Nghịch lý: Thua lỗ triền miên, cổ phiếu một doanh nghiệp BĐS vẫn 'tung tăng nhảy múa'

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 15:04 04/01/2022

Liên tiếp thua lỗ, dòng tiền âm hơn trăm tỷ và tình hình tài chính 'kém sáng', song cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O vẫn tăng vọt 439% trong vòng chưa đầy 2 tháng

Thông thường, giá cổ phiếu thường tỷ lệ thuận với tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều trường hợp có giá cổ phiếu tăng cao dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên, tài chính ‘kém sáng’. Điển hình trong số đó là cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O

Thua lỗ triền miên

Trong quý 3/2021 CEO Group ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 124 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Đáng nói, doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản ghi nhận giảm 49% về hơn 94 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 11% xuống hơn 64 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán tăng trưởng mạnh hơn doanh thu khiến công ty lỗ gộp gần 14 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm mạnh từ 44% xuống còn gần 11%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 43% về hơn 11 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm. CEO Group vẫn lỗ gần 48 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi hơn 35 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 34 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi gần 16 tỷ đồng. Đây là quý thứ tư liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ ròng.

Tính chung 9 tháng đầu năm, CEO Group tiếp tục báo lỗ gần 224 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lỗ gần 103 tỷ đồng.

Năm 2021, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng và LNST 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh hiện nay, sau 9 tháng doanh nghiệp mới hoàn thành hơn 25% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Kinh doanh thua lỗ, dòng tiền kinh doanh 9 tháng đầu năm của CEO Group cũng âm hơn 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận gần 112 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm hơn 81 tỷ đồng. Dẫn tới dòng tiền thuần trong kỳ âm hơn 169 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 32 tỷ đồng.

Giai đoạn 2019 -2020, kết quả kinh doanh tại CEO Group lao dốc không phanh. Doanh thu thuần từ mức 4.550 tỷ đồng (năm 2019) xuống còn 1.324 tỷ đồng (năm 2020), tương đương giảm 71%. Do đó, lợi nhuận sau thuế tại CEO Group giảm từ 608 tỷ đồng (năm 2019) xuống âm 103 tỷ đồng (2020).

Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận tại CEO Group cũng là vấn đề đáng quan tâm. Tỷ lệ ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) năm 2020 âm 1,89% và tỷ số ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) cũng âm 0,87%.

Thực tế, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, kinh doanh sinh lời thì tỷ suất ROE, ROA sẽ luôn ổn định và tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên nếu ROE, ROA có dấu hiệu chững lại, giảm sâu hoặc tăng giảm bất thường thì chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động không hiệu quả, khả năng tái đầu tư và sử dụng vốn kém.

Tình hình tài chính tại CEO Group cũng không mấy sáng sủa hơn. Cụ thể, tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của CEO Group giảm còn 7.012 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ‘bốc hơi’ mạnh từ gần 229 tỷ đồng về hơn 59 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng cũng giảm từ gần 527 tỷ đồng về 380 tỷ đồng.

Hàng tồn kho tại CEO Group chiếm hơn 702 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Doanh nghiệp còn hơn 2.236 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như: Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City, Khu du lịch Green Hotel & Resort và dự án khác. Trong đó, phần lớn chi phí đổ mạnh nhất vào dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City với 2.169 tỷ đồng giá trị xây dựng dở dang.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 tại CEO

Đáng chú ý, nợ phải trả của CEO Group tính đến đến cuối tháng 9 ở mức 3.783 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu kỳ. Trong đó, tổng dư nợ đi vay chiếm 52%, ghi nhận hơn 1.968 tỷ đồng. Hiện ngân hàng BIDV là chủ nợ lớn nhất tại CEO Group với hơn 576 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn.

Tình hình nợ vay tài chính (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 tại CEO).

Chưa đầy 2 tháng, giá cổ phiếu CEO tăng vọt 439%

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12, giá cổ phiếu CEO tăng trần gần 10%, lên mức 70.100 đồng/cp. Như vậy, chưa đầy 2 tháng (2/11/2021 - 28/12/2021) thị giá cổ phiếu CEO đã tăng vọt 439%, từ 13.000 đồng/cp lên 70.100 đồng/cp

Thực tế, từ cuối tháng 10 đến nay, dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó, kết quả kinh doanh quý 3 là một trong những động lực lớn giúp cổ phiếu nhóm ngành này đi lên. Cá biệt, CEO Group kinh doanh không như kỳ vọng của cổ đông, thậm chí thua lỗ nặng.

Diễn biến cổ phiếu CEO khoảng 3 tháng trở lại đây.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 6/2021, ban lãnh đạo CEO cho thấy kỳ vọng lớn vào nguồn thu, đặc biệt với dự án trọng điểm tại Mê Linh và dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn.

Với dự án tại Mê Linh, CEO cho biết năm 2020 đã tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng cho dự án CEOHomes Hana Garden tại Mê Linh, Hà Nội. Dự án đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến trong quý 4 toàn bộ dự án này sẽ đưa vào kinh doanh.

Phối cảnh dự án Ceohomes Hana Garden

Ceohomes Hana Garden là khu phức hợp khép kín bao gồm biệt thự, liền kề, nhà phố kinh doanh shophouse được đồng bộ hệ thống tiện ích tiêu chuẩn đáp ứng mọi nhu cầu về cuộc sống tiện nghi của cộng đồng cư dân tri thức. Là tổ hợp dự án siêu cao cấp với gần 1000 căn hộ biệt thự liền kề với nhiều loại diện tích.

Thực tế, 2 tháng trở lại đây, trên thị trường xuất hiện nhiều tin rao bán, nhận đặt cọc bán đất nền tại dự án CEOHomes Hana Garden. Tuy nhiên, trên website chính thức của chủ đầu tư vẫn chưa công bố thông tin mở bán dự án.

Nguồn: Batdongsan.com.vn.

Còn tại dự án Sonasea Vân Đồn, theo CEO vào ngày 5/7/2020, lễ kick-off bán hàng phân khu Singapore Shoptel thuộc dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City diễn ra tại Bãi Dài Vân Đồn. Tháng 12/2020, các căn Singapore Shoptel đầu tiên đã chính thức được bàn giao đến chủ sở hữu.

Không những vậy, với Dự án River Silk City, tháng 12/2020, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu phía Bắc của dự án (phân kỳ 4, 5, 6). Trong năm 2021, CEO Group sẽ mở bán tiếp các giai đoạn tiếp theo.

Có thể thấy, dù giá cổ phiếu tăng chóng mặt, nhưng trên thị trường không hề có một động lực nào hỗ trợ cổ phiếu này, kể cả kết quả kinh doanh. Phải chăng giá cổ phiếu CEO tăng xuất phát từ kỳ vọng mở bán sản phẩm mới? Kết quả kinh doanh quý 4/2021 của CEO Group tới đây chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nghich-ly-thua-lo-trien-mien-co-phieu-mot-doanh-nghiep-bds-van-tung-tang-nhay-mua-d123719.html

Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý: Thua lỗ triền miên, cổ phiếu một doanh nghiệp BĐS vẫn 'tung tăng nhảy múa' tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần
Tin tức mới nhất