Nhiều nghiên cứu khoa học hiện nay đã chỉ ra được liều vaccine tăng cường không chỉ giúp cơ thể tạo ra kháng thể hiệu quả hơn ngăn chặn COVID-19 xâm nhập mà còn tăng khả năng bảo vệ khỏi các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trở lại do ảnh hưởng của làn sóng lây lan của biến thể Omicron, nhiều quốc gia đã bắt đầu khuyến khích người dân thực hiện việc tiêm liều vaccine bổ sung (mũi 3).
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Theo thời gian, sau khi tiêm vaccine khoảng 4 - 6 tháng, kháng thể sinh ra từ hai liều vaccine cơ bản bị suy giảm dần, vì vậy, tiêm nhắc lại nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại được tăng lên, chống lại tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2".
Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định rằng, không thể đảm bảo rằng mũi 3 sẽ giúp cơ thể miễn nhiễm 100% đối với COVID-19.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo về tâm lý nguy hiểm "ai rồi cũng thành F0", thậm chí còn mong bản thân mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine để được "bất tử" trước đại dịch.
Cụ thể, theo chia sẻ với vtc.vn, Ths. BS Trương Như Quân, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) cho rằng, không nên có ý nghĩ muốn mắc COVID-19 hay sẵn sàng đón nhận vì sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng.
Khi nhiều người cùng có suy nghĩ mong muốn mắc bệnh hoặc sẵn sàng cho việc mắc bệnh thì cộng đồng sẽ lơ là các biện pháp phòng dịch do Bộ Y tế khuyến cáo, Chính phủ ban hành hiện nay.
“Nếu lơ là, chủ quan, số lượng F0 sẽ tăng lên rất nhanh trong giai đoạn rất ngắn, khi mà tăng nhanh trên quy mô rộng như TP.HCM, sẽ gây quá tải hệ thống y tế trong một khoảng thời gian ngắn. Tại vì hệ thống y tế của mình được huấn luyện, đào tạo chuẩn bị cho diễn biến phòng, chống dịch theo từng cấp bậc, giai đoạn, nếu như tất cả xã hội mà lơ là như vậy dịch sẽ nằm ngoài kịch bản ứng phó gây nên quá tải hệ thống y tế ngay”, BS Quân nhận định.
Theo BS Quân, mặc dù độ phủ vaccine phòng COVID-19 đã cao, nhưng người dân không thể coi vaccine như “viên đạn vàng” được. Nó không phải là hiệu quả 100%, có những người đã tiêm 2 mũi vaccine rồi khi bị bệnh vẫn bệnh nặng và tử vong. Đặc biệt là người có nhiều yếu tố nguy cơ (bệnh nền, trên 65 tuổi, hoãn tiêm vaccine,… ) nên không thể chủ quan mong mắc bệnh như tâm lý của một số người.
“Khi số lượng người nhiễm cao, những người dù đã được tiêm vaccine đầy đủ mắc bệnh vô tình lại lây bệnh cho những người có thể được tiêm vaccine rồi nhưng nhiều yếu tố nguy cơ, dẫn đến gia tăng mức độ nhập viện ở nhóm này. Số lượng người nguy cơ mắc COVID-19 nhập viện mà tăng sẽ dẫn đến hậu quả về mặt y tế không tốt, gánh nặng tử vong”, BS Quân phân tích.
Hơn nữa, hiện nay đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, nên nếu chủ quan, coi việc mắc COVID-19 là “lẽ đương nhiên”, không chủ động phòng tránh lây nhiễm thì những người đã tiêm vaccine khi mắc bệnh có thể không nguy hiểm cho họ, nhưng sẽ làm lây lan, gia tăng dịch bệnh cho nhóm trẻ này.
“Tuy đối tượng dưới 12 tuổi nhiễm bệnh thường nhẹ, nhưng diễn biến trên một quần thể rộng lớn sẽ dẫn đến ca nặng, do đó không thể “sơ ý” muốn mắc bệnh để ảnh hưởng đến đối tượng chưa tiêm vaccine này”, BS Quân nói.
Ngoài ra, theo Ths. BS Trương Như Quân, khi nhiều người “sẵn sàng được mắc bệnh”, khi đó số lượng ca nhiễm xảy ra trên diện rộng và đồng loạt, virus có cơ hội sẽ nhân lên nhiều lần, sẽ xảy ra đột biến như Omicron hay một biến thể mới nào đó, rất nguy hiểm.
“Khi có đột biện sẽ dẫn đến hệ quả gì là không thể lường trước được, nó có thể nhân lên nhanh hơn, vượt qua vaccine, bệnh nặng hơn có thể xảy ra mà chúng ta không thể lường hết được nên không thể có tâm lý lơ là, mong muốn mắc bệnh như vậy. Việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch như hiện tại là tốt nhất”, BS Quân nhấn mạnh.