Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa hoàn thành bán đấu giá thoái vốn số cổ phần sở hữu tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO 5).
Số lượng cổ phần chào bán là 17.560.000 cổ phần (175,6 tỷ đồng theo mệnh giá), tương đương 40% vốn điều lệ tại CIENCO 5 với mức giá khởi điểm 19.300 đồng/cổ phần.
Phiên đấu giá thu hút sự quan tâm của 2 nhà đầu tư tổ chức, khối lượng cổ phần đăng ký mua đạt 35.120.000 cổ phần, gấp 2 lần khối lượng cổ phần chào bán. Mức giá đặt mua cao nhất và thấp nhất đạt 19.500 đồng và 19.400 đồng/cổ phần.
Kết quả sau phiên đấu giá, SCIC đã bán hết toàn bộ 17.560.000 cổ phần (100% số cổ phần chào bán) cho 1 nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công bình quân 19.500 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 342 tỷ đồng.
CIENCO 5 là Tổng công ty Nhà nước, được thành lập năm 1995. Năm 2010, công ty chuyển đổi mô hình sang hình thức công ty mẹ-công ty con. Năm 2013, Tổng công ty triển khai cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5. Từ ngày 2/6/2014, Tổng công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
Cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ của CIENCO 5 gồm: SCIC (nắm giữ 40%), CTCP Đầu tư Hải Phát (38,68%), CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô (15,50%), 3 cổ đông lớn của Tổng công ty nắm giữ tới 94,18% vốn điều lệ.
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của Tổng công ty là xây dựng các công trình giao thông. Một số các dự án tiêu biểu của CIENCO 5 gồm: dự án đường Hồ Chí Minh, dự án nâng cấp quốc lộ 10, dự án đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Một số công trình cầu gồm: cầu Bồng Sơn, cầu Tuyên Sơn, cầu Rạch Miễu, cầu Thạch Hội, cầu Hương An.
Hiện tại công ty quản lý và sử dụng khu đất có diện tích 1.063,5 m2 tại TP. Đà Nẵng. Khu đất là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất.
CIENCO 5 từng là đơn vị xây dựng lớn, có uy tín trong lĩnh vực giao thông, nhưng hiện đang làm ăn sa sút.
Năm 2018, CIENCO 5 chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn 312 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 0,892 tỷ đồng lần lượt bằng 42,5% và 10,44% kế hoạch. Năm 2019, đơn vị này chỉ đặt mục tiêu doanh thu 466 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả năm 2019 Cienco 5 chỉ lãi vỏn vẹn 306 triệu đồng. Đây là con số rất thấp nếu biết rằng năm 2015, doanh thu của CIENCO 5 vẫn đạt 1.500 tỷ đồng.
|
SCIC đã bán hết toàn bộ 17.560.000 cổ phần (100% số cổ phần chào bán) nắm giữ tại CIENCO 5 cho 1 nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công bình quân 19.500 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 342 tỷ đồng |
Một điểm đáng chú ý khác hiện nay, giới đầu tư rất chú ý tới dự án khu đô thị Mỹ Hưng 182,3 ha tại Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một dự án gắn với con đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) (nay thuộc Tp. Hà Nội) dài 41,5km.
Dự án con đường này được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) do CIENCO 5 làm chủ đầu tư với điểm đầu là Km19+900 tại huyện Thanh Oai, đi qua huyện Ứng Hòa. Điểm cuối km41+500 tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội với vốn đầu tư gần 7,6 ngàn tỷ đồng.
Dự án giai đoạn 1 đã được Công ty CP Phát triển Địa ốc CIENCO 5 Land hoàn thành với chiều dài 19,9km, mặt cắt ngang 40-60m với 4 làn xe cơ giới. Giai đoạn 1 được trả bằng quỹ đất tại Khu đô thị mới Thanh Hà A và Khu đô thị mới Thanh Hà B với tổng diện tích lên đến gần 400 ha.
CIENCO 5 Land đã được Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản mua lại trước đó và trở thành chủ đầu tư dự án Thanh Hà.
Dự án trục đường phía Nam (tỉnh Hà Tây cũ) đang được CIENCO 5 triển khai giai đoạn 2 với chiều dài 21,6km, mặt cắt ngang 40m, với 4 làn xe cơ giới, tổng mức đầu tư trên 3,8 ngàn tỷ đồng, dự kiến quý 03/2020 sẽ hoàn thành. Quỹ đất đối ứng là 182,3ha đất tại xã Cự Khê, xã Mỹ Hưng, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai để cho thực hiện Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng với tổng vốn hơn 17 ngàn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2022.
Đây thực sự là một quỹ đất đầy hấp dẫn khi quỹ đất quy mô lớn ở Hà Nội ngày càng khan hiếm
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ