Cố tình vi phạm luật đấu thầu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng

DTVN 13:05 27/03/2020

Công tác đấu thầu luôn được dư luận quan tâm, bởi lĩnh vực “nhạy cảm” này vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Chọn nhà thầu có năng lực yếu kém sẽ gây hậụ quả nghiêm trọng, thất thoát ngân sách NN.

Cố tình vi phạm luật đấu thầu sẽ gây hậu quả nghiêm trọngCông tác đấu thầu luôn được dư luận quan tâm, bởi lĩnh vực “nhạy cảm” này vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Việc lựa chọn nhà thầu có năng lực yếu kém sẽ gây hậụ quả nghiêm trọng, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cần “soi” kỹ năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà thầu

Theo quy định của pháp luật, việc lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu thường sẽ căn cứ vào hồ sơ dự thầu, bao gồm các vấn đề như: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; Đánh giá về kỹ thuật và giá.

Về tư cách hợp lệ của nhà thầu đã được quy định trong Luật Đấu thầu. Theo đó, nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện không đang trong quá trình giải thể, không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

Đơn cử, một trường hợp nhà thầu quốc tế đã và đang liên tục bị thua lỗ nhiều năm và tổng nợ vay gấp 3 lần tổng tài sản của đơn vị đó. Theo Luật sư Lương Thành Đạt (Giám đốc Công ty Luật Vì Chân Lý Themis), để kết luận liệu nhà thầu này có đủ tư cách trở thành nhà thầu theo quy định pháp luật hay không thì cần phải xác định xem nhà thầu này có đang lâm vào tình trạng không có khả năng chi trả hay không?

Theo quy định pháp luật, một doanh nghiệp sẽ chỉ bị xem là mất khả năng chi trả (hay mất khả năng thanh toán) nếu như doanh nghiệp đó không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, không có đảm bảo hoặc có đảm bảo một phần trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Cần hiểu việc mất khả năng thanh toán trên không có nghĩa là doanh nghiệp không còn tài sản để trả nợ, mà mặc dù doanh nghiệp còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.

Nhiều vụ việc sai phạm trong công tác đấu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu và gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước. (Ảnh nguồn Internet)

Như vậy, cần xác định xem liệu nhà thầu đó có đang không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ dù đã quá hạn 3 tháng hay không. Nếu câu trả lời là có, lúc này tư cách nhà thầu của đơn vị đó là không hợp lệ theo quy định của pháp luật. Và khi nhà thầu đó không có tư cách tham gia dự thầu, thì việc lựa chọn đơn vị này trở thành nhà thầu của bên mời thầu là không đúng theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp đơn vị đó đủ tư cách hợp lệ tham gia dự thầu, hồ sơ dự thầu mà đơn vị đó nộp sẽ được đánh giá về tính hợp lệ, năng lực cũng như kinh nghiệm. Trong đó, quan trọng nhất là đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của các nhà thầu.

Ngoài ra, các chuyên gia thẩm định của bên mời thầu sẽ đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu. Cụ thể, đánh giá về tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.

Do vậy, đối với các nhà thầu thì cần phải xem xét kỹ về năng lực tài chính có phù hợp để thực hiện gói thầu hay không.

Sau khi phù hợp với tất cả những tiêu chuẩn được nêu trong hồ sơ mời thầu của bên mời thầu, nhà thầu sẽ được lựa chọn và được ghi nhận trong danh sách xếp hạng nhà thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu để xem xét.

Quy trình cuối cùng là thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự tuyển, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và kết quả lựa chọn nhà thầu, đây là một quy trình vô cùng quan trọng. Phải đảm bảo thẩm định trước khi phê duyệt, tùy vào các gói thầu áp dụng các phương thức đấu thầu khác nhau mà có quy trình thẩm định khác nhau.

Trong quá trình thẩm tra hồ sơ dự thầu, nếu nhận thấy đơn vị đó đang lâm vào tình trạng nợ nần như vậy, một cách khách quan mà nói sẽ không có một bên mời thầu nào trao thầu cho nhà thầu có năng lực như ví dụ ở trên.

Đã có nhiều bài học đắt giá

Cũng theo Luật sư Đạt, Luật Đấu thầu 2013 có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu như nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Vì vậy, nếu trong trường hợp nhà thầu cố tình nộp hồ sơ dự thầu chứa những thông tin “gian lận” để nhằm được trúng thầu thì đây sẽ bị coi là hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu, nhà thầu thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của Luật này.

“Về quy trình thẩm định lựa chọn nhà thầu thì được quy định cụ thể trong Nghị 63/2014/NĐ-CP. Do vậy, việc đánh giá quy trình lựa chọn nhà thầu đúng hay sai là do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Nếu như trong quá trình kiểm tra, thanh tra phát hiện có sai sót thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào hành vi vi phạm mà có những chế tài xử lý khác nhau theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đạt khẳng định.

Trên thực tế đã có nhiều vụ việc sai phạm trong công tác đấu thầu và gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đơn cử, năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra vụ án “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương.

Cũng trong năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Theo đó, hàng loạt nguyên lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra những liên quan đến vi phạm trong công tác đấu thầu tại Sở này.

Những vụ việc kể trên chỉ là số ít những “sóng ngầm” về công tác đấu thầu ở nước ta, trong đó cũng phải kể đến việc đấu thầu cạnh tranh quốc tế. Các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu đánh giá, bên mời thầu cũng như việc lựa chọn nhà thầu quốc tế khi thực hiện các gói thầu lớn thì nên có tham vấn của các đơn vi tư vấn đấu thầu, chuyên gia về lĩnh vực gói thầu, để đảm bảo mọi quy trình trong đấu thầu đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa rủi ro.

Đồng thời, việc lựa chọn nhà thầu quốc tế liên quan đến các báo cáo trung thực hay không, thì nên yêu cầu các xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực đó. Ví dụ, xác nhận không nợ thuế hoặc của các đơn vị kiểm toán để có được những thông tin trung thực, khách quan về năng lực tài chính của các bên dự thầu.

Ngoài ra, cần chỉn chu, sáng suốt trong quá trình xây dựng cũng như phê duyệt, thẩm định hồ sơ mời thầu, bởi hồ sơ mời thầu luôn là công cụ quyết định sự thành công hay thất bại trong việc lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu cũng cần được chú trọng hơn, để ngay từ những bước đầu có thể loại bỏ được những nhà thầu “gian lận”, “năng lực yếu” nhằm đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro cho dự án sau này.

Theo Reatimes

Link gốc : http://reatimes.vn/co-tinh-vi-pham-luat-dau-thau-se-gay-hau-qua-nghiem-trong-20200324220554996.html

Bạn đang đọc bài viết Cố tình vi phạm luật đấu thầu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Tin tức mới nhất