Việt Nam thiếu hụt lớn nguồn nhân lực làm trí tuệ nhân tạo

VIETQ 10:20 28/09/2022

Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho biết, Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực làm trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ về việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho biết để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo Việt Nam, cần có các con số.

Ông Hoài cho biết, trong quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp, đơn vị (cả tư nhân lẫn nhà nước), nhận thức, nhu cầu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu ngày càng lớn do cuộc cách mạng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi trao đổi với các chủ đơn vị về khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc, chuyên gia luôn nhận được câu trả lời: "Thiếu hụt nguồn nhân lực nằm trong 3 khó khăn hàng đầu".

Theo Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành ngành công nghiệp và là một nghề, vì vậy, khó khăn về nguồn lực là chuyện của cả thế giới. Trong đó, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực làm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam khá lớn. Do việc phát triển nhanh và sâu nên rất khó tìm được một người giỏi trí tuệ nhân tạo toàn diện. Vì vậy, cần đào tạo các kỹ năng về từng lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo. Việc xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu chỉ là công việc khá nhỏ trong cả một tiến trình. Để đưa trí tuệ nhân tạo trong thực tế gồm rất nhiều công đoạn, đòi hỏi kỹ năng, nghề nghiệp khác nhau.

Để đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam cần có bức tranh rõ ràng nghề trí tuệ nhân tạo là làm gì? Trong những năm qua, các đại học tại Việt Nam đào tạo nhiều chuyên ngành nhưng lượng học sinh, sinh viên đăng ký đào tạo trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu lại thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin.

Ông Hoài đặt câu hỏi: "Phải dăng do chúng ta nói về nghề trí tuệ nhân tạo cao siêu, chung chung nên phụ huynh và học sinh khó có lựa chọn do đó thiếu càng thiếu?".

Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Hoài cũng cho rằng, công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Để làm tốt việc đào tạo cần đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, chi phí và nền tảng phải được thực sự đầu tư.

"Không nhiều trường đại học ở Việt Nam đáp ứng được các yếu tố trên. Cách giải quyết tốt hơn là bắt tay đào tạo nhân lực với các doanh nghiệp. Họ là nhóm đối tượng cần nguồn nhân lực chất lượng cao và các trường đại học cần hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng tốt để đào tạo", ông Hoài đưa ra giải pháp.

Đồng quan điểm với ông Hoài, PGS. TS Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng nhóm nghiên cứu Tối ưu, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có nhiều trăn trở về thực trạng đào tạo ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay. Bộ Giáo dục đã đồng ý chính thức mở mã đăng ký ngành cho khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Điều này phần nào khẳng định sự hợp tác cùng thúc đẩy ngành của xã hội, Bộ Giáo dục và các bộ ban ngành. Bà Bình cũng đưa ví dụ một số trường đại học ở Việt Nam đã mở ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Còn theo ông Anissh Pandey, Giám đốc NVIDIA khu vực Asean, trong đào tạo trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nhân tài là quan trọng nhất. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đào tạo trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, khoảng cách giữa phát triển AI ở Việt Nam và đào tạo trí tuệ nhân tạo vẫn còn khá lớn, việc đào tạo nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn chưa bắt kịp.

Việt Nam là quốc gia phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu ở khu vực, tuy nhiên cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khó thu hút nhân tài. Trong khi đó, các quốc gia khác như Singapore hay Thái Lan là những nước nằm trong 20 nước phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu đều tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài trí tuệ nhân tạo.

Trả lời câu hỏi "Làm sao thu hút được bạn trẻ tài năng tham gia vào khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo?", ông Nguyễn Xuân Hoài cho biết cần có 2 yếu tố. Thứ nhất là thị trường, phụ huynh và học sinh cần nhìn được bức tranh rõ ràng về tương lai của trí tuệ nhân tạo. Sự thật, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực IT luôn nằm trong top 3 về thu nhập. Do đó, cần cho phụ huynh và học sinh thấy nhu cầu tuyển dụng lớn nguồn nhân lực trong ngành cũng như đãi ngộ cao để thu hút người học. Và thứ hai là cần truyền thông đúng cách để phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề này.

Link gốc : https://vietq.vn/viet-nam-thieu-hut-lon-nguon-nhan-luc-lam-tri-tue-nhan-tao-d204211.html

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thiếu hụt lớn nguồn nhân lực làm trí tuệ nhân tạo tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất