Trong rủi có may!
Nhìn nhận khách quan thì Covid-19 ảnh hưởng đến cả 2 mặt. Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ thường niên (Vifa Expo 2020) dự kiến khai mạc 11-3-2020 phải tạm hoãn do diễn biến dịch Covid-19 lây lan nhanh trên thế giới.
Vifa Expo 2020 là hội chợ đầu năm và là mùa bán hàng quan trọng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị cả năm để tung ra các mẫu sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh cho năm 2020. Trước đó, cũng vì Covid-19 đã làm trì hoãn hàng loạt các hội chợ nội thất trên toàn thế giới như Trung Quốc, Malaysia...
Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho biết ban tổ chức Vifa Expo 2020 đã tham vấn nhiều kênh, khảo sát ý kiến đơn vị tham gia, phần lớn DN đề nghị dời ngày tổ chức hội chợ vì số đông khách hàng từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều hủy kế hoạch tham quan. Cộng thêm mạng lưới AFIC (Hội đồng Công nghiệp nội thất Đông Nam Á) cũng đã dời chuỗi hội chợ chuyên ngành tại ASEAN.
Ở góc độ khác, tác động của việc áp thuế chống bán phá giá nhiều sản phẩm đồ gỗ Trung Quốc trước đây của Mỹ buộc nhiều công ty phải chuyển ra khỏi Trung Quốc, nay dịch Covid-19 làm cho việc sản xuất đồ gỗ tại đất nước đứng đầu thế giới là Trung Quốc càng bị đình trệ, hầu hết nhà máy chưa hoạt động hoặc chỉ sản xuất cầm chừng, gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm khủng hoảng nguồn cung ra thế giới.
|
Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam được thị trường thế giới yêu chuộng. Ảnh: CAO THĂNG |
Những khách hàng lớn tại Mỹ, Australia, Nhật Bản hay các nước châu Âu càng có thêm động lực để chuyển sự quan tâm đến các nước khác, trong đó Đông Nam Á là thị trường thay thế lý tưởng, và Việt Nam - nước đứng thứ 2 ở châu Á và thứ 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ - trở thành ứng viên sáng giá nhất khi nguồn lực sản xuất Việt Nam đều sẵn sàng.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (Bifa), nhận định, cùng với lợi thế nguồn gỗ nguyên liệu chủ yếu khai thác từ rừng trồng trong nước hoặc được nhập khẩu từ Mỹ, Canada, các nước châu Phi, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ Việt Nam là các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, nên có thể nói ảnh hưởng của dịch bệnh chưa đáng kể.
Ngoài ra, Việt Nam còn có rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, đặc biệt là EVFTA mới được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và có hiệu lực trong năm nay, sẽ tạo động lực tốt để ngành gỗ phát triển khi thuế xuất khẩu các sản phẩm vào EU sẽ giảm về 0%, cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều thị trường mới được mở ra. Điều quan trọng là DN cần phải nhạy bén đón lấy cơ hội.
Động lực để chuyển đổi số
Hawa nhận định, trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi, DN có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển thị trường. Hiện nay, dịch bệnh lây lan nhanh đã làm thái độ tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Điều này đang tạo ra áp lực và thách thức buộc các DN phải đổi mới, cải tiến ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, trong đó chuyển đổi số là chìa khóa cốt lõi.
Hiện nay, mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống gặp khó khăn vì chi phí vận hành lớn, kém năng động. Gần đây, việc đăng ký phá sản của Peer 1 Import - hệ thống kinh doanh đồ nội thất rất lớn tại Mỹ, phải cải tổ để thích ứng bối cảnh mới. Vì vậy, có thể nói, Covid-19 là động lực để sự chuyển đổi không gian số nhanh hơn.
Việc chuyển đổi số về cơ bản được các DN đồng thuận, nhưng băn khoăn cách thức tiến hành. Ông Trần Hiến, đồng sáng lập Công ty Ecomstone - đối tác Amazon tại Việt Nam, cho rằng dịch bệnh làm cản trở nhưng cũng là cơ hội chuyển sang kinh doanh online để cơ hội chuyển biến tích cực hơn.
Ông dẫn chứng một công ty của Thái Lan quyết tâm xây dựng cửa hàng online trên Amazon; sau hơn 1 năm, tăng trưởng trên 30%. Hawa có thể cùng với Ecomstone phân tích tiềm năng, nhận định đối thủ cũng như khách hàng để đánh giá thị trường và từng bước xây dựng gian hàng chung trên Amazon, qua đó xây dựng thương hiệu riêng cho đồ nội thất gỗ Việt Nam thay vì sản xuất gia công, giá trị thấp, khách hàng không biết nhà sản xuất.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hawa, để đạt doanh số xuất khẩu 20 tỷ USD năm 2025, cần phải tiếp cận theo hướng mới, đa kênh bán hàng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Khởi điểm công nghệ số hiện nay giữa các DN chế biến gỗ Việt Nam và các nước phát triển chưa có sự cách biệt nhiều, nhưng nếu DN vẫn chậm chân trong giai đoạn này, sẽ bị vượt qua. Vì vậy, cộng đồng DN Việt Nam cần mạnh dạn chuyển đổi.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhấn mạnh thời công nghệ số không phải công ty to thắng công ty bé mà là công ty hành động nhanh thắng công ty hành động chậm. Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý, trên thế giới hiện nay, 70% công ty chuyển đổi số gặp thất bại nếu vội vàng khi chưa có những bước chuyển căn cơ, làm cho một bộ phận không theo kịp, trở thành lực cản.
Theo SGGP