Phê duyệt dự án khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư
Theo Thông báo kết luận thanh tra số 1650/TB-TTCP ngày 19/9/2019 của Thanh tra Chính phủ, dự án Xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình do Cty CP Xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam làm chủ đầu tư, quá trình lập hồ sơ để thực hiện dự án có thiếu sót, vi phạm trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng.
Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực thực hiện dự án với nội dung chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất công trình công cộng sang đất ở khi chưa thực hiện đầy đủ các bước để được điều chỉnh là chưa phù hợp với các quy định tại khoản 3 của Điều 16 và Điều 47, Luật Quy hoạch đô thị.
|
Quá trình lập hồ sơ dự án Xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng có thiếu sót, vi phạm trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng. |
Chủ đầu tư chưa lập và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình tại Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 4/7/2016 đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của 34 hộ dân ở mặt đường phố Lê Quý Đôn và Trần Hưng Đạo, tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện của các hộ dân.
UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 3689/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.
UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 22 và Khoản 2, Điều 17 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Khoản 4, Điều 28 của Luật Đầu tư công.
UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đưa khoản chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư với số tiền gần 15,7 tỷ đồng là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Thông tư số 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính.
Từ những thiếu sót, vi phạm này, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về trách nhiệm cũng như năng lực thực hiện công vụ của hệ thống các Sở, ngành của UBND tỉnh Thái Bình: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND tỉnh Thái Bình cũng như chủ đầu tư Cty CP Xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị Việt Nam BID.
Nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án?
Cùng thời gian này, nhân dân khu tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong đã có đơn kiến nghị đích danh ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, ông Đặng Trọng Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và ông Nguyễn Ngọc Ý - Chủ tịch UBND TP Thái Bình cùng các Sở, ngành liên quan tổ chức cuộc họp và trực tiếp đối thoại với nhân dân khu tập thể để trả lời những vấn đề nhân dân chưa hiểu, chưa rõ, nhằm tạo sự đồng thuận cao. Phải có sự ký kết giữa 03 bên: Chính quyền, nhà đầu tư và người dân về thời gian di dời và nhận nhà tái định cư tại chỗ. Nếu không đúng thời hạn thì cấp nào phải chịu trách nhiệm với nhân dân. Và ai là người chịu trách nhiệm chính khi mọi việc không đúng như thỏa thuận, như hợp đồng ký kết với nhân dân.
|
Với những hộ dân có nguồn thu không đảm bảo hoặc mất khả năng lao động sẽ được hỗ trợ như thế nào, chính sách chuyển đổi nhà ở đang được áp dụng dựa theo pháp luật nào? |
Với những hộ dân có nguồn thu không đảm bảo hoặc mất khả năng lao động sẽ được hỗ trợ như thế nào, chính sách chuyển đổi nhà ở đang được áp dụng dựa theo pháp luật nào?
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là do thông qua đấu thầu hay UBND tỉnh tự lựa chọn và chỉ định? Năng lực và tiềm lực tài chính của nhà đầu tư có đáp ứng yêu cầu triển khai dự án không?...
Những vấn đề mà người dân mong muốn được đối thoại, chất vấn trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư là hoàn toàn phù hợp. Thiết nghĩ, các nội dung này lãnh đạo tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư phải có trách nhiệm làm rõ để người dân hiểu, biết trước khi thực hiện dự án chứ không phải để kéo dài đến tận thời điểm hiện nay.
Theo Báo Xây dựng