Cơ quan giám sát bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc vừa yêu cầu Facebook đóng phạt 6,4 tỉ won (5,5 triệu USD) vì đã sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh người dùng cho phần mềm nhận dạng khuôn mặt tự động của họ từ tháng 4/2018 đến 9/2019. Cụ thể, Facebook đã tạo và lưu trữ chi tiết nhận dạng khuôn mặt của 200.000 người dùng ở Hàn Quốc bằng cách thu thập thông tin từ video, ảnh mà không có sự đồng ý từ những người này.
Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân Hàn Quốc (PIPC) cho biết, Facebook đã có thiết lập sẵn tính năng dành cho các hồ sơ mới được tạo trên nền tảng. Cơ quan này nói thêm rằng người dùng không thể đảo ngược sự đồng ý qua công cụ cài đặt sau đó. Facebook cũng bị phạt thêm 26 triệu won (22.000 USD) vì một số vi phạm khác bao gồm cả việc lấy thông tin an sin xã hội (số đăng ký cư trú) bất hợp pháp và không thông báo cho người dùng về những thay đổi với chính sách bảo mật cùng quản lý thông tin cá nhân của mình.
PIPC yêu cầu Facebook phải được sự đồng ý của người dùng với thông tin khuôn mặt từng lưu trữ hoặc xóa bỏ thông tin đã thu thập. Ngoài ra, Facebook bị cấm tiết lộ và xóa dữ liệu liên quan đến việc chuyển giao quốc tế thông tin cá nhân của người dùng. Facebook cũng bị cấm xử lý số nhận dạng mà không có cơ sở pháp lý.
|
-- |
Trước đó, Facebook cũng đã phải trả 650 triệu USD cho 1,6 triệu người dùng tại bang Illinois (Mỹ). Những người này cáo buộc Facebook đã vi phạm luật bảo mật thông tin sinh trắc học của bang vì không được sự đồng ý trước khi quét ảnh của họ để lưu trữ kỹ thuật số khuôn mặt họ.
Không chỉ Facebook, Netflix và Google cũng bị cơ quan quản lý Hàn Quốc réo tên vì vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân. Hàn Quốc đã phạt Netflix 220 triệu won (188.000 USD) vì thu thập dữ liệu từ 5 triệu người mà không có sự đồng ý và 3,2 triệu won (2.700 USD) do không thông báo cho người dùng về việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới của họ. Trong khi đó, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã yêu cầu Google cải thiện hệ thống xử lý dữ liệu cá nhân của mình và làm cho các thông báo pháp lý bớt mơ hồ hơn.
PIPC tuyên bố rằng cuộc điều tra sẽ tiếp tục với việc xem xét pháp lý về sự tuân thủ của các công ty với luật bảo mật ở Hàn Quốc. Phản hồi lại phía Hàn Quốc, Facebook phủ nhận việc không tìm kiếm sự chấp thuận của người dùng với tính năng nhận dạng khuôn mặt và tuyên bố rằng việc cài đặt kiểm soát cho nhận dạng khuôn mặt có thể đã bị một số người "hiểu nhầm”.
“Trên thực tế, chúng tôi luôn cho mọi người tùy chọn tắt nhận dạng khuôn mặt trên Facebook và hai năm trước, chúng tôi đã thay đổi tính năng này thành chỉ chọn tham gia”, một phát ngôn viên Facebook nói.