Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/1, giá quặng sắt kỳ hạn tăng cao do lo ngại về cơn bão nhiệt đới sắp hình thành ở Australia và sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, Reuters đưa tin.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch buổi sáng đầy biến động ở mức 1.059 nhân dân tệ/tấn (tương đương 163,93 USD/tấn), tăng nhẹ 0,7%.
Sau khi cơ quan thời tiết Australia thông báo một cơn lốc xoáy cấp 1 - 2 có thể đổ bộ vào bờ biển Pilbara vào ngày 22/1, Cơ quan quản lý các cảng Pilbara đã bắt đầu dịch chuyển các tàu lớn ra khỏi neo đậu tại cảng Hedland, trung tâm vận tải quặng sắt lớn nhất thế giới.
|
Giá thép hôm nay tăng trở lại |
Theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome, nhu cầu thép yếu và biên lợi nhuận giảm ở Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến giá quặng sắt.
Theo ghi nhận, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE), kết thúc phiên tăng 0,2% lên mức 1.059 nhân dân tệ/tấn (tương đương 163,76 USD/tấn).
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng bị biến động. Trong đó, than luyện cốc Đại Liên giảm 2,9% xuống còn 1.630 nhân dân tệ/tấn, than cốc tăng 0,1% lên mốc 2.714 nhân dân tệ/tấn.
Tương tự, giá thép thanh, thép cuộn cán nóng (HRC) và thép không gỉ giao sau trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng điều chỉnh nhẹ trong cùng thời điểm khảo sát.
Cụ thể, hợp đồng thép cây được đặt hàng nhiều nhất giảm 0,4% xuống mức 4.310 nhân dân tệ/tấn. Giá HRC, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, ghi nhận mốc 4.413 nhân dân tệ/tấn sau khi giảm 0,4%.
Ở chiều ngược lại, giá thép không gỉ trên sàn Thượng Hải tăng 0,7% lên ngưỡng 14.405 nhân dân tệ/tấn.
Ngành thép bứt tốc vào cuối năm 2020
VSA cho biết năm 2020, giá thép toàn cầu đã kết thúc một năm bất thường ở mức cao và phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2021. Điều này cũng giúp hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng cuối năm.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước năm 2020, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA), CPTPP được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Sản xuất thép các loại trong năm 2020 đạt hơn 25,9 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2019. Bán hàng thép các loại đạt hơn 23,4 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 4,5 triệu tấn, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.
VSA cho biết năm 2020, giá thép toàn cầu đã kết thúc một năm bất thường ở mức cao và phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2021.
Điều này cũng giúp hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng cuối năm.
Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 12, sản xuất thép các loại đạt 2,6 triệu tấn tấn, tăng 6,7% so với tháng 11 và tăng 15,9% so với cùng kỳ 2019.
Bán hàng thép các loại đạt 2,4 triệu tấn, giảm 1,02% so với tháng 11/2020, nhưng tăng 21,2% so với cùng kỳ 2019.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu thép thô tăng trưởng mạnh tới 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2019 đạt hơn 3,2 triệu tấn.
Trong tháng 12/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tăng lên khoảng khoảng 14.950- 15.100 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 12/2020.
Năm 2020 có biến động rất lớn đặc biệt cuối năm khi thị trường nguyên liệu sản xuất thép tăng mạnh. Theo đó, giá quặng sắt giao dịch ở mức 166,9- 167,4 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng đáng kể khoảng 30 USD/tấn tương ứng với 17-18% so với đầu tháng 12/2020.
Đại diện VSA cho biết hiện chưa có dự báo chính xác giá nguyên liệu sẽ thế nào. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Đông Á có xu hướng tăng mạnh, Châu Âu và Châu Mỹ có chiều hướng đi ngang. Hiệp hội thép dự báo tiêu thụ thép trong năm 2020 tăng 2% lên 23,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, VSA quan ngại một số rủi ro liên quan chủ nghĩa bảo hộ gia tăng khi các quốc gia tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Kinh tế Chứng khoán