Nằm ở lưng chừng dốc, cách trung tâm thị trấn Mai Châu 14km, xã Thung Khe giáp ranh với xã Noong Luông và địa phận huyện Tân Lạc. Dừng chân trên đỉnh đèo Thung Khe đặc sản được nhiều người biết đến có lẽ là ngô luộc, ngô ở Thung Khe được trồng trên núi đá, ăn sương đêm nên cho bắp to, hạt chắc. Hạt ngô tròn mẩy, dẻo quánh và có vị ngọt thanh đặc trưng.
Theo người dân ở đây, ngô bán trên đèo Thung Khe là ngô nếp, tên địa phương là Ca lề niêu (tiếng dân tộc Thái), một đặc sản lâu đời của vùng đất Mai Châu. Mùa trồng ngô bắt đầu khi xuất hiện sương mù nhiều, có mưa phùn, đất tương đối ẩm ướt là điều kiện thích hợp cho cây ngô nếp sinh trưởng và phát triển tốt. Vào vụ, người dân ở đây lại tấp nập làm đất để gieo hạt ngô trên triền dốc núi. Thường thì người vùng cao không cần ươm sẵn ngô bầu như ở miền xuôi mà gieo hạt trực tiếp xuống đất núi, cứ thế mà hạt bén rễ mọc thành cây.
|
Hòa Bình phát triển và bảo hộ nhãn hiệu Ngô nếp Thung Khe |
Ngô nếp ở Thung Khe là một giống ngô tốt. Vì vậy, tỉnh Hòa Bình đã rất quan tâm và cho thực hiện đề tài để bảo tồn giống ngô này. Tuy sản phẩm ngô nếp Thung Khe đã có những đánh giá tốt, thơm ngon về chất lượng nhưng khi chưa được đăng ký nhãn hiệu còn bị trà trộn với ngô nếp ở những nơi khác, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng diện tích trồng ngô nếp Thung Khe góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân vùng cao huyện Mai Châu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã quyết định cho thực hiện đề tài: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Ngô nếp Thung Khe - Mai Châu” dùng cho sản phẩm ngô nếp của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm “Ngô nếp Thung Khe”có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, hộ dân trong việc định vị sản phẩm và tạo danh tiếng cho sản phẩm ngô nếp của thôn Thung Khe thúc đẩy các cơ sở sản xuất – kinh doanh phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, chống lại việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và của người tiêu dùng. Thông qua việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, “Ngô nếp Thung Khe” đã nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo phát triển bền vững… Trước đây, khi chưa xây dựng nhãn hiệu giá trị ngô nếp bán ra chỉ từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg thì hiện nay, giá bán có khi lên tới 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg.
Có thể thấy nhãn hiệu có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, giúp người tiêu dùng xác định được sản phẩm của doanh nghiệp hay vùng sản xuất này, phân biệt với các sản phẩm tương tự do các doanh nghiệp khác, địa phương khác sản xuất ra. Trong điều kiện hội nhập quốc tế thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa những người sản xuất diễn ra ngày càng gay gắt. Vì vậy, nhãn hiệu là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp hay địa phương. Để đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, người sản xuất cùng trên một địa bàn với đối thủ cạnh tranh của họ thông qua việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo