Nguy cơ cháy nổ rất cao
Theo phản ánh tại xã Minh Phú, huyện Đông Hưng, Thái Bình xuất hiện nhà máy bông sợi hoạt động từ nhiều năm nay. Điều đáng nói xưởng bông sợi này chưa hề được cấp phép hoạt động lại nằm “chung vách” kho dự trữ lương thực quốc gia tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhưng không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Xưởng sản xuất, chế biến bông sợi hoạt động không phép trên là của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Gia Minh (Công ty Gia Minh). Xưởng bông sợi này hoạt động từ khoảng cuối năm 2017 - đầu năm 2018, nằm sát bên cạnh Kho dự trữ lương thực quốc gia, đe dọa trực tiếp đến an toàn phòng chống cháy nổ cho Kho dự trữ.
Theo quan sát, xưởng sản xuất, chế biến bông sợi của Công ty Gia Minh được nằm sát vách với Kh dự trữ lương thực quốc gia. Tại đây, nguyên vật liệu sản xuất đều là những thứ rất dễ cháy nhưng được đặt rất bừa bộn, ngổn ngang. Thêm vào đó là điều kiện thời tiết nắng nóng khiến nguy cơ cháy nổ rất cao.
|
Bên trong khu chế biến bông sợi của công ty Gia Minh |
Phía Công ty Gia Minh thừa nhận, dù xưởng đã đi vào hoạt động được khoảng 2 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục, chưa được cấp phép và công ty ông thuê đất và kho, lắp đặt hệ thống máy móc sản xuất, chế biến bông sợi nhằm giảm "chi phí" kinh doanh.
Từ khi xưởng sản xuất, chế biến bông sợi của công ty Gia Minh đi vào hoạt động, khiến lãnh đạo và cán bộ Kho dự trữ lương thực quốc gia luôn trong trạng “nơm nớp” lo sợ.
"Tôi cũng không rõ vì sao Công ty Gia Minh lại có thể hoạt động chế biến bông sợi tại đây. Thực tế hiện nay nhà kho của chúng tôi đang nằm chung vách với kho bông và khu chế biến của họ, nếu không may có cháy thì hậu quả không thể lường hết được" – Một cán bộ công tác tại Kho dự trữ lương thực quốc gia chia sẻ.
Xưởng sản xuất hoạt động không phép ngang nhiên nhiều năm
Tìm hiểu được biết, Công ty Gia Minh có trụ sở tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, do ông Đỗ Văn Kết làm đại diện pháp luật và đi vào hoạt động từ năm 2012.
Cơ sở sản xuất, chế biến bông sợi khoảng 2.000m2 của đơn vị này tại xã Minh Phú, huyện Đông Hưng là thuê lại từ Công ty CP lương thực Sông Hồng. Phần diện tích đất này được nhà nước giao cho Công ty CP lương thực Sông Hồng nhằm mục đich làm kho kinh doanh và lương thực.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, Công ty CP lương thực Sông Hồng đã tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Gia Minh. Cụ thể, công ty "khoán thu" của Công ty Gia Minh năm đầu tiên là 25 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng trong những năm ký kết tiếp theo. Thời hạn hợp tác kéo dài từ thời điểm ký kết đến tận cuối năm 2025.
Theo Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải đảm bảo yêu cầu: Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị;
Thêm vào đó, trước khi tiến hành việc hợp tác kinh doanh thì đơn vị được giao quản đất phải có đề án trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ các cam kết trong đề án nếu được chấp thuận.
Số tiền thu được từ việc liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh phải được hạch toán riêng và kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước về khoản thu kể trên.
Dù chưa cấp phép các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, song xưởng sản xuất bông sợi “không phép” trên địa bàn huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian rất dài. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại tỏ ra thờ ơ, mặc nhiên cho hoạt động khai thác trái phép tồn tại, chắc chắn có nhiều điều cần được làm rõ trong sự việc này
Trên thực tế, việc Công ty CP lương thực Sông Hồng (vốn Nhà nước chiếm 51%) được giao đất để làm kho kinh doanh lương thực nhưng đã tiến hành hợp tác kinh doanh để công ty Gia Minh sử dụng tài sản công làm nơi sản xuất, chế biến bông sợi là sử dụng đất sai mục đích, nhiệm vụ được giao. Và việc hợp tác kinh doanh giữa hai đơn vị này chưa hề được các cơ quan chức năng chấp thuận. Vậy nguồn thu từ việc “hợp tác kinh doanh” này đã đi về đâu?
Việc tồn tại một xưởng sản xuất, chế biến bông sợi nằm chung vách với Kho dự trữ lương thực quốc gia tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ liệu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có nắm được hay không? Một doanh nghiệp không phép ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay nhưng không hề bị xử lý? Những dấu hiệu của việc sử dụng đất không đúng mục đích sẽ được xác minh như thế nào? Nguồn thu từ việc “hợp tác kinh doanh” có được công khai minh bạch hay đi về đâu?
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ