Khởi kiện có lẽ là con đường duy nhất để thu hồi tài sản?
Mới đây, Thanh tra Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, VNR và UBND TP Hà Nội xử lý các sai phạm liên quan đến việc VNR góp vốn kinh doanh ngoài ngành, bằng quyền cho thuê đất và tài sản trên đất đối với lô đất số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.
Trong đó, yêu cầu VNR thu hồi tài sản về cho Nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan theo quy định pháp luật.
Việc thu hồi lô đất số 80 - Lý Thường Kiệt (rộng 717,48 m2) và lô đất số 22 - Phan Bội Châu (rộng 261 m2) là khoản khê đọng lớn và phức tạp nhất vốn được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Kết luận Thanh tra số 2222/KL-TTCP ngày 28/8/2016 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên.
|
Lô "đất vàng" trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) |
Được biết, tháng 5/2013, VNR và Công ty TNHH Hà Thành thỏa thuận hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu. Theo đó, hai bên hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới (Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn) để đầu tư xây dựng và khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại các khu đất trên theo tỷ lệ góp vốn 50/50.
Trong khi Công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng tiền mặt, thì VNR góp bằng tài sản và quyền thuê đất tại 2 lô đất, được định giá 30 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn. Hiện Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn đã được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án khách sạn 4 sao theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa VNR và Công ty TNHH Hà Thành.
Tuy nhiên, chỉ trong hơn 2 năm hoạt động (2013 - 2015), trong khi chờ thực hiện khách sạn 4 sao mới, tổng lỗ lũy kế kể từ khi được chuyển giao cho đối tác lên tới hơn 4 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, do những bất đồng giữa 2 bên góp vốn, khách sạn đóng cửa hoàn toàn, không có bất cứ nguồn thu nào, nhưng vẫn phải trả mỗi năm cả tỷ đồng tiền thuê đất cho Nhà nước.
Việc thực hiện thủ tục góp vốn của VNR cũng bị Thanh tra Chính phủ xác định là trái với Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ về việc “các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản… Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này thì phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh”.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, thực chất, VNR đã lợi dụng thủ tục góp vốn thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa chuyển nhượng tài sản kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu tại 2 lô đất giáp nhau số 80 Lý Thường Kiệt (717,4m2) và 22 Phan Bội Châu (261m2).
Đường sắt Việt Nam không xây dựng phương án lập pháp nhân mới nhưng vẫn ký biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Hà Thành.
|
Lô "đất vàng" trên phố Phan Bội Châu. |
Quá trình góp vốn Đường sắt Việt Nam đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỉ đồng thiếu cơ sở, trong khi đó đơn vị thẩm định giá trị tài sản góp vốn là 67,449 tỉ đồng. Sau khi góp vốn, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ.
Thế nhưng, ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc VNR cho biết, ngay sau khi có Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018 của Văn phòng Chính phủ, từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2019, VNR đã gửi 4 văn bản đến đối tác góp vốn với cùng nội dung: “Đề nghị Công ty TNHH Hà Thành cử đại diện hợp pháp làm việc với đại diện VNR để thỏa thuận hủy bỏ biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết ngày 20/5/2013”.
Đến nay, theo báo cáo của VNR, Công ty TNHH Hà Thành không có bất kỳ văn bản hay ý kiến phản hồi nào. Đến tháng 4/2020, VNR buộc phải ký hợp đồng với một văn phòng luật sư tại Hà Nội để triển khai dịch vụ pháp lý giải quyết vụ việc thu hồi tài sản tại số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (Hà Nội).
Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, từ tháng 4/2020 đến nay, đơn vị luật sư của VNR đã 2 lần gửi văn bản và gọi tới số điện thoại của người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Hà Thành, nhưng đều bất lực trong việc kết nối liên lạc làm việc.
“Văn phòng Luật sư đang hoàn tất hồ sơ khởi kiện gửi tòa án cấp có thẩm quyền để được giải quyết trong thời gian sớm nhất. Việc thương lượng (nếu có) nhằm chấm dứt hợp đồng giữa Tổng công ty và Công ty TNHH Hà Thành sẽ tiếp tục được thực hiện trong quá trình tòa án thụ lý giải quyết vụ việc”, thông tin từ VNR cho hay.
VNR phải dứt điểm quan hệ dân sự với Công ty TNHH Hà Thành
Hiện sức ép đối với VNR về việc phải sớm thu hồi các tài sản nói trên về cho Nhà nước là rất lớn sau khi Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4766/VPCP-V.I ngày 15/6/2020 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về kết quả xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên.
Được biết, muốn phục hồi quyền thuê đất với khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu, trước tiên, VNR phải giải quyết dứt điểm quan hệ dân sự với Công ty TNHH Hà Thành. Trên cơ sở các phán quyết của Tòa án, việc xem xét quan hệ thuê đất với UBND TP. Hà Nội mới được xem xét.
“Trước khi khởi kiện yêu cầu hủy thỏa thuận với Công ty TNHH Hà Thành, VNR cần xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng với tính chất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, quá trình thu hồi quyền thuê 2 lô đất chắc chắn sẽ kéo dài, với nhiều diễn biến khó lường phía trước”, một chuyên gia nhận định.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Đường sắt Việt Nam. Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: "Đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước, nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự".
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ