|
Dãy nhà chung cư A1 54 Hạ Đình chỉ còn lác đác vài hộ bám trụ lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Sinh sống ngay gần hiện trường vụ cháy kho của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhiều cư dân của chung cư 54 Hạ Đình đã phải dọn đồ, chuyển nhà vì lo sợ ô nhiễm.
Theo thông tin từ Ban quản trị chung cư này, số hộ “bám trụ” lại hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Ồ ạt “di cư” vì lo ô nhiễm
Khu chưng cư 54 Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) nằm ngay sát vách với khuôn viên của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ngăn cách giữa hai khối công trình này chỉ là một bức tường gạch cao chừng 4m. Sau sự cố cháy vừa qua, một lớp bạt lớn màu xanh đã được che chắn thêm với mục đích ngăn không cho khói bụi từ phía Rạng Đông lan sang khu dân cư.
|
Khu chung cư 54 Hạ Đình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). |
Dẫn chúng tôi ra khu vực “giáp ranh,” ông Đoàn Văn Tiến, thành viên Ban quản trị chung cư không giấu nổi nỗi bức xúc. Vị đại diện này cho hay, sau khi thông tin về nồng độ thuỷ ngân cũng như nguy cơ ô nhiễm được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chính thức, cộng đồng dân cư 54 Hạ Đình đã rất lo lắng.
“Nếu như trước đó vài ngày, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vẫn khẳng định không ô nhiễm thì kết quả từ Bộ Tài nguyên và Môi trường lại ngược lại. Điều này khiến chúng tôi hết sức hoang mang vì không biết nên tin vào ai,” ông Tiến lắc đầu.
Cũng theo ông Tiến, do quá lo lắng trước nguy cơ ô nhiễm, rất nhiều người dân sinh sống tại hai khối nhà A1, A2 đã quyết định đi... di tản.
|
Gia đình chị Thuý do quá lo lắng nên đã quyết định dọn đồ, ra ngoài thuê nhà ở. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Trưa 9/9, căn hộ số 604 toà A1 của chị Vũ Thị Thuý vẫn tấp nập người ra vào. Phía bên trong, từng hộp catton chứa những đồ đạc thiết yếu đã được đóng gọn lại, xếp trên mặt sàn. Nhóm công nhân công ty chuyển nhà trọn gói theo hướng dẫn của gia chủ vội vã di chuyển chiếc tủ lạnh cỡ lớn ra cửa thang máy đã chờ sẵn.
“Khi có thông tin ô nhiễm, gia đình chúng tôi đã định chuyển đi ngay, nhưng vẫn phải mất mấy hôm mới tìm được căn nhà thuê ưng ý. Hôm nay, dù là đầu tuần nhưng hai vợ chồng vẫn xin nghỉ để chuyển nhà cho xong. Ở đây sát ngay Rạng Đông, chúng tôi không thể yên tâm được,” chị Thuý vừa lúi húi dọn dẹp vừa kể.
Tại căn hộ số 605, chị Vũ Thị Hương thậm chí còn “di tản” cả nhà đi từ ngay sau khi vụ cháy xảy ra một ngày. Căn hộ của chị Hương có hướng nhìn thẳng ra khu vực kho bị cháy. Đứng từ trên lan can, chúng tôi vẫn cảm thấy một mùi ngột ngạt khó thở bốc lên giữa trưa nắng gắt.
Ngồi giữa căn nhà ngổn ngang đồ đạc, chị Hương kể: “Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, tôi đã quyết định đưa 2 cháu 1 tuổi và 12 tuổi sang nhà ông bà ở đường Hoàng Quốc Việt ở tạm, định vài hôm sẽ quay về. Nhưng với tình hình này chắc chúng tôi phải tính ở bên đó dài dài.”
Anh Đoàn Văn Cường, một nhân viên văn phòng kinh doanh thiết bị chiều sáng nằm sát vách Công ty Rạng Đông cho biết, văn phòng anh có khoảng 20 người. Đáng chú ý, 2 người đi khám đã có kết quả nhiễm thủy ngân. “Nhân viên đã ý kiến với lãnh đạo chuyển gấp văn phòng đi nơi khác, đến khi ổn định mới quay lại đây. Nhiều văn phòng bên cạnh cũng đã chuyển đi rồi, hôm nay tôi tới để chuyển nốt đồ đến cơ sở mới”, anh Cường nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều chủ nhân của các căn hộ chung cư tại đây đã chọn cách khoá trái cửa, di chuyển để tránh vùng ảnh hưởng của ô nhiễm. Khu chung cư vốn tấp nập người qua lại giờ chỉ còn lác đác vài người. Các ban công cũng đóng kín, không còn quần áo phơi phóng bên ngoài.
Tại chung cư 143 Hạ Đình cũng có khoảng 40% cư dân dọn đi, trong đó phần lớn là trẻ nhỏ và người già.
|
Di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Đại diện Ban quản trị chung cư 54 Hạ Đình Đoàn Văn Tiến cho hay, hiện ông chưa thống kê chính xác, nhưng trong số hơn 280 căn hộ, chỉ còn khoảng trên dưới 20 hộ chưa di chuyển.
“Bản thân tôi cũng đã cho người nhà sang khu vực khác sinh sống. Riêng cá nhân tôi vẫn chọn ở lại để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng như tiếp tục kiến nghị lên chính quyền tìm các phương án bảo đảm an ninh, trật tự của khu vực này,” vị đại diện Ban quản trị cho biết.
Cũng theo ông Tiến, nhiều văn phòng luật đã đứng ra tư vấn người dân trong khu làm đơn khiếu kiện Công ty Rạng Đông, tuy nhiên người dân đã di tản gần hết, đợi khi người dân lên, Ban quản trị tòa nhà sẽ cho họp và thống nhất phương án tiếp theo.
Ông Tiến cũng cho rằng, phía Rạng Đông phải chịu trách nhiệm về tình trạng hiện tại; đồng thời cần khẩn trương di chuyển ra khỏi nội đô để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Rạng Đông cần giải thích sự bất nhất
Trong một báo cáo của mình ngay sau khi vụ cháy xảy ra, phía Rạng Đông cho biết: Đơn vị này đã “nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016.” Trong khi đó, ngày 8/9, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông thừa nhận dùng thủy ngân lỏng (độc hại hơn) trong 480.000 sản phẩm đèn huỳnh quang bị cháy.
Liên quan đến vụ việc, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với phó giáo sư, tiến sỹ hoá học Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội Khoá 13, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc Hội. Bà An khẳng định, phía Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cần phải giải thích về sự bất nhất trong thông tin trước các cơ quan chức năng cũng như toàn thể nhân dân.
|
Theo nhiều chuyên gia, phía Rạng Đông cần có giải thích về sự bất nhất của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Bàn về phương hướng xử lý hiện nay, bà An cho rằng, vấn đề cơ bản nhất là cần có giải pháp chuẩn để xử lý tận gốc những hậu quả của vụ cháy, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Trong khi đó, đánh giá trên góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cũng cho rằng, những cá nhân có trách nhiệm nhưng bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường gây hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân đến mức nghiêm trọng cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
|
Hiện trường vụ cháy nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ xem xét các yếu tố như có vi phạm các quy định về Phòng cháy chữa cháy hay không. Trong trường hợp xác định có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan công an sẽ khởi tố theo quy định.
Cũng theo luật sự Cường, nếu hành vi gian dối trong việc cung cấp thông tin có dấu hiệu vi phạm về phòng ngừa sự cố môi trường hoặc vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản 1 tỷ đồng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo điều 237 Bộ Luật Hình sự./.
Theo Vietnam+/TTXVN