|
Lượng ô tô nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2020 là 53.000 chiếc và trị giá là 1,208 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2019, nhóm hàng này giảm 44,3% về lượng và giảm 43,7% về trị giá.
Trong số đó, 2.451 xe ô tô du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia. Đáng chú ý, giá bình quân xe Thái Lan nhập về trong tháng 7 vừa qua ở mức chỉ 378 triệu đồng/chiếc.
Đối với dòng ô tô từ Indonesia có giá bình quân khoảng 247 triệu đồng/chiếc, rẻ kỷ lục so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá xe Thái Lan nhập về đã rẻ hơn 82 triệu đồng/chiếc, còn xe nhập từ Indonesia rẻ hơn 80 triệu đồng/chiếc, so với cùng kỳ 2019.
Theo nhận định của giới chuyên môn, sở dĩ lượng ô tô nhập khẩu từ hai quốc gia trên tăng mạnh là do các doanh nghiệp trong nước có điều kiện ký hợp đồng mua xe với giá thấp nhất.
Nguyên nhân là do, hiện tại, nhu cầu nội địa và xuất khẩu của Thái Lan và Indonesia giảm mạnh bởi dịch COVID-19. Trong khi đó, sản lượng ô tô sản xuất ra vẫn rất lớn, do vậy, thị trường Việt Nam được xem là "cứu cánh" với ngành công nghiệp xe hơi của 2 nước này.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ô tô trong nước cần cẩn trọng trước tình trạng xe hơi giá rẻ từ Thái Lan và Indonesia tràn vào nội địa. Thời gian tới, nếu chính phủ hai nước tăng cường chính sách hỗ trợ thì ô tô nhập khẩu tiếp tục hạ giá, cạnh tranh khốc liệt với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Hiện tại, quy định về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã hết sức thông thoáng. Hơn nữa, xe sản xuất tại Thái Lan và Indonesia có chi phí sản xuất rẻ hơn khoảng 20% so với xe trong nước, lại được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% nên có lợi thế lớn.
Về thị trường ô tô trong nước, sáu tháng đầu năm 2020, ghi nhận sự "lao dốc" chưa từng thấy vì tác động của dịch COVID-19. Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thành viên VAMA chỉ bán được 131.248 xe, giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 22%.
Trước đó, ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ nhất, từ cuối quý I/2020, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm sản xuất và cắt giảm bớt lao động. Tuy nhiên, tồn kho vẫn cao. Theo số liệu của VAMA, hiện tồn kho ô tô tăng tới 129% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ.
Đến nửa cuối năm 2020, chính sách giảm 50% phí trước bạ được thực thi, giới kinh doanh ô tô kỳ vọng về bức tranh doanh số tươi sáng thời gian tới. Tuy nhiên, không như những dự đoán trước đó, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 tái diễn phức tạp khiến các hãng xe, đại lý tiếp tục "cuộc chiến" kích cầu tiêu dùng.
Hà Linh (T/H)/SHTT