ố liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố cho thấy nhà đầu tư trong nước mở mới 226.580 tài khoản chứng khoán trong tháng 12/2021, trong đó, có 190 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền lớn và sự gia nhập của nhà đầu tư lẻ ngày càng tăng lên. Lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 12 vừa qua là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, tháng 12 đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng thứ 2 liên tiếp có trên 200.000 tài khoản được mở mới.Các nhà đầu tư nước ngoài mở mới 306 tài khoản trong tháng 12/2021, giảm 191 tài khoản so với tháng trước. Lũy kế hết năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 4.439 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.
Năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Tính tới cuối năm 2021, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,3 triệu, tương đương khoảng 4,4% dân số Việt Nam.
Năm 2021, VN-Index tăng 36% để lọt vào top 7 thị trường tăng mạnh nhất thế giới và kết thúc năm đạt 1.498,28 điểm. Mức tăng này vượt xa những thị trường phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Thanh khoản thị trường cũng cao đột biến với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26.600 tỷ đồng/phiên (1,16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm liền trước. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần lên gần 24.500 tỷ đồng/phiên.
Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tại thời điểm cuối năm đạt 7,77 triệu tỷ đồng (338 tỷ USD) và chiếm 99% GDP. Đây là mức tăng khoảng 2,47 triệu tỷ đồng (107 tỷ USD hay 47%) so với cuối năm 2020. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.