Lãnh đạo ngân hàng đi lừa đảo
Năm 2012, dư luận tỉnh Đồng Nai và cả nước xôn xao khi Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ Khiếu Ngọc Anh, nguyên Trưởng phòng giao dịch Long Bình Tân, Chi nhánh Đồng Nai thuộc Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM (HDBank) sang tòa án để truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Khiếu Ngọc Anh sinh năm 1977 tại Thái Bình, thường trú tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tháng 8/2009 Ngọc Anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng khách hàng Chi nhánh HDBank tại Đồng Nai. Tháng 5/2010, Khiếu Ngọc Anh được bổ nhiệm là Trưởng phòng giao dịch Long Bình Tân HDBank Chi nhánh Đồng Nai.
Là Trưởng phòng giao dịch, Ngọc Anh biết được chủ trương huy động vượt trần lãi suất nhận tiền gửi (14%/năm) của HDBank. Cùng thời điểm này, Ngọc Anh huy động vốn bên ngoài cho một số đối tượng vay lấy lãi chênh lệch nhưng các đối tượng đó không trả tiền, dẫn đến việc không trả được nợ cho những người đã huy động. Do đó, Ngọc Anh nảy sinh ý định lợi dụng chủ trương vay vượt trần lãi suất để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Ngọc Anh đã liên hệ với lãnh đạo của DaiABank tại Đồng Nai đặt vấn đề gửi tiền vào HDBank với mức lãi suất vượt trần. DaiABank đã đồng ý gửi vào HDBank 39 tỷ đồng và ủy thác cho 4 nhân viên của ngân hàng này đứng tên người gửi. Ngọc Anh đã tìm cách nắm thông tin cá nhân của các nhân viên DaiABank để thông báo cho nhân viên của mình làm các thẻ tiết kiệm mang tên người gửi. Sau khi làm xong thẻ tiết kiệm, Ngọc Anh cùng nhân viên đến DaiABank nhận tiền gửi và giao sổ tiết kiệm.
Sau đó Ngọc Anh điện thoại cho giao dịch viên hủy một thẻ tiết kiệm mang tên Nguyễn Quốc Huy (người được DaiAbank ủy thác gửi số tiền 9,5 tỷ đồng), với lý do khách hàng không gửi nữa. Số tiền này, Ngọc Anh đã chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.
Tại cơ quan An ninh điều tra, Ngọc Anh khai toàn bộ số tiền chiếm đoạt của khách hàng đã dùng mua nhà và đất.
Ngoài hành vi kể trên, Ngọc Anh còn ký 2 chứng thư bảo lãnh vượt thẩm quyền cho Cty CP tập đoàn Hiệp Đồng Tâm để thanh toán hợp đồng mua bán xăng dầu cho Cty TNHH MTV Tổng công ty 28 (Bộ Quốc phòng). Hai chứng thư bảo lãnh này, Ngọc Anh không báo cáo cho Hội sở và không thu phí cũng như yêu cầu phía Cty Hiệp Đồng Tâm đặt tài sản bảo lãnh để trục lợi bất chính.
Cũng trong năm 2012, hàng chục người dân vây chi nhánh HDBank (số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đòi nợ, sau khi ông giám đốc HDBank chi nhánh Thăng Long, người ký bảo lãnh, biến mất.
Theo đó, Giám đốc chi nhánh HDBank Thăng Long là ông Lê Quý Hiển đã phát hành chứng thư bảo lãnh trị giá hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đến thời hạn bảo lãnh, ông Hiển bỏ đi khỏi nơi làm việc.
Đại diện Cty TNHH thép Thành Đô cho biết, doanh nghiệp nhận được chứng thư bảo lãnh số 12-12-11/BL-HDB 013, do ông Lê Quý Hiển, Giám đốc HD Bank Chi nhánh Thăng Long ký, gần 16 tỷ đồng. Dù doanh nghiệp nhiều lần gửi văn bản đề nghị nhưng không nhận được bất cứ hồi âm nào.
Đại diện Cty CP Dịch vụ Viễn thông An Đô thì cho hay, giám đốc HD Bank Chi nhánh Thăng Long đã ký chứng thư bảo lãnh trị giá trên 10 tỉ đồng cho Cty TNHH sản xuất vật liệu mới Á Âu. Tuy nhiên, khi hết thời hạn bảo lãnh, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền.
Đại diện HDBank thời điểm này cho biết, hai doanh nghiệp nêu trên có thư bao lãnh do ông giám đốc HDBank chi nhánh Thăng Long phát hành.
Việc phát hành bảo lãnh của giám đốc HDBank chi nhánh Thăng Long có nhiều điểm chưa đúng, ban điều hành đã đưa ra cơ quan công an thụ lý hồ sơ và điều tra.
“Ông Lê Quý Hiển, Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long, đã bỏ đi khỏi ngân hàng cách đây hơn một tháng”, đại diện HDBank thông tin thời điểm đó.
Nhân viên liên tục bị khởi tố
Ngày 18/12/2017, TAND TP HCM xét xử và tuyên phạt Ngô Anh Duy (28 tuổi, ngụ Quận 8, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân của Ngân hàng HDBank chi nhánh Phú Nhuận) 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2016, HDBank chi nhánh Phú Nhuận cho Cty Sinh Kim vay 2 tỉ đồng. Duy được phân công phụ trách giải quyết hợp đồng này. Sau đó, ngân hàng đã giải ngân 1 tỉ cho Cty Kim Sinh.
Theo quy định của Ngân hàng HDBank, hồ sơ giải ngân làm thành 3 bộ, ngân hàng giữ 2 bộ, giao cho khách 1 bộ. Tuy nhiên, Duy đã giữ lại bộ hồ sơ giải ngân lần 1 lẽ ra phải giao cho Cty Kim Sinh hòng chiếm đoạt tiền của ngân hàng để trả nợ.
Duy mượn tài khoản của bạn sau đó cạo sửa một số thông tin trên bộ hồ sơ giải ngân lần 1 của Cty Kim Sinh để giả tạo hồ sơ đề nghị giải ngân lần 2. Sau đó cắt dán, sao chép chữ ký và con dấu của Cty Kim Sinh để làm các hợp đồng kinh tế giả. Tiếp đó, Duy đóng dấu đã đối chiếu của Ngân hàng HDBank chi nhánh Phú Nhuận.
Nhờ bộ hồ sơ giả này, HDBank chi nhánh Phú Nhuận đã giải ngân 1 tỷ đồng và chuyển vào số tài khoản của bạn Duy. Cùng ngày, Duy rút toàn bộ số tiền để trả nợ riêng.
Sau đó, sự việc bị phát hiện, Duy bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Duy khai nhận toàn bộ sự việc.
Tháng 12/2019, nam nhân viên HDBank chi nhánh Cà Mau lại bị chủ một doanh nghiệp tố cáo lừa đảo, ôm tiền tỷ rồi bỏ trốn. Cụ thể, Công an tỉnh Cà Mau đã phát lệnh truy tìm Lê Sơn Lĩnh – chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp của HDBank chi nhánh Cà Mau.
Người gửi đơn tố cáo là ông Huỳnh Văn Ganh, Giám đốc Cty TNHH Mỹ Hiền (TP Cà Mau). Ông Ganh cho biết, tháng 11/2017, Cty Mỹ Hiền ký hợp đồng vay với ngân hàng HDBank 2,4 tỷ đồng với thời hạn vay là 12 tháng.
Quá trình trả nợ, ông Ganh đóng tiền trực tiếp tại ngân hàng và nhân viên Lê Sơn Lĩnh trực tiếp đến nhà thu tiền. Phiếu thu có chữ ký của thủ quỹ ngân hàng.
Tới đầu năm 2019, ông Ganh đã trả hết nợ gốc và lãi theo đúng hợp đồng nhưng lại bất ngờ được ngân hàng thông báo số tiền 2,4 tỷ đồng vay nợ vẫn chưa trả hết và số dư nợ gốc vẫn còn.
HDBank cho biết, số tiền mà nhân viên tên Lĩnh thu vẫn chưa nộp lại cho ngân hàng. Tháng 3/2019, ông Ganh khởi kiện HDBank ra tòa với lý do đã thanh toán đầy đủ tiền gốc và lãi theo hợp đồng mà phía ngân hàng vẫn không đồng ý tất toán hợp đồng, trả lại giấy đất (thế chấp). Ông Ganh cho rằng, HDBank phải có trách nhiệm với hành vi của nhân viên và tôn trọng quyền lợi của khách hàng.
Gần đây nhất, nữ nhân viên Nguyễn Thị Minh Quyên (30 tuổi) của HDBank PGD Đông Sài Gòn bị khởi tố vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 4,4 tỷ đồng của khách hàng thông qua việc giả mạo thông tin sổ tiết kiệm.
Trong khoảng thời gian từ 17/1/2019 đến 19/12/2019, Quyên lập khống nhiều chứng từ rút hơn 4,4 tỷ đồng từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng.
Công an xác định, lợi dụng sơ hở trong kiểm soát của ngân hàng, Quyên nhiều lần rút trên 50 triệu đồng của khách hàng nhưng không bị phát hiện. Người này được xác định rút từ 120 – 850 triệu đồng.
Mặc dù quy trình về việc thực hiện giao dịch rút tiền từ sổ tiết kiệm được Ngân hàng HDBank quy định cụ thể, nhưng thực tế tại PGD Đông Sài Gòn, tất cả các giao dịch rút tiền, kiểm soát viên không xem xét ký duyệt chứng từ, kiểm tra thông tin người rút tiền để ký chứng từ trước khi thực hiện giao dịch mà chỉ duyệt trên hệ thống máy tính để giao dịch viên in chứng từ ra.
HDBank được thành lập năm 1990, với bề dày 30 năm kinh nghiệm, nhưng không hiểu sao, liên tiếp những vụ “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” khách hàng lại xảy ra tại ngân hàng này. Quy trình của HDBank có thực sự lỏng lẻo, tạo kẽ hở khiến cho nhân viên, lãnh đạo ngân hàng này liên tiếp vướng vòng lao lý?
Sau những vụ việc kể trên, dư luận đặt câu hỏi rất lớn về trách nhiệm quản lý, năng lực quản trị của những người đứng đầu ngân hàng HDBank. (Còn nữa)