Chứng khoán tuần mới: Có nên hạ tỉ trọng trong các nhịp hồi sớm?

nguoiduatin 09:43 12/09/2022

Thị trường vẫn ở vùng sideway lớn trong trung hạn với biến động hẹp của cổ phiếu. Việc kiên nhẫn chờ mua ở vùng giá thấp sẽ có lợi thế cho nhà đầu tư ngắn hạn.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 5/9-9/9, VN-Index giảm 31,73 điểm, tương ứng 2,48% xuống 1.248,78 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 7,29 điểm, tương ứng 2,5% xuống 284,63 điểm. Như vậy chứng khoán Việt ghi nhận 2 tuần giảm điểm liên tiếp.

Thanh khoản tăng mạnh so với tuần trước đó, cho thấy ảnh hưởng tích cực sau khi thị trường được giao dịch T+2. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tuần trước thị trường chỉ giao dịch trong 3 phiên do vướng nghỉ lễ 2/9.

Theo đó, giá trị giao dịch trên HoSE tuần vừa rồi tăng 62,4% lên 76.408 tỷ đồng, khối lượng giao dịch tăng 67,5% lên 2.982 triệu cổ phiếu.

Còn giá trị giao dịch trên HNX tăng 34,2% lên 7.968 tỷ đồng tương ứng, khối lượng tăng 47,8% lên 396 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng lại giảm mạnh nhất, kìm đà tăng của chỉ số bất chấp thông tin Ngân hàng Nhà nước đã nới "room" tín dụng cho nhiều ngân hàng. Những mã giảm mạnh nhất tuần qua là VCB giảm 6,2%, BID giảm 7,5%, CTG giảm 5%, VPB giảm 4,1%, TCB giảm 3,3%, ACB giảm 2,6%, SHB giảm 8,3%, VIB giảm 5,6%, STB giảm 4,2%, HDB giảm 3,4%, LPB giảm 6,96%, MSB giảm 3,4%, ACB giảm 2,6%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng là yếu tố gây ra sự sụt giảm mạnh của thị trường. Đơn cử, BSR giảm 4,7%, OIL giảm 5,8%, PLX giảm 4,7%, PVD giảm 1%, PVS giảm 3,6%, PVB giảm 9,8%, CNG giảm 3,8%, PSH giảm 3,2%...

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép là điểm sáng hiếm hoi với các cổ phiếu như HPG, HSG, TLH, tăng 3% đến gần 4%, SMC tăng hơn 2,3% còn NKG tăng tốt nhất khi có thêm 8,5% sau một tuần.

VN-Index giảm 31,73 điểm, tương ứng 2,48% sau một tuần. (Ảnh: FireAnt)

KPF "quay đầu" giảm sàn 5 phiên

Sàn HoSE là minh chứng phản ánh dòng tiền thận trọng và áp lực bán cao. Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất sàn không thể có thêm nhiều điểm như những tuần trước đó. Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE có đến 6 mã tăng chưa đến 10%.

Hai cổ phiếu tăng tích cực trên HoSE tuần qua là VNS và TLG. Ở chiều ngược lại, KPF bị bán chốt lời ồ ạt sau khoảng thời gian tăng nóng trước đó. KPF ghi nhận 5 phiên giảm sàn liên tiếp từ 31/8 đến 8/9. Trong đó, 4 phiên gần nhất bị mất thanh khoản. Cổ phiếu này chỉ được "giải cứu" trong phiên cuối tuần với mức tăng 5,7%, khớp hơn 0,35 triệu đơn vị.

Mã ITA cũng có tới 9 phiên liên tiếp giảm sau những lùm xùm liên quan đến khoản mục tạm ứng cho Chủ tịch HĐQT và bị cắt margin do vi phạm công bố thông tin tới 4 lần trong năm 2022.

Đặc biệt, trên sàn UpCoM, đà tăng của mã CFV của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi vẫn chưa dừng lại. Mã này có chuỗi 18 phiên liên tiếp đóng cửa ở mức giá trần từ ngày 15/8 đến 9/9, giá cổ phiếu theo đó tăng từ 4.300 đồng lên 45.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng hơn 950%. Tuy vậy, khối lượng giao dịch của mã này rất thấp, với chỉ vài trăm đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.

Theo công văn giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần liên tục, CFV cho biết không có thông tin có lợi liên quan đến biến động giá cổ phiếu của công ty nên không có căn cứ để giải trình liên quan đến việc giá cổ phiếu tăng trần.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng có thêm tuần giao dịch không mấy tích cực khi bán ròng gần 900 tỷ đồng, tăng tới gần 60% so với tuần trước.

Thống sàn HoSE, khối ngoại đã thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã quay ra bán ròng 27,09 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 885,97 tỷ đồng, tăng 10,26% về lượng và 55,7% về giá trị so với tuần trước.

Còn trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 4 phiên mua và 1 phiên bán ròng ngày cuối tuần 9/9. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 1,93 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 70,27 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 0,76 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 11,02 tỷ đồng.

Còn trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại quay ra bán ròng 2,14 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng đạt 67,51 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó mua ròng 0,59 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 12,6 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cần duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý III/2022 gần kết thúc.

Chứng khoán tuần mới sẽ ra sao?

Công ty Chứng khoán SHS dự báo tuần này VN-Index sẽ phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự 1.260-1.265 điểm. Dưới góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất.

"Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý III/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP. mới xem xét gia tăng thêm tỉ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng mạnh", SHS khuyến nghị.

Chứng ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định chứng khoán thế giới đang tăng trở lại sau 2 tuần điều chỉnh sẽ là một trong các nhân tố hỗ trợ cho thị trường trong tuần sau, nhà đầu tư có thể quan sát thêm phản ứng của thị trường ở ngưỡng 1.250 điểm.

Trong khi đó, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định phiên hồi phục cuối tuần chỉ là điểm cân bằng tạm thời và giúp các cổ phiếu phân hóa trở lại. Nhìn chung, áp lực cung tiềm ẩn hiện vẫn lớn so với dòng tiền và sau các phiên hồi phục áp lực cung có thể quay trở lại.

TVSI cho rằng thị trường vẫn đang trong vùng sideway lớn trong trung hạn ở vùng 1.150 -1.315 điểm với biến động hẹp của nhiều cổ phiếu, nên việc kiên nhẫn chờ đợi mua ở các vùng giá thấp hơn sẽ có lợi thế cho nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/chung-khoan-tuan-moi-co-nen-ha-ti-trong-trong-cac-nhip-hoi-som-a569128.html

Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán tuần mới: Có nên hạ tỉ trọng trong các nhịp hồi sớm? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán
Tin tức mới nhất