CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, phương án niêm yết cổ phiếu trên HoSE và các nội dung khác.
Tăng vốn từ 668 tỷ lên 1.200 tỷ đồng
Ghi nhận, cuối năm 2019, Vinamilk đã hoàn tất việc thâu tóm GTNFoods, qua đó gián tiếp sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu. Tại Đại hội năm nay, bà Mai Kiều Liên chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của GTN Foods và các công ty thành viên, bao gồm Mộc Châu.
|
Trở lại với những động thái mới, liên quan đến kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, Mộc Châu sẽ chào bán hơn 39 triệu đơn vị cho 2 đối tượng là Vinamilk (VNM) và GTN Foods (GTN). Giá phát hành dự kiến 30.000 đồng/cp, tổng giá trị thu về tương ứng đạt 1.176 tỷ đồng. Hiện, Vinamilk là cổ đông lớn chi phối 75% vốn tại GTN Foods, còn GTN Foods là công ty mẹ của Mộc Châu.
Cùng với đó, Công ty cũng phát hành 3,34 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:5 với giá 20.000 đồng/cp; tương ứng tổng tiền thu về 66,8 tỷ đồng. Mộc Châu còn xin ý kiến về chủ trương phát hành 668.000 cổ phiếu ESOP, giá trị tính theo mệnh giá là 6,68 tỷ đồng.
Đầu tư trang trại bò sữa quy mô 4.000 con
Tính chung, tổng tiền thu về từ 3 đợt phát hành hơn 1.249 tỷ đồng sẽ được Mộc Châu chi đầu tư trang trại bò sữa quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái, nâng cấp trang trại hiện hữu lên 2.000 con và đầu tư cho dây chuyền sản xuất sữa nước, xây nhà máy mới. Tổng vốn đầu tư cho các dự án này là 1.600 tỷ đồng.
|
Riêng dự án nâng cấp và đầu tư mới trang trại bò sữa nhằm tạo nguồn sữa tươi nguyên liệu và phát triển hình ảnh cho Mộc Châu Milk về dài hạn. Dự án này được đầu tư và phát triển dựa trên kinh nghiệm của Vinamilk.
Nguồn vốn được lấy từ tiền thu được trong các phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm 2020. Số tiền còn lại sẽ được lấy từ nguồn vốn tự có khác của công ty hoặc đi vay thêm từ các tổ chức tín dụng.
Mở room ngoại, niêm yết cổ phiếu
Mộc Châu Milk cũng xin ý kiến bỏ một số ngành nghề kinh doanh như dịch vụ chăn nuôi thú ý, bán lẻ hàng hóa lưu động, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, bán buôn vật liệu, xây dựng nhà để ở, tổ chức tua du lịch… nhằm đáp ứng điều kiện cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần.
Đồng thời việc bỏ một số ngành nghề cũng giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.
Công ty cũng muốn triển khai kế hoạch lưu ký và niêm yết cổ phiếu của Mộc Châu Milk tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), ủy quyền cho HĐQT và người đại diện theo pháp luật thực hiện các thủ tục cần thiết để lưu ký và niêm yết cổ phiếu trong không quá 9 tháng kể từ khi vấn đề này được thông qua.
Điểm lại, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, trên vai trò tân Chủ tịch HĐQT, bà Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk định hướng vẫn tiếp tục phát triển thương hiệu Mộc Châu Milk, đồng thời mong muốn với sự tham gia của Vinamilk sẽ góp phần nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên Mộc Châu, của các hộ chăn nuôi bò và các cổ đông.
|
Tiếp tục tái khẳng định với cổ đông Vinamilk, bà Liên cho biết: "Sau khi đầu tư vào GTNfoods thì công ty cũng đã phát triển hệ thống phân phối của Mộc Châu Milk và các hoạt động khác như kế hoạch nâng cấp nhà máy, tăng vốn... Kết quả đầu tư mở rộng Mộc Châu sẽ được thể hiện rõ nét vào cuối năm nay.
Mộc Châu Milk sau khi về với Vinamilk thì lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Con người Mộc Châu Milk thế nào vẫn giữ nguyên như cũ, lợi nhuận tăng nhờ chúng tôi ứng dụng những công cụ quản lý hiện đại".
Năm 2020, Mộc Châu đặt kế hoạch doanh thu 2.905 tỷ đồng, tăng 13,6% so với 2019. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 157 tỷ đồng, giảm 6%, mục tiêu sẽ tăng trưởng mạnh đàn bò thêm 12,1% lên 28.680 con.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ