Chống dịch Covid-19 kiểu tỷ phú Vingroup: Đừng để cuộc sống trôi qua một cách vô nghĩa

CHẤT LƯỢNG VN 07:28 22/07/2021

Khi biết tin Singapore đã cấp phép cho thiết bị xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới, Tập đoàn Vingroup đã liên hệ để mua thiết bị này và trao đổi giúp ngành y tế nâng cao năng lực

xét nghiệm, giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên lấy mẫu. Những đóng góp và việc làm đó cho thấy họ thực sự là những người hùng đi đầu góp sức cho đất nước rất hiệu quả nhưng cũng rất lặng lẽ, không quảng bá rầm rộ.

TỶ PHÚ TIÊN PHONG VÌ DÂN, VÌ NƯỚC, ÂM THẦM CHI HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Mới đây, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp nhận 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test do Tập đoàn Vingroup trao tặng với tổng giá trị hơn 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD).

Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng công nghệ vào phòng, chống dịch COVID-19, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công với Công ty Breathonix (Singapore), nhà sản xuất máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới – để đưa thiết bị này về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8/2021. Phương pháp xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở có ưu điểm đặc biệt nổi bật là nhanh chóng, độ chính xác cao và không cần phải lấy dịch tỵ hầu, họng. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở. Hơi thở ra được thu thập và đưa vào một khối phổ kế tiên tiến để đo lường.

Theo các nhà phát triển, máy xét nghiệm này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện những thay đổi sinh hóa trong hơi thở để phát hiện COVID-19, cho ra kết quả trong chưa đầy một phút, với độ chính xác hơn 90%. Thiết bị xét nghiệm này đã được Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore (HSA) cấp phép.

Phát biểu tại buổi trao tặng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những hỗ trợ và đồng hành của Tập đoàn Vingroup cho hoạt động phòng, chống dịch của ngành y tế trong suốt hơn 1,5 năm qua để cùng ứng phó với đại dịch, cũng như trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung.

“Ngay từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên, khi biết ngành y tế gặp khó khăn về test xét nghiệm, Tập đoàn Vingroup đã liên hệ và tiến hành hỗ trợ ngay test để phục vụ nhu cầu xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch ở các địa phương, góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm của các địa phương. Ở đợt dịch này, công suất và năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã là trên 2,8 triệu mẫu, bằng tổng số mẫu của 3 đợt dịch trước cộng lại” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin và cho biết trong điều kiện nắng nóng hiện nay, cán bộ nhân viên y tế rất vất vả khi lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên toàn ngành đã nỗ lực, vượt khó để nâng cao năng lực, công suất xét nghiệm, góp phần nhanh chóng khống chế, dập dịch.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, khi biết tin Singapore đã cấp phép cho thiết bị xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới, Tập đoàn Vingroup đã liên hệ để mua thiết bị này và trao đổi để giúp ngành y tế nâng cao năng lực xét nghiệm, giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên lấy mẫu.

Theo Bộ trưởng, thiết bị xét nghiệm này là công nghệ hoàn toàn mới, ứng dụng công nghệ AI để đảm bảo công suất xét nghiệm nhanh hơn, từ đó góp phần giảm gánh nặng trong lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên y tế, giúp các cơ sở y tế, những nơi cần thực hiện tầm soát trên quy mô lớn triển khai xét nghiệm nhanh hơn.

“Cảm ơn Tập đoàn Vingroup đã dành kinh phí lớn để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Nếu hệ thống này đáp ứng được nhu cầu chống dịch, chúng tôi sẽ trao đổi với Tập đoàn để mở rộng việc đưa thiết bị xét nghiệm này về Việt Nam. Tôi được biết Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài về tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19 để chúng ta dần tiến đến tự chủ về vắc xin. Chúng tôi đánh giá rất cao việc này của Tập đoàn”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về phía góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng Giám đốc Vinhomes – đại diện Tập đoàn Vingroup bày tỏ lời cảm ơn, trân trọng đối với đóng góp, hy sinh của ngành y tế trong công cuộc chiến phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua và cho biết Tập đoàn luôn đồng hành cùng ngành y tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch, cũng như trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Được biết, đến nay, Vingroup đã tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID -19 với tổng trị giá hơn 2.287 tỷ đồng. Cụ thể, tài trợ 4 triệu liều vắc xin, trị giá gần 500 tỷ đồng; hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trang thiết bị y tế (400 giường bệnh viện dã chiến, 100 máy thở VFS 410, 19.000 test nhanh COVID-19, 3 xe cấp cứu hiện đại, 1 máy chụp X-quang di động) với giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, sản xuất và trao tặng hàng ngàn máy thở cho Bộ Y tế và các nước bạn...

Đặc biệt, xuất phát từ tình hình nghiên cứu vaccine tại Việt Nam, nhằm chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, tập đoàn Vingroup đã quyết định trao tặng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế 20 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC.

Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất. Đây là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của vi rút SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Sau 7 tháng nghiên cứu (tháng 5/2020 - tháng 12/2020), IVAC đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn từ 50 ngàn đến 100 ngàn liều mỗi lô. Các lô vắc xin dự tuyển thử nghiệm lâm sàng đã được đánh giá chất lượng tại nhà sản xuất và Viện Kiểm định quốc gia NICVB, đồng thời NICVB đã cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng 6 lô vaccine thành phẩm. Vaccine COVIVAC cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài.

Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở các đơn vị liên quan chấp thuận. Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2021.

Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn này cũng tham gia vào lĩnh vực sản xuất thuốc. Cụ thể, Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Vinbiocare vừa được thành lập ngày 3/6 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trụ sở chính tại Tòa văn phòng Techno Park, Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội.

Cổ đông lớn nhất của Vinbiocare là Tập đoàn Vingroup (VIC), với sở hữu 69% cổ phần, tương ứng góp 138 tỷ đồng. Hai cổ đông còn lại là ông Phan Quốc Việt nắm 30% và bà Phan Thu Hương nắm 1% vốn.

Người đại diện theo pháp luật của Vinbiocare là bà Mai Hương Nội, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Bà Mai Hương Nội là Phó tổng giám đốc Vingroup.

Theo đăng ký thành lập, Vinbiocare đăng ký 12 ngành nghề kinh doanh, trong đó lĩnh vực chính của là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Vinbiocare ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh việc sản xuất vaccine Covid-19 khi dịch diễn biến phức tạp. Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19, một điểm nghẽn rất lớn trong quá trình phát triển vaccine là chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang phát triển thương mại "do thiếu nguồn lực đầu tư, khó tiếp cận các công nghệ hoặc nguyên liệu cần thiết để hoàn thiện sản phẩm".

KHÁT VỌNG THOÁT KHỎI BIÊN GIỚI VÀ VAI TRÒ KINH TẾ TƯ NHÂN

Tập đoàn Vingroup hiện là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch tại Việt Nam.

Từ trụ sở Vingroup ở Hà Nội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận thấy nhu cầu vượt ra khỏi biên giới Việt Nam khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Hãng tin Blooomberg từng phân tích góc nhìn rất kỹ của ông Vượng trong đại dịch. Trong tháng 4/2020, người giàu nhất Việt Nam đã khảo sát những người trong tập đoàn đa ngành mà ông gây dựng và quyết định bước chân vào sản xuất máy thở. Với kịch bản tệ nhất, virus sẽ tấn công phổi, từ đó cản trở quá trình lấy oxy vào máu, máy thở có thể cứu sống bệnh nhân trước tử thần. Theo một ước tính, các bệnh viện trên thế giới có thể cần thêm 800.000 máy thở.

Sự thiếu hụt máy thở nghiêm trọng nhất ở những nước đang phát triển – như Nam Sudan chỉ có 4 máy thở với 12 triệu dân. Tuy nhiên, đến cả quốc gia giàu nhất thế giới cũng đang đau đầu vì thiếu máy thở. Sau khi một số bệnh viện tại New York phải dùng một máy thở để chữa trị cho hai bệnh nhân cùng lúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nhà sản xuất xe hơi và công ty khác bắt đầu sản xuất máy thở. Ford Motor và General Electric cùng sản xuất 50,000 máy thở trước ngày 13/07 theo hợp đồng trị giá 336 triệu USD với Chính phủ.

Ông Vượng tin rằng Vingroup có thể sản xuất nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Sử dụng thiết kế nguồn mở từ nhà sản xuất thiết bị Medtronic, Vingroup đã hoàn thành bản mẫu và gửi đến các cơ quan để xin cấp phép vào giữa tháng 4/2020. Trong lúc chờ đợi các nhà điều hành Việt Nam phê duyệt, những chiếc máy thở đang được sản xuất trên chuyền của Vingroup.

Mỗi chiếc máy thở của Vingroup có giá khoảng 7.000 USD ở Việt Nam, thấp hơn 30% so với máy thở của chính Medtronic. Công ty cũng cho biết họ có thể sản xuất đến 55.000 máy thở mỗi tháng ngay khi được Chính phủ cấp phép, đồng thời lên kế hoạch xuất khẩu chúng đến những nơi có nhu cầu. Vingroup cho biết sẽ đóng góp vài ngàn chiếc máy thở cho Ukraine và Nga – nơi ông Vượng từng làm việc và có mối quan hệ kinh doanh lâu năm.

Dù đã có hệ thống bệnh viện và phòng khám nhưng việc trở thành nhà sản xuất thiết bị y tế là điều mà Vingroup chưa hề dự tính trước đó.

Trong những lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi của báo chí, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Mục đích của việc sản xuất máy thở hoàn toàn là đóng góp cho xã hội vào thời điểm quan trọng này (đầu năm 2020 - PV). Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc sản xuất nhiều máy thở và làm việc đó thật tốt. Chúng tôi muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết một phần vấn đề đại dịch”.

Vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn công ty của ông sẽ tiếp tục đóng góp thêm nhiều "điều đầu tiên" cho đất nước Việt Nam. "Tôi luôn nói với các đồng nghiệp của mình rằng: đừng để cuộc sống của bạn trôi qua một cách vô nghĩa. Đừng để đến cuối cuộc đời, bạn không có gì đáng nhớ để kể lại. Sẽ thật đau khổ khi thấy rằng cuộc sống của bạn đã không tạo ra thêm bất kỳ giá trị nào".

Có thể thấy, những đóng góp to lớn, thậm chí vượt trội của một số doanh nghiệp tư nhân trong phòng, chống đại dịch Covid-19 đã thể hiện vai trò to lớn trong những nhiệm vụ cần huy động các nguồn lực xã hội rộng lớn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thực tế, tên tuổi của các thương hiệu như Vinamilk, TH True milk, Thaco, Vinfast... đã khẳng định vị thế của sản phẩm Việt Nam, mang tầm quốc tế và có ảnh hưởng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt DNTN khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước... cần được thực hiện một cách căn cơ, bài bản.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”; “khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh”; “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân”.

Để doanh nghiệp tư nhân có thể xung kích đi đầu, đóng góp cho phòng, chống dịch lớn và hiệu quả thì trước hết, cần tạo điều kiện mọi mặt để họ phát triển, đi đầu trên “tuyến đầu” sản xuất kinh doanh. Đó cũng là mong muốn của nhân dân cả nước để những doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân được góp sức cống hiến tài năng, bản lĩnh của mình cho một Việt Nam hùng cường và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành doanh nghiệp mang thương hiệu quốc tế để chúng ta có thể tự hào và kiêu hãnh với cộng đồng doanh nhân toàn cầu!

Link gốc : http://vietq.vn/chong-dich-covid-19-kieu-ty-phu-vingroup-dung-de-cuoc-song-troi-qua-mot-cach-vo-nghia-d189059.html

Bạn đang đọc bài viết Chống dịch Covid-19 kiểu tỷ phú Vingroup: Đừng để cuộc sống trôi qua một cách vô nghĩa tại chuyên mục Người nổi tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Người nổi tiếng
Tin tức mới nhất