Cuộc chiến khốc liệt giữa 2 start-up công nghệ lớn nhất châu Á: Gojek và Grab

Mai Hương(T/H) 16:56 12/08/2020

Không sai khi nói Gojek có thể là mối đe dọa đối với Grab vì tập đoàn này có cơ hội “thừa hưởng” kho dữ liệu người dùng lớn và thế mạnh truyền thông tiềm năng.

Cuộc chiến khốc liệt giữa 2 start-up công nghệ lớn nhất châu Á

Gojek (sáng lập năm 2010) và Grab (ra đời năm 2012) đều muốn trở thành siêu ứng dụng được ưa chuộng nhất tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, quốc gia đông dân thứ tư thế giới.

Nếu như Gojek có “chống lưng” từ các nhà đầu tư lớn bao gồm Google, Temasek, Warburg Pincus và Tencent, thì Grab nhận được sự hỗ trợ từ SoftBank, Microsoft và Didi Chuxing. Đây là lý do cả 2 công ty khởi nghiệp có thể “đốt” hàng tỷ USD trong những năm qua và tiếp tục huy động vốn cho cuộc chiến chưa biết kết thúc.

Vào tháng 2/2019, Grab cho biết trong vòng gọi vốn, startup này đã kêu gọi được 4,5 tỷ USD đầu tư từ nhà sản xuất ô tô Toyota và Hyundai, gã khổng lồ phần mềm Microsoft, quỹ đầu tư Ping An Capital của Trung Quốc và Oppenheimer Funds của Mỹ.

Tuy nhiên nhà đầu tư lớn nhất vẫn là 1,46 tỷ USD từ Softbank - Tập đoàn Nhật Bản do tỷ phú Masayoshi Son làm Giám đốc điều hành với quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới mang tên Vision Fund (100 tỉ đô).

Theo Financial Times, vào tháng sáu năm nay, Facebook, PayPal, Google, Tencent và nhiều công ty khác đã trở thành những nhà đầu tư mới nhất của Gojek. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Facebook vào một doanh nghiệp có trụ sở tại Indonesia. Mục tiêu là tạo cơ hội kinh doanh mới cho Facebook, đồng thời hỗ trợ Whatsapp - dịch vụ phổ biến của Facebook tại quốc gia này.

Cũng nằm trong một phần của thỏa thuận thương mại, các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek, và hai công ty cũng sẽ hợp tác để cho phép khách hàng của GoPay - ví điện tử của Gojek - có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới.

Khi được “chống lưng” bởi những nền tảng media “siêu to khổng lồ” như Facebook, Google, chưa kể tới tập đoàn công nghệ số 1 châu Á và Trung Quốc là Tencent, không sai khi nói Gojek có thể là mối đe dọa đối với Grab vì tập đoàn này có cơ hội “thừa hưởng” kho dữ liệu người dùng lớn và thế mạnh truyền thông tiềm năng - thứ góp phần giúp tăng độ phủ sóng của Gojek ngày một lớn.

Hiện tại, Gojek đang hoạt động tại 207 thành phố ở 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó 203 thành phố tại Indonesia. Grab xuất hiện tại 339 thành phố tại 8 quốc gia và chiếm số lớn nhất vẫn là Indonesia với 224 thành phố. Có thể thấy, mặc dù hoạt động tại Indonesia trước Grab 2 năm, nhưng Gojek đang có bước đi chậm hơn so với đối thủ.

Cả Gojek và Grab đều không chỉ dừng lại ở ứng dụng dịch vụ chia sẻ xe, mà vươn rộng sang nhiều mặt của đời sống bao gồm vận chuyện hàng hoá, ship đồ ăn… và cả dịch vụ thanh toán. Ở Indonesia, Gojek thực sự là một "kỳ lân" với khoảng 20 dịch vụ.

Gojek là công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp số đang bùng nổ của Indonesia. Đất nước đông dân thứ 4 thế giới này, với 264 triệu người, là quê hương của các kỳ lân khác như Tokopedia và Bukalapak, cũng là những nhân tố đang thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử và nền kinh tế số.

Kỳ lân" Indonesia quyết định "tham chiến" lần hai

Gojek cũng đã xác nhận với truyền thông quốc tế trong tham vọng vươn ra khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là lựa chọn đầu tiên. Khác với Grab hay Uber trước đây, chiến lược ban đầu của Gojek khi vào Việt Nam là rót vốn thành lập các công ty độc lập với thương hiệu riêng tại từng nước.

Gần 2 năm sau, sáng 5/8, thương hiệu và ứng dụng GoViet chính thức chia tay. Người dùng không thể tiếp tục sử dụng ứng dụng GoViet và phải cài ứng dụng mới là Gojek. Tài xế GoViet đổi từ đồng phục áo đỏ sang màu xanh - đen đặc trưng của Gojek.

Điều này đồng nghĩa, gã "kỳ lân" Indonesia quyết định "tham chiến" lần hai với tư thế trực diện, dùng công nghệ và thương hiệu của chính mình.

Tổng giám đốc Gojek Việt Nam Phùng Tuấn Đức - người trước đó là Giám đốc Vận hành của GoViet, nói việc thay đổi lần này không liên quan đến hiệu quả thương hiệu của GoViet.

Về thuận lợi, Việt Nam vẫn là điểm nhân rộng mô hình kinh doanh lý tưởng nhất của Gojek bên ngoài Indonesia, nhất là xoay quanh chiếc xe máy.

Việt Nam tương đồng với Indonesia là xe máy rất phổ biến và có nhiều người dùng xe máy để mưu sinh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao, nhu cầu người tiêu dùng và khả năng tiếp nhận công nghệ của họ cũng tốt. "Tất cả điều kiện này khiến cho Việt Nam thành thị trường trọng điểm nhất khi mở rộng nước ngoài và nay cũng là thị trường đầu tiên triển khai ứng dụng hợp nhất", ông Đức nói.

Việt Nam là thị trường quốc tế đầu tiên và phát triển nhanh nhất của Gojek. Vào tháng 8/2019, sau đúng một năm hoạt động, GoViet đã công bố cán mốc 100 triệu cuốc xe, kết nối hơn 125 nghìn đối tác tài xế với hàng triệu khách hàng và 70 nghìn đối tác nhà hàng.

Kế hoạch của Gojek bao gồm trở thành một công ty toàn cầu, tiến tới sớm phát hành lần đầu tiên ra công chúng (IPO). Để đạt được điều đó, Gojek sẽ tập trung vào việc phát triển ba nhóm sản phẩm chính là dịch vụ vận tải, thanh toán và các dịch vụ tài chính, và giao nhận thực phẩm.

Gojek cũng có kế hoạch đầu tư vào các công cụ và sáng kiến mới cùng với các nền tảng công nghệ mới. Gojek đang tiến gần đến mục tiêu huy động 2 tỷ USD từ nay đến cuối năm từ các nhà đầu tư lớn như Google, Tencent, JD, Mitsubishi, Visa, AIA, Astra, etc.

Chỗ đứng nhất định trên hai mảng cốt lõi nhưng Gojek vẫn có không ít thách thức trong việc duy trì khả năng cạnh tranh trong cuộc đua "siêu ứng dụng".

Thị trường chỉ quẩn quanh Grab, be và Gojek nhưng khoảng cách giữa các thương hiệu khá lớn. Ngoài Grab vốn xác lập vị trí dẫn đầu từ lâu, be sau vài tháng "án binh bất động" đã tăng tốc trở lại. Riêng mảng gọi xe, beGroup ra mắt beTaxi nhờ cú bắt tay "liên minh" với Vinasun.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cuoc-chien-khoc-liet-giua-2-start-up-cong-nghe-lon-nhat-chau-a-gojek-va-grab-d80618.html

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến khốc liệt giữa 2 start-up công nghệ lớn nhất châu Á: Gojek và Grab tại chuyên mục Cuộc sống số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Cuộc sống số
Tin tức mới nhất