Người đàn ông huyền thoại đã biến Samsung trở thành một đế chế

DTVN 15:07 26/10/2020

Di sản của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee để lại là quá lớn. Nhờ sự quyết liệt và tầm nhìn xa trông rộng, Samsung đã trở thành một cái tên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực smartphone, TV

Samsung đã trở thành một cái tên hàng đầu thế giới

Ngày 25/10, Samsung đã đưa ra một tin buồn: Chủ tịch tập đoàn Lee Kun-hee đã từ trần, hưởng thọ 78 tuổi.

Sự ra đi của Chủ tịch Lee dù là một kết cục sớm muộn (ông vốn đã rơi vào hôn mê sau một cơn đau tim vào năm 2014), vẫn để lại nhiều tiếc nuối. Người đàn ông ấy được xem như huyền thoại sống của Samsung, là người đã đưa tập đoàn này trở thành một đế chế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sáng tạo sản xuất điện tử - bao gồm smartphone, TV và chip nhớ. Để rồi vào ngày hôm nay, chỉ có Samsung mới được xem là đối trọng lớn nhất với Apple mà thôi.

Lee Kun-hee sinh ngày 9/1/1942 tại Daegu - thành phố cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 240km về phía Nam, là con trai thứ 3 của người sáng lập tập đoàn Samsung, ông Lee Byung-chull.

Năm 1938, ông Lee Byung-chull mở một cửa tiệm tạp hóa 4 tầng tại Daegu - cũng chính là nơi khởi nguồn của tập đoàn Samsung sau này.

Thuở thiếu thời, Lee Kun-hee mê điện ảnh, thích ô tô, nhưng luôn giữ kín cho riêng mình. Cậu bé Lee ngày ấy học đấu vật, chơi bóng bầu dục để chống lại sự cô đơn. Ông sau đó tốt nghiệp bằng cử nhân chuyên ngành kinh tế ĐH Waseda (Tokyo, Nhật Bản), rồi theo học ngành quản trị kinh doanh tại ĐH George Washington (Mỹ).

Năm 1971, Lee Byung-chull đã chọn cậu con trai út - chính là Lee Kun-hee làm người kế thừa sự nghiệp. Từ đây ông bắt đầu thể hiện khả năng lèo lái và tầm nhìn đi trước thời đại.

Năm 1974, công ty chuyển hướng từ một tiệm tạp hóa sang lĩnh vực bán dẫn, với thương vụ thâu tóm 50% cổ phần công ty Hankook Semiconductor - khi đó vốn chẳng mang lại bất kỳ lợi ích gì. Họ mất đến 14 năm - tới năm 1988, thương vụ bắt đầu đem về lợi nhuận, với sự trợ giúp của các thanh chip nhớ do hãng tự sản xuất.

Nhưng sự kiện đáng nhớ nhất, cũng là thứ thể hiện khả năng quyết đoán và tầm nhìn rõ ràng của ông Lee Kun-hee diễn ra vào năm 1993. Lúc này, Samsung có trụ sở tại Suwon (Hàn Quốc) và chỉ được xem là thương hiệu chuyên sản xuất hàng giá rẻ, chất lượng thấp. Không chấp nhận được thực tại ấy, Chủ tịch Lee quyết định cải tổ triệt để, thông qua một sự kiện được biết đến với cái tên "Tuyên bố Frankfurt" - Frankfurt Declaration.

Năm 1993, ông tổ chức một cuộc gặp với toàn thể nhân viên của tập đoàn và đưa ra một thông điệp bất hủ: "Phải đổi mới tất cả mọi thứ, chỉ trừ vợ con các bạn." Ông yêu cầu các nhân viên phải có mặt tại công ty từ 7h sáng thay vì 8h30, để cải thiện được năng suất lao động.

Với "Tuyên bố Frankfurt", Lee đã cho thấy sự quyết liệt của mình. Năm 1995, ông tập hợp 2000 công nhân viên, bắt họ chứng kiến cảnh ông tự tay đốt sạch 150.000 chiếc điện thoại, máy fax và các sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng của công ty. Một sự quyết liệt mà đến giờ, ai cũng cho rằng nó cần thiết. Bởi lẽ, Samsung bắt đầu tiến bước, trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực smartphone, smart TV và chip nhớ. Họ vượt qua cả Sony, trở thành hãng có doanh số bán TV cao nhất quốc gia, giá trị thị trường vọt lên trên 100 tỉ USD.

Năm 2010, Samsung giới thiệu dòng điện thoại Galaxy chạy hệ điều hành Android. Giờ chắc cũng không ai xa lạ với cái tên này nữa, khi nó đã đưa Samsung vượt qua cả Apple, trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới năm 2011 tính trên doanh số bán hàng.

Năm 2012, Samsung chính thức trở thành thương hiệu bán điện thoại chạy nhất thế giới (tất cả các dòng, bao gồm cả điện thoại thường lẫn smartphone). Họ đánh bại Nokia - cái tên vốn dẫn đầu thị trường trong suốt nhiều thập kỷ. Và sự thành công ấy đã giúp nâng doanh thu công ty lên rất cao.

Khối tài sản gần 21 tỷ USD chủ tịch Samsung để lại

Ông Lee Kun Hee là người giàu nhất tại Hàn Quốc. Tổng giá trị cổ phần của ông tại 4 công ty niêm yết của Samsung là khoảng 18.200 tỷ Won (16,1 tỷ USD), tính theo giá đóng cửa ngày 23/10. Cụ thể, ông nắm giữ 4,18% cổ phần phổ thông của Samsung Electronics trị giá khoảng 15.000 tỷ Won; 20,76% tại Samsung Life Insurance trị giá khoảng 2.600 tỷ Won; 2,88% cổ phần Samsung C&T trị giá khoảng 564 tỷ Won; và 0,01% Samsung SDS trị giá khoảng 1.670 tỷ Won, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc.

Về bất động sản, 2 căn nhà nổi tiếng tại trung tâm thủ đô Seoul của ông Lee là hai căn nhà đắt nhất Hàn Quốc với diện tích lần lượt là 1.245 m2 và 3.422 m2. Theo tin từ Yonhap đầu năm nay, giá trị của hai căn nhà lần lượt là 40,8 tỷ Won và 34,2 tỷ Won.

Theo luật thuế Hàn Quốc, trước khi áp mức thuế thừa kế lên tới 50% đối với cổ phiếu, 20% phí bảo hiểm sẽ được cộng vào giá trị thẩm định tài sản của người quá cố - được tính toán dựa trên giá đóng cửa trung bình 4 tháng trước và sau khi người này qua đời.

Theo đó, tính toán ở thời điểm hiện tại cho thấy tiền thuế thừa kế cho số cổ phiếu trên của ông Lee là khoảng 10.600 tỷ Won (9,37 tỷ USD).

Hiện tại, con trai duy nhất của ông Lee, Lee Jae Yong, sở hữu số cổ phần trị giá khoảng 7.200 tỷ Won (6,46 tỷ USD) tại 6 công ty con niêm yết của Samsung, tính theo giá đóng cửa ngày 23/10. Số này bao gồm 0,7% cổ phần tại Samsung Electronics, 17,3% Samsung C&T, 9,2% Samsung SDS, 1,5% Samsung Engineering, dưới 0,1% tại Samsung Life Insurance và Samsung Fire & Marine Insurance.

Các con gái của ông, Lee Boo Jin - CEO khách sạn Hotel Shilla, và Lee Seo Hyun - người điều hành Samsung Foundation - mỗi người đang nắm giữ số cổ phần trị giá khoảng 1.600 tỷ Won (1,41 tỷ USD) tại Samsung C&T và Samsung SDS.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Người đàn ông huyền thoại đã biến Samsung trở thành một đế chế tại chuyên mục Doanh nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nhân
Tin tức mới nhất