Chưa sẵn sàng đầu tư

Đầu năm 2018, Thế giới Di động mua 49% cổ phần Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang, doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên. Đây là công ty liên kết duy nhất của tập đoàn này.

Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết chưa có ý định đầu tư lớn vào chuỗi nhà thuốc An Khang vì môi trường kinh doanh ngành bán lẻ dược phẩm theo ông chưa thuận lợi.

Chúng tôi mua lại An Khang không vì mục đích mua đi, bán lại kiếm lời như tổ chức tài chính. Dược phẩm là lĩnh vực thú vị, nhưng hiện có nhiều rào cản khiến Thế giới di động chưa sẵn sàng đầu tư lớn”, ông Nguyễn Đức Tài cho biết.

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, các quy định trong kinh doanh chuỗi nhà thuốc hiện còn “mờ ảo và phân biệt đối xử”, nên họ không sẵn sàng đầu tư bài bản vào chuỗi An Khang, với phần vốn sở hữu là 49%.

Ngành bán lẻ dược phẩm hiện chia thành 3 kênh: Bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc.

Các chuỗi nhà thuốc trước đây chủ yếu do các dược sĩ xây dựng, sau đó họ tự mở rộng hoặc cùng hợp tác với các dược sĩ khác để sử dụng chung thương hiệu.

Theo quy định, để mở nhà thuốc, người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà môn cần có bằng cao đẳng hoặc trung cấp dược.

Đây cũng là thách thức cho các chuỗi bán lẻ như Thế giới di động hay Công ty cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) phải đối mặt khi tham gia vào lĩnh vực dược phẩm.

Nếu để ý tại bảng hiệu các nhà thuốc sẽ thấy người đứng đầu là các dược sĩ khác nhau, dù có thể thương hiệu nhà thuốc đều thuộc một chuỗi. Tuy nhiên, không phải lúc nào dược sĩ có tên trên bảng hiệu luôn có mặt, chịu trách nhiệm chuyên môn tại nhà thuốc.

Điều này dẫn đến tình trạng dược sĩ cho thuê bằng để cá nhân/doanh nghiệp khác mở nhà thuốc.

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, giấy đăng ký kinh doanh của các cửa hàng dược phẩm lớn đều do cá nhân đăng ký, dược sĩ đứng tên chứ không phải công ty sở hữu chuỗi.

Vì có quá nhiều rủi ro pháp lý phía sau nên họ phải lùng bùng mấy cái này. Thế giới di động không sẵn sàng lao vào cuộc chơi lùng bùng, cỏn con như vậy. Chờ cho luật pháp rõ ràng mạch lạc, ai cũng như ai, tự do kinh doanh thì chúng tôi sẽ nhảy vào”, Chủ tịch Thế giới di động nói.

Một lý do khác khiến MWG không vội vã đầu tư ngành dược bởi quy mô bán lẻ vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành động. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 5,3 tỷ USD. Trong đó, bệnh viện chiếm tới 70% thị phần, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ, tương đương 1,6 tỷ USD trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc.

Đến nay, thị trường bán lẻ dược phẩm tại nước ta theo đánh giá đang rất phân mảnh. Với thu nhập trung bình và nhận thức về sức khỏe đang ngày càng tăng, người dân có xu hướng lựa chọn các nhà thuốc hiện đại, có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), thay vì các nhà thuốc nhỏ, không đủ tiêu chuẩn. Quá trình chuyển dịch này đang được đẩy nhanh một phần nhờ vào các chính sách của Chính phủ nhằm kiểm soát thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua nhà thuốc (Thông tư số 02/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc).

Theo tính toán từ người trong cuộc, 25% doanh thu ngành dược phẩm ở Việt Nam, tương đương gần 2 tỷ USD (năm 2021) đến khoảng 4 tỷ USD (năm 2026) sẽ đổ vào thị trường bán lẻ dược phẩm qua các nhà thuốc.

An Khang lỗ hơn 14 tỷ từ khi về với Thế giới Di động

Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý 1/2020 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang (trước đây là Phúc An Khang) là 1,4 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Như vậy, sau hơn 2 năm về chung nhà, MWG hiện ghi nhận gần 7 tỷ thua lỗ tại chuỗi An Khang. Đây là phần lỗ tương ứng với 49% cổ phần mà MWG nắm giữ, như vậy tổng lỗ của An Khang từ khi MWG chính thức ghi nhận là công ty liên kết vào khoảng hơn 14 tỷ đồng.

Đánh tiếng thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang từ năm 2017 – khi thị trường ngành cốt lõi (điện thoại, điện máy) bắt đầu bước sang giai đoạn bão hoà, tuy nhiên nhận định thị trường chưa đến thời điểm chín mùi, sau đó MWG chỉ dừng lại đầu tư liên kết với tỷ lệ sở hữu 49% cổ phần. Theo báo cáo, MWG chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này.

"Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, MWG vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần", ông Nguyễn Đức Tài nói tại buổi chia sẻ đầu năm 2018.

Cùng kinh doanh ngành điện thoại, dược phẩm lại đang là cả tương lai của FPT Retail (FRT). Sau khi tìm được công thức thành công cho chuỗi Long Châu, năm 2020 FRT dự kiến mở rộng chuỗi lên 220 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc. Trong kế hoạch dài hạn, FRT định hướng phát triển mảng dược phẩm một cách quy hoạch và kiểm soát bài bản giống như việc vận hành hệ thống bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số.

Mảng dược phẩm bắt đầu được hợp nhất vào FRT từ cuối năm 2018, năm 2019 đóng góp 511 tỷ đồng, tương đương với 3% vào tổng doanh thu thuần của công ty mẹ. Cũng trong năm nay, Long Châu đã mở thêm 50 cửa hàng mới, đưa tổng số cửa hàng lên 70 cửa hàng.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Chưa 'dồn lực' cho nhà thuốc An Khang, TGDĐ chậm lại trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất