Tăng trở lại sau chuỗi ngày lao dốc
Theo ghi nhận diễn biến thị trường trong nước lúc 8h30 sáng 10/9, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 56,20 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,65 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 400 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC áp dụng cho khu vực Hà Nội ở mức 56,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,72 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 300 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 250 nghìn đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 9/9.
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,70 triệu đồng/lượng (bán ra).
|
Còn tại thị trường thế giới, giá vàng lúc 8h30 sáng 10/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ở mức 1.950 USD/ounce (tương đương 54,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Giá vàng giao tháng 12 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.958 USD/ounce.
Đêm 9/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.946 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.953 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 9/9 cao hơn khoảng 27,9% (425 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 1,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 9/9.
Cần thận trọng để tránh rủi ro
Trao đổi về vấn đề này với Trí thức trẻ, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cho rằng, thị trường vàng tăng vọt rồi giảm mạnh trong thời gian qua do những bất ổn từ Covid-19.
Đại dịch đã khiến các nền kinh tế tê liệt, hạ giá dầu và suy yếu đồng đôla. Thêm vào đó, chính phủ các nước đã và đang đưa ra những gói cứu trợ kinh tế khổng lồ khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ suy giảm. Tất cả các yếu tố này đã đẩy giá vàng toàn cầu đạt đỉnh cao nhất chưa từng thấy trước khi sụt giảm. Tất nhiên, thị trường vàng Việt Nam cũng không đứng ngoài đợt bùng phát này. Suốt đợt tăng giá vừa rồi, thị trường vàng trong nước biến động khá sát sao với thị trường thế giới. Điều này tương đối hợp lý vì kinh tế Việt Nam đang hội nhập với thế giới hơn bao giờ hết.
Tâm lý đám đông luôn là một vấn đề nghiêm trọng với mọi nền kinh tế, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Khi các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ) thấy thị trường biến động mạnh, họ thường có xu hướng chạy theo đám đông. Điều này cực kỳ nguy hiểm do họ chỉ đầu tư với tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội chứ không hiểu rõ về thị trường. Vàng là một dạng tài sản khá an toàn, ít rủi ro và được dùng để bảo vệ (hay phòng ngừa) trước các biến động của nền kinh tế. Thường nhà đầu tư sẽ chuyển một phần tài sản sang vàng để giảm thiểu rủi ro danh mục đầu tư và bảo toàn tài sản khỏi biến động giá cổ phiếu hoặc những thay đổi không thể lường trước của nền kinh tế. Do đó, các nhà đầu tư thông thái thường không gia tăng giá trị tài sản về lâu dài bằng cách đầu tư vào vàng.
Việc nhiều nhà đầu tư Việt Nam lướt sóng thị trường vàng với mong muốn làm giàu nhanh chóng là một hành vi cực kỳ rủi ro ở bất kỳ thị trường nào vì luôn có khoảng chênh lệch cực lớn giữa giá mua vào và bán ra khi thị trường biến động. Các nhà đầu tư có thể phải chịu khoản lỗ rất lớn ngay thời điểm quyết định đầu tư. Một điểm quan trọng các nhà đầu tư cần chú ý là vàng được xem là một dạng tài sản không sinh lời. Điều này có nghĩa khoản tiền đầu tư vào vàng sinh lợi rất ít so với vào các tài sản khác.
Đâu là nơi tốt nhất các nhà đầu tư cá nhân nên bỏ tiền vào lúc này?
TS.Nguyễn Thị Mỹ Linh, Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cho rằng, các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư quá nhiều tiền vào vàng và nên đa dạng hóa danh mục đầu tư hoặc sử dụng đòn bẩy (để mua vàng). Nếu không, vàng có thể là một khoản đầu tư khá rủi ro.
Khoản đầu tư tốt nhất mà các nhà đầu tư cá nhân có thể thực hiện ngay lúc này là khoản phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro/hồ sơ rủi ro cũng như tình hình tài chính của họ. Nhà đầu tư cần đánh giá mức độ rủi ro mà họ sẵn sàng và có thể chấp nhận. Với giá cả cực kỳ biến động và không chắc chắn như hiện nay, vàng có thể được coi là khá rủi ro nên có thể không phù hợp với những nhà đầu tư không thích mạo hiểm.
Thay vào đó, những nhà đầu tư này nên đa dạng hóa các khoản đầu tư và phân bổ tài chính thích hợp cho các khoản đầu tư khác an toàn hơn (ví dụ như tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu). Tình hình tài chính cũng rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay và có lẽ cả trong tương lai gần. Do đó, các nhà đầu tư nên đảm bảo duy trì thu nhập thường xuyên và tính thanh khoản từ các khoản đầu tư để đáp ứng nhu cầu của bản thân (và gia đình) họ.
Theo TS.Nguyễn Thị Mỹ Linh, tại Việt Nam, vàng là kênh đầu tư truyền thống của các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, giá vàng tăng vọt có thể khiến dòng vốn đổ vào vàng tăng mạnh tạo ra một số tác động đến nền kinh tế hiện tại.
Hiện trạng này có thể làm giảm tính thanh khoản (dòng chảy tự do) của thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư chuyển vốn sang vàng. Các kênh đầu tư khác như trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Nguồn vốn lớn chảy vào vàng đặc biệt có thể ảnh hưởng đến thị trường cho vay ngân hàng, vốn là kênh gây quỹ chính cho doanh nghiệp trong nước (tiền gửi ngân hàng giảm sẽ khiến tiền khả dụng cho các công ty vay sẽ ít hơn).
Tuy nhiên, đây có thể không phải là vấn đề lớn với hoàn cảnh hiện tại vì Covid-19 và suy thoái kinh tế khiến nhu cầu vay vốn ngân hàng được cho là vẫn ở mức thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 16/6) chỉ đạt 2,13%.
Thu Phương (T/H)/Sở hữu trí tuệ