“Ông lớn” ngành xây lắp liên tục giảm sút lợi nhuận
Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) là một trong những tên tuổi "vang bóng một thời" của ngành xây dựng, tuy nhiên, những năm gần đây tình hình kinh doanh của HANCORP đang cho thấy sự đi xuống một cách khó hiểu.
Theo danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) thuộc diện thoái vốn trước ngày 30/11/2020. Từng là một trong những “ông lớn” ngành xây lắp dân dụng nhưng những năm gần đây, tình hình kinh doanh của HANCORP cho thấy sự đi xuống.
|
Doanh thu của HANCORP từ mức 4.636 tỷ đồng năm 2017 đã giảm xuống còn 3.708 tỷ đồng năm 2018 và chỉ còn 2.451 tỷ đồng trong năm 2019. Lợi nhuận ròng theo đó cũng liên tục giảm sút, chỉ còn 37,3 tỷ đồng năm 2019 - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (2015 - 2019).
Về kết quả kinh doanh quý đầu tiên năm 2020, HANCORP ghi nhận doanh thu 396,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 0,5 tỷ đồng. Qua đó cho thấy hiệu quả kinh doanh thiếu tích cực của doanh nghiệp có quy mô tài sản gần 6.000 tỷ đồng này.
Mảng xây dựng đem về doanh thu chủ yếu
Đáng chú ý, mảng kinh doanh bất động sản vốn đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu của HANCORP trong nhiều năm thì chỉ còn đóng góp 12% doanh thu năm 2019. Riêng mảng xây dựng đóng góp 86% doanh thu năm 2019, tăng trưởng 9% so với năm 2018. HANCORP đã tích cực hơn trong việc tham dự các gói thầu quy mô lớn sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 6 tháng đầu năm 2020, HANCORP đã trúng 2 gói thầu lớn.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6/2020, HANCORP trúng Gói thầu Thi công xây dựng công trình và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Trụ sở Chi nhánh Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Cơ sở đào tạo tại TP. Cần Thơ với giá 158,58 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 0,05%.
Trước đó, cuối tháng 2/2020, HANCORP liên danh cùng 3 nhà thầu khác trúng Gói thầu Xây lắp hoàn thiện đoạn từ Km0+000 đến Km4+787,24 thuộc Dự án Đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Liên danh này đã bỏ giá gần 748 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 187 tỷ đồng so với giá gói thầu (934,8 tỷ đồng).
Về lịch sử trúng các gói thầu có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của HANCORP, dữ liệu của Báo Đấu thầu cho thấy, Tổng công ty chỉ trúng 1 gói thầu với giá 250 tỷ đồng trong năm 2019. Còn năm 2018, HANCORP trúng 2 gói với tổng giá 137 tỷ đồng và năm 2017 trúng 4 gói thầu với giá 348,9 tỷ đồng.
|
Tính đến cuối quý I/2020, tổng tài sản của HANCORP đạt 5.880 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm tỷ trọng 72% tổng tài sản. Không chỉ có áp lực nợ vay lớn, HANCORP cũng đang ghi nhận 194 tỷ đồng các khoản nợ khó có khả năng thu hồi và trích lập dự phòng gần 71 tỷ đồng cho các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Liên quan đến các khoản phải thu, Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của HANCORP cho biết chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận các khoản nợ phải thu với giá trị là 407,7 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Các thủ tục kiểm toán thay thế của đơn vị cũng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng hợp lý về tính hiện hữu, đúng đắn, đầy đủ của các khoản nợ phải thu này.
HANCORP phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 49,7 triệu cổ phần vào tháng 3/2014 với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần. Kết quả, chỉ có hơn 1,57 triệu cổ phần được bán thành công với giá bình quân 10.201 đồng/cổ phần. Với kết quả như vậy, hiện Bộ Xây dựng vẫn đang sở hữu 98,83% vốn của HANCORP.
Theo danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 ban hành theo Quyết định số 908/QĐ-TTg, HANCORP sẽ phải thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm nay. Nếu không kịp thoái vốn trước thời điểm 30/11/2020, HANCORP sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ