa với Ngân hàng VIB nữa nên đề nghị chốt rõ chi tiết các khoản, lãi suất để tôi đối chiếu, tất toán, chấm dứt hợp đồng và lấy lại giấy tờ nhà nhưng đến nay (2024 - PV) chưa được”, ông Lâm phàn nàn.

Trong hai ngày 23/12/2022 và 3/1/2023, Hội sở Ngân hàng VIB có hai văn bản phúc đáp đơn khiếu nại, tố cáo của ông Lâm. “Ngày 15 và 16/11/2022, Phòng thu hồi nợ qua điện thoại có liên lạc và mời khách hàng lên làm việc tuy nhiên khách hàng không hợp tác để làm việc cùng nhân viên thu hồi nợ. Khách hàng thường xuyên vi phạm hợp đồng vay và thanh toán không đúng hạn”, phản hồi của VIB ngày 23/12/2023 viết.

Ngân hàng cũng thông tin khoản vay của ông Lâm không thuộc trường hợp được cơ cấu lại thời gian trả nợ theo các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước trong dịch Covid-19 và quy định của VIB, phản hồi ngày 3/1/2023 - tức gần 1,5 năm kể từ ngày khách hàng đề nghị. Ngoài ra, hai phúc đáp này chỉ nêu thông tin cơ bản về hai khoản vay, thông tin lãi suất theo khế ước và thông báo khoản vay quá hạn. Không kèm chi tiết hồ sơ tín dụng như khách hàng đề nghị để đối chiếu.

Ông Lâm có đơn khiếu nại lên Hội sở VIB nhưng đến nay vụ việc chưa được xử lý thoả đáng.

Ông Lâm bức xúc: “Từ đầu tháng 11/2022, tôi nhiều lần phản ánh và đã lên làm việc trực tiếp với VIB Q.10 nhưng Hội sở VIB lại nói tôi không hợp tác là vô lý. Tôi yêu cầu cung cấp chi tiết sổ sách để đối chiếu hai khoản vay, chấp nhận phạt trả nợ trước hạn và các chi phí khác để tất toán càng sớm càng tốt nhưng không được. Họ chỉ cung cấp tổng dư nợ cuối cùng, tôi không biết cụ thể họ đã trừ bao nhiêu, trừ như thế nào, trừ những gì, cách tính ra làm sao… thì tất toán kiểu gì?!”.

“Tức nước vỡ bờ”, ông Lâm có nhiều đơn từ gửi đến Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước và tố cáo hành vi của nhiều quản lý, nhân viên VIB Q.10 đến Cơ quan Công an các cấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng. “Tôi mong các cơ quan chức năng sớm thụ lý để tôi có cơ hội được cung cấp tất cả giấy tờ, tài liệu, bằng chứng về vụ việc này để lấy lại quyền lợi chính đáng, uy tín, danh dự đã bị xúc phạm thời gian qua cũng như bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của tôi và gia đình”, ông Lâm uất ức. Bài 2: Thu nợ thất thường, nhiều lần âm thầm tăng lãi suất

Link gốc : https://ngaynay.vn/vib-bi-to-lam-gia-ho-so-vay-post145977.html

Bạn đang đọc bài viết VIB bị tố làm giả hồ sơ vay? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất