Những dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra “kỳ tích sông Hồng”
Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016-2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Trong đó có 6 cây cầu đầu tư theo hình thức BT nói trên.
Dự án hạ tầng giao thông, nhất là những cây cầu lớn, là một trong những nhân tố chính tạo nên những cơn sốt đất tại Hà Nội và nhiều địa phương.
Từ những năm 2016 – 2017, UBND thành phố Hà nội đã chỉ đạo triển khai một số dự án như: Xây dựng cầu Tứ Liên với có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 17.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh nhằm giảm tải cho cầu Đuống cũ đã xuống cấp, kết nối với các tỉnh phía Bắc, có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo với tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng, được triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
Dự án cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 6.068 tỉ đồng theo hình thức hợp đồng BT, xây dựng trong 30 tháng, từ năm 2018-2020.
Theo lý giải của thành phố Hà Nội, khi được đầu tư xây dựng, 4 cầu nói trên sẽ khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4, đồng thời tạo cú hích mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.
6 cây cầu dừng triển khai theo hình thức BT.
Thời điểm đó, rất nhiều dự án bất động sản được quảng cáo “ăn theo” quy hoạch xây dựng những cây cầu này và được cho là sẽ được hưởng lợi khi cầu xây dựng hoàn thiện. Điển hình như các dự án: D’. Le Roi Soleil Quảng An, Eurowindow River Park, Phú Điền Building, Khu đô thị Việt Hưng, Việt Hưng Geen Park, Chung cư New Space Giang Biên, Vinhomes Riverside The Harmony…
Tuy nhiên, những dự án này đều không được triển khai đúng kế hoạch và tiến độ ban đầu đã đề ra, cho đến khi hình thức BT bị “khai tử” và danh sách các dự án BT dừng triển khai được công bố, những dự án này vẫn ở giai đoạn thực hiện thủ tục triển khai.
Đầu năm 2021, UBND TP Hà Nội công bố danh sách 10 cây cầu mới dự kiến xây dựng từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050. TP Hà Nội đang muốn tăng tỷ lệ ngân sách đối với những dự án này. Trong 6 cây cầu dừng triển khai theo hình thức BT nói trên, có 4 cây cầu nằm trong danh sách này.
Cụ thể: Cầu Thượng Cát dài 5,2 km, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Vốn đầu tư chưa xác định; Cầu Tứ Liên dài 4,48km, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư dự kiến xấp xỉ 17.000 tỷ đồng; Cầu Trần Hưng Đạo dài 2,4 km, nối các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư dự kiến xấp xỉ 9.000 tỷ đồng; Cầu Hồng Hà dài 6km, nối huyện Đan Phượng với huyện Mê Linh. Tổng vốn đầu tư dự kiến 9.877 tỷ đồng.
Việc triển khai xây dựng những dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống được đánh giá sẽ là giải pháp căn cơ và dài hạn giúp tăng kết nối giao thông liên vùng Thủ đô và giải bài toán ách tắc mà Hà Nội đang đối mặt.
Cầu chưa xây, đất đã sốt
Cùng với kế hoạch triển khai xây dựng các dự án cầu, các thông tin về quy hoạch, quy mô dự án, vị trí cụ thể… cũng được giới bất động sản tận dụng, quảng cáo rộng rãi giúp tăng thêm giá trị bất động sản khu vực lần cận những dự án này như hai bên sông Hồng, sông Đuống, khu Đông Hà Nội.
Thậm chí, bất động sản những khu vực này được ví như “công chúa ngủ trong rừng” sắp được đánh thức. Những dự án này được triển khai sẽ tạo ra “kỳ tích sông Hồng”, tạo cú hích phát triển cho khu vực hai bên bờ sông Hồng của Thủ đô, đặc biệt là bất động sản sẽ tăng giá trị và sôi động hơn…
Chuyện nhà đầu tư bất động sản mua trước, đón đầu quy hoạch diễn ra phổ biến. Vì vậy, quy hoạch cầu xuất hiện đến đâu, giá đất nhảy múa đến đó. Đến khi cầu có những động thái được nhà thầu triển khai, giá đất đã tăng rất cao. Hạ tầng giao thông vì vậy, là yếu tố then chốt để thị trường bất động sản bứt phá, là cú hích tạo sức bật cho thị trường BĐS khu vực…
|
Khu vực hai bên sông Hồng. |
Những ví dụ về các dự án cầu giúp gia tăng giá trị bất động sản được nhiều người thường lấy ví dụ. Điển hình như khi Chương Dương được xây dựng, giá bất động sản đã tăng 3-4 lần so với trước đó. Các dự án như Cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, sau khi hoàn thiện cũng tạo ra những kỳ tích cho bất động sản phía đầu cầu bên kia thành phố.
Câu chuyện sốt đất “ăn theo” quy hoạch hạ tầng giao thông và "kỳ tích" bất động sản tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực của Hà Nội thời gian vừa qua.
Tại Hà Nội, đầu năm năm nay, bất động sản vùng ven hai bên bờ sông Hồng bỗng nhiên “dậy sóng”, giá đất tăng “dựng đứng” khi Hà Nội tuyên bố sẽ xây thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng để thu hẹp khoảng cách hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, quy hoạch thành phố hai bờ sông Hồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi dự kiến được phê duyệt vào tháng 6.
Sau khi những thông tin này được tung ra, giá đất ở, đất vườn tại các khu vực liên quan lên cơn sốt từng ngày, có nơi tăng gấp 2 lần chỉ trong 1 tuần. Giao dịch mua bán đất khu vực hai bên bờ sông, các quận, huyện như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức… trở nên rất sôi động.
Giá đất các khu vực này tăng cao chưa từng có, nhiều nơi tăng 40 - 50%, có những nơi tăng đột biến lên đến 100% - 200%.
Đến nay, hầu hết các điểm “sốt đất” đã nguội. Trong khi đó, quy hoạch đô thị hai bên bờ sông vẫn chưa được duyệt và 4 cây cầu bắc qua sông Hồng theo hình thức BT đã dừng triển khai, hiện vẫn rõ tương lai và “số phận” những dự án này sẽ ra sao.
Việc hàng loạt dự án hạ tầng không biết tục được triển khai có thể khiến thị trường bất động sản Hà Nội "gãy nhịp". Quyết định dừng hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng này rất có thể cũng sẽ khiển nhiều nhà đầu tư bất động sản "đi trước, đón đầu", thu mua quỹ đất lớn trước đó nhận phải trái đắng, khi việc thoát hàng, chốt lời trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo