Làm gì để bình ổn thị trường thịt lợn?

DTVN 12:44 22/10/2019

Giá thịt lợn đang tăng cao kỷ lục và dự kiến sẽ chưa dừng lại. Người tiêu dùng lo lắng, liệu thịt lợn có đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Đảm bảo thực phẩm dịp cuối năm
Giá thịt lợn trên thị trường đang cao kỷ lục với mức bình quân chung cả nước khoảng 57.000 đồng/kg, cá biệt có địa phương như Hà Nội, giá thịt lợn đã lên tới 62.000 đồng/kg. Vì sao giá thịt lợn lại tăng cao như vậy, thưa ông?
- Qua gần 9 tháng bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đã có hơn 5,6 triệu con lợn bị tiêu hủy. Điều này dẫn tới nguồn cung thịt lợn trong nước giảm khoảng 8,2%, tương ứng với trên 320.000 tấn. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Trung Quốc – thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới cũng đang rơi vào khủng hoảng cung cầu thịt lợn nghiêm trọng.
Tại quốc gia này, giá thịt lợn có nơi đã lên tới 150.000 đồng/kg. Điều này khiến một lượng lợn nhất định từ Việt Nam đổ qua biên giới Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và vô hình chung khiến giá lợn trong nước bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, từ tình hình thị trường, một số tổ chức, DN, hộ chăn nuôi có tâm lý giữ đàn lợn để tăng trọng lượng cao hơn. Nếu như bình thường, chu kỳ nuôi lợn chỉ kéo dài từ 3 – 3,5 tháng (tương ứng trọng lượng lợn từ 90 – 100kg) thì sẽ xuất bán nhưng nay một bộ phận người chăn nuôi có tâm lý găm hàng để nuôi to hơn, có nơi nuôi đến 150 – 180kg mới xuất chuồng. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung và khiến giá thịt lợn tăng cao hơn.
- Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá thịt lợn tăng cao, Bộ NN&PTNT đã tính đến những giải pháp gì để bảo đảm nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng, thưa ông?
- Thường vào quý IV hàng năm và quý I của năm kế tiếp là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Nguồn cung thịt lợn về lý thuyết sẽ thiếu hụt khoảng 8,2%. Do đó, cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tổng thể để bù đắp. Ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Bộ NN&PTNT đã chủ trương tăng đàn gia cầm.
Đến nay, tổng đàn gia cầm cả nước đã tăng 12% với sản lượng khoảng 1 triệu tấn. Kết quả phát triển nhóm đại gia súc cũng rất khả quan, với mức tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, thủy sản đón tin vui khi đang được mùa nhất trong nhiều năm trở lại đây, với tổng sản lượng khoảng 8 triệu tấn. Sản lượng thủy sản, gia cầm và đại gia súc hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong thời gian tới.

Tổ hợp chế biến thịt của Tập đoàn Masan. Ảnh: Trọng Tùng

Doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng phải “xúm tay”
Nguồn thực phẩm nói chung không thiếu, song người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng thịt lợn là chính. Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?
- Thực tế là không thể cùng một lúc chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng từ thịt lợn sang các nhóm khác 100% theo ý muốn. Bởi tiêu dùng là thói quen, cần có thời gian tuyên truyền, thay đổi dần dần. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT cũng đang tập trung chỉ đạo tăng đàn, tái đàn ở những nơi chăn nuôi bảo đảm an toàn. Chủ trương đưa ra là sẽ thực hiện tại những DN, trang trại và hộ gia đình chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Chúng ta cũng đang có cơ hội tương đối tốt để thực hiện điều này, bởi đến nay, cả nước vẫn giữ được đàn giống hạt nhân, cụ kỵ và ông bà khoảng 109.000 con. Chúng ta có tất cả các mô hình từ quy mô công ty đến trang trại, hộ chăn nuôi lớn, vừa và nhỏ bảo đảm an toàn sinh học. Thứ nữa, những thiết chế dịch vụ cho chuỗi phát triển chăn nuôi vẫn bảo đảm (cám, quy trình hướng dẫn). Do đó, chúng ta có thể tăng đàn, tái đàn tại những nơi đảm bảo an toàn sinh học, để đáp ứng mục tiêu là bù đắp lượng thịt lợn có khả năng thiếu hụt.
Thưa ông, với sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn hiện nay thì những tháng cuối năm, giá thịt lợn liệu có tiếp tục tăng và làm thế nào để có thể bình ổn giá cho mặt hàng này?
- Thực tế hiện nay, tổng đàn lợn cả nước còn lại đang nằm khá nhiều ở các tập đoàn, công ty, trang trại quy mô lớn. Chính vì vậy, để bình ổn được mặt hàng thịt lợn, Bộ NN&PTNT đang vận động các đơn vị cùng “xúm tay” vào để cầm trịch giá cả thị trường. Người tiêu dùng cũng cần chia sẻ về giá, bởi trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, chi phí chăn nuôi cũng đang tăng cao. Phải làm thế nào để bảo đảm hài hòa được lợi ích cho cả cơ sở sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Giải pháp thị trường cũng rất quan trọng. Theo đó, cần tuyên truyền chính xác, khách quan tình hình cung cầu thịt lợn để ổn định thị trường. Bảo đảm không để thịt lợn bị xuất tiểu ngạch ra bên ngoài, cũng như thịt lợn từ bên ngoài thâm nhập vào trong nước.
Sự trao đổi này có thể mang theo cả nguồn lây nhiễm dịch bệnh khó kiểm soát. Hơn nữa, về lâu dài, chúng ta phải bảo đảm thương mại quốc tế lành mạnh, cái gì chính ngạch thì xuất nhập khẩu. Như vậy mới bảo đảm ổn định được thị trường.
Một giải pháp khác cũng cần được quan tâm là tăng cường tuyên truyền cách thức tiêu thụ hợp lý các nhóm sản phẩm thủy sản – gia cầm – gia súc theo cơ cấu bữa ăn hàng ngày. Điều này sẽ góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách hợp lý, khoa học hơn, phục vụ bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho người Việt.
Xin cảm ơn ông!

"Giá thịt lợn tăng và dao động xung quanh trục 62.000 - 65.000 đồng/kg là chấp nhận được, bởi chi phí chăn nuôi trong điều kiện dịch bệnh đang tăng cao hơn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Dù vậy, giá thịt lợn có tác động lớn đến đời sống dân sinh, do đó, các địa phương cần tuyên truyền đầy đủ, khách quan về thị trường giá cả để tránh tình trạng đầu cơ.

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ việc tăng đàn, tái đàn, trong chính sách bình ổn giá nên ưu tiên cho thịt lợn, vì vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này rất lớn." - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương

Theo Kinh tế Đô thị
Bạn đang đọc bài viết Làm gì để bình ổn thị trường thịt lợn? tại chuyên mục Giá cả - hàng hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Giá cả - hàng hóa
Tin tức mới nhất