|
Nhân viên Thế Giới Di Động giới thiệu sản phẩm cho khách hàng |
Theo thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 với tổng nợ phải trả tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng lên trên ngưỡng 21.000 tỷ đồng.
Trong đó, vay ngắn hạn (vay ngân hàng ngắn hạn và vay ngân hàng dài hạn đến hạn trả) tăng mạnh thêm hơn 3.000 tỷ đồng từ mức 5.836 tỷ đồng cuối năm 2018 lên 8.913 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2019. Vay dài hạn vẫn ở mức trên 1,1 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tổng vay ngắn và dài hạn của Thế Giới Di Động của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài đã lên trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn vẫn còn gần 6,9 nghìn tỷ đồng và chi phí phải trả ngắn hạn cũng ở mức khá cao là trên 2,2 nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, tổng nợ hơn 21.000 tỷ đồng chưa phải thực sự cao so với tổng tài sản hơn gần 32,4 nghìn tỷ đồng của Thế Giới Di Động, nhưng nó cũng khiến không ít người lo ngại bởi con số này cũng đã gần gấp đôi mức vốn chủ sở hữu gần 11,3 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chiến lược mở rộng mạng lưới của MWG, đặc biệt, mô hình “Điện thoại siêu rẻ” được một số công ty chứng khoán đánh giá là hợp lý, trong bối cảnh cơ hội chiếm thị phần là không phải lúc nào cũng có ở một thị trường bán lẻ đang phát triển thần tốc, với quy mô hơn 140 tỷ USD vào 2018 và dự báo lên 180 tỷ USD vào 2020.
|
Số liệu cho thấy, nợ của Thế Giới Di Động đã lên đến hơn 21.000 tỷ đồng |
Có thể nói, cuộc chiến trên thị trường bán lẻ cả online và offline tại Việt Nam đang khốc liệt hơn bao giờ hết với nhiều đại gia sừng sỏ trong và ngoài nước, với những ông lớn có tiềm lực tài chính rất mạnh như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Không ít những trường hợp vay nợ lớn mà không kiểm soát cân đối được dòng tiền đã gặp khó khăn, thậm chí vỡ nợ phải bán mình như trường hợp: chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go cho Vingroup giá 1 USD; đại gia Pháp Auchan với hệ thống 15 cửa hàng bán mình cho đại gia Việt; Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) bán lại chuỗi 19 siêu thị Metro cho Tập đoàn TCC (Thái Lan)…
Ngoài ra, nhiều thương hiệu trong nước như Maximart, Citimart, Fivimart… cũng đã biến mất khỏi thị trường qua các cuộc mua bán - sáp nhập.
Thời gian gần đây, giới đầu tư cũng đã từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Thế Giới Di Động đi xuống khá mạnh. Thế Giới Di Động của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng đang mở mạnh ra sang các lĩnh vực khác như Điện máy Xanh, Bách hóa xanh, Dược phẩm để bù đắp cho mảng điện thoại đang được cho là bão hòa. Nhưng ngay cả những mảng mới cũng không phải dễ ăn, chẳng hạn như dược phẩm.
Tuy nhiên, hồi cuối năm 2018, “con đẻ” của Thế Giới Di Động cũng đã phải đóng cửa trang web VuiVui.com cho dù trước đó ông Nguyễn Đức Tài từng tuyên bố mảng này sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Ông trùm bán lẻ Thế Giới Di Động đã phải dừng cuộc chơi thương mại điện tử, một mảng được cho là rất tiềm năng.
|
Nợ lên đến 21.000 tỷ đồng cũng là điều đáng lo ngại cho ông trùm bán lẻ Thế Giới Di Động - Ảnh minh họa |
Trước đó, MWG cũng gặp khá nhiều thông tin bất lợi như, sự cố tin đồn rò rỉ thông tin khách hàng cho tới hàng tồn kho của liên quan tới các sản phẩm lùm xùm Huawei, Asanzo.
Tính tới cuối tháng 9/2019, tồn kho của Thế Giới Di Động vẫn ở mức cao, khoảng 17 nghìn tỷ. Trong đó, 7,5 nghìn đến từ tỷ thiết bị điện tử, 4,1 nghìn tỷ ở điện thoại di động, gần 2,3 nghìn tỷ ở thiết bị gia dụng và hơn 1 nghìn tỷ thực phẩm cùng nhiều sản phẩm ở lĩnh vực khác…
Trong bối cảnh có sự suy giảm tăng trưởng tiêu thụ điện thoại di động, doanh nghiệp này thậm chí phải đẩy mạnh bán nồi niêu xoong chảo, đẩy hàng hóa ra bên ngoài cửa hàng để dễ bán. MWG cũng khai thác thêm mảng bán đồng hồ để bổ sung thêm vào doanh thu.
Hầu hết các cổ phiếu bán lẻ tăng giá trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây, đi ngược với xu hướng chung trên thị trường. Tuy nhiên, mảng kinh doanh đầy tiềm năng này cũng rất khốc liệt, và nhiều rủi ro…
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ