Ngày 8/6 vừa qua, 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Lê Đức Vinh cùng cựu Giám đốc sở TN&MT Lê Mộng Điệp đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS.
Vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận khi hàng loạt cán bộ cấp cao tỉnh Khánh Hòa liên tiếp vướng vòng lao lý do liên quan đến các sai phạm trong quản lý đất đai. Trong đó, ông Thắng và ông Vinh bị cáo buộc đã ký nhiều văn bản sai quy định trong việc giao và cho thuê đất, phê duyệt giá đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc.
|
Hình ảnh núi Chín Khúc hiện tại bị biến dạng sau khi các nhà đầu tư san ủi làm dự án. Ảnh: Lao động |
Được biết, riêng về dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (đổi tên và điều chỉnh từ dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - Khu B) tiền thân là dự án Khu biệt thự và sinh thái Đất Lành do Công ty TNHH Sản Xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Năm 2009, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương giao hơn 513 ha đất lâm nghiệp thuộc khu vực núi Chín Khúc cho doanh nghiệp này làm khu kinh tế trang trại, mục tiêu trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng.
Tỉnh cũng điều chỉnh hơn 3,5 ha đất thương mại dịch vụ lên thành 5,3 ha đất làm công trình tâm linh, tượng phật trên núi.
Tháng 10/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng cho phép chủ trương điều chỉnh mục tiêu đầu tư khu kinh tế trang trại và cấp giấy chứng nhận đầu tư xây khu nhà ở để bán hoặc kết hợp cho thuê, cho thuê mua; trồng rồng, bảo vệ rừng và dịch vụ sinh thái tâm linh; 7.500 m2 đất ở lâu dài trên đỉnh núi Chín Khúc. Trong đó, 7.500 m2 này chưa được chuyển mục đích đất rừng sang đất ở, song trong quyết định giao đất UBND tỉnh Khánh Hòa ghi là "đất ở nông thôn" giao có thu tiền sử dụng đất, người mua được sử dụng ổn định lâu dài.
Tháng 9/2019, ông Đào Công Thiên (Phó Chủ tịch tỉnh) mới ký quyết định điều chỉnh cho doanh nghiệp thuê 7.500 m2 đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm với dạng "loại đất trồng rừng sản xuất".
Cơ quan chức năng xác định, dù mới chỉ được phê duyệt chủ trương, chưa đủ điều kiện, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500, báo cáo tác động môi trường, nhưng chủ đầu tư đã cho đào bới, san ủi 44 ha trên núi Chín Khúc để làm dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công xây dựng cho đến hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; khẩn trương trồng cây, phủ xanh các khoảng trống đất đá do bị mất đi lớp thảm thực vật trong quá trình thi công đường lâm nghiệp lên đỉnh núi Chín Khúc, nhằm đảm bảo cảnh quan của núi Chín Khúc…
Đến năm 2019, sau khi “phá nát” núi Chín Khúc thì chủ đầu tư dự án tâm linh đã “tự nguyện” làm đơn xin trả lại 370 ha đất khi dự án không thành.
Trong quyết định thu hồi, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Phòng Tài nguyên và Môi trường ở các huyện có đất thuộc ranh giới thu hồi tiến hành bàn giao mốc giới cho các xã để quản lý theo quy định; Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; Cục thuế chủ trì phối hợp các ngành xử lý tiền sử dụng đất theo quy định.
Theo tìm hiểu được biết, trong quy hoạch chung phát triển TP Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, núi Chín Khúc (diện tích chủ yếu ở phía tây nam TP Nha Trang, một phần thuộc hai huyện Diên Khánh và Cam Lâm) không quy hoạch phát triển đô thị.
Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa được thành lập từ tháng 9/2007 có trụ sở chính tại số 349/15 Lê Hồng Phong, phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng. Trước năm 2017, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa chỉ có vốn điều lệ 245,3 tỷ đồng, trong đó 100% là vốn tư nhân với giá trị vốn góp bằng tiền là 65 tỷ đồng, còn lại là các tài sản khác. Báo cáo thay đổi vốn mới nhất, doanh nghiệp này đã tăng vốn gấp 4 lần, lên mức 1.006,3 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn góp bằng tiền vẫn ở mức 65 tỷ đồng, nhưng giá trị các tài sản khác đã tăng lên mức gần 941,3 tỷ đồng. |
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo