Cốc Cốc (trước đây có tên là Cờ Rôm+) là trình duyệt dành cho thị trường Việt Nam được Công ty TNHH Cốc Cốc (Cốc Cốc) phát triển dựa trên nền tảng mã nguồn mở Chromium. Đây là nền tảng phổ biến và được nhiều trình duyệt web khác như Google Chrome và Opera sử dụng.
Theo giới thiệu trên trang chủ, Cốc Cốc là công cụ tìm kiếm và trình duyệt web lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nền tảng quảng cáo hàng đầu với hơn 22 triệu người dùng.
Năm 2015, Cốc Cốc được Hubert Burda Media (Châu Á) đầu tư 14 triệu USD và đã nhanh chóng phát triển trở thành nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt.
Tuy nhiên, công ty này liên tục báo lỗ và vốn chủ sở hữu luôn ở tình trạng âm trong các năm sau đó.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 – 2019, dù vẫn ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, Cốc Cốc chỉ báo lãi duy nhất một lần vào năm 2017.
Trong năm 2017, Cốc Cốc báo lãi 16 tỷ đồng, trong khi các năm 2016, 2018 và 2019 báo lỗ lần lượt 93 tỷ đồng, 26 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.
Năm 2017 cũng là năm chứng kiến sự đột phá trong tăng trưởng doanh thu của Cốc Cốc với giá trị đạt 211,6 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm 2016.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng doanh thu có xu hướng chững lại ở các năm sau đó. Kết quả này dường như chưa tương xứng với mục tiêu doanh thu tăng ít nhất 8 lần trong 10 năm tiếp theo mà giới chủ Cốc Cốc nhiều lần đề cập.
|
Trong khi đó, Cốc Cốc có vẽ đã không kiểm soát được chi phí, từ 74,3 tỉ đồng năm 2017 lên đến 110 tỉ năm 2019. Chính vì thế, lợi nhuận gộp giảm, và sau khi trừ các chi phí khác, Cốc Cốc đã lỗ 21 tỉ đồng trong năm tài chính gần nhất (2019). Năm trước đó, Cốc Cốc đã lỗ 25,9 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Cốc Cốc chỉ còn lại 95 tỉ đồng, giảm 12% so với thời điểm đầu năm.
Tổng số vốn góp của Cốc Cốc đến cuối năm 2019 là 364 tỉ đồng. Với việc vốn chủ sở hữu âm 62 tỉ đồng, Cốc Cốc đã lỗ luỹ kế lên đến 426 tỉ đồng kể từ ngày thành lập.
Công ty cũng đang gánh khoản nợ phải trả tăng thêm 158 tỉ đồng, tăng 7 tỉ đồng với đầu năm 2019 và tăng 46 tỉ đồng so với cuối năm 2016.
Mặc dù thị phần giảm, công ty vẫn công bố những cột mốc lớn. Cuối năm 2019, Cốc Cốc cho biết hiện trình duyệt đã chạm mốc 24 triệu người dùng tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty tuyên bố họ có 22 triệu người dùng nền tảng quảng cáo, cao nhất so với các mạng quảng cáo online trong nước.
Nếu lượng người dùng tuyệt đối của Cốc Cốc liên tục tăng nhưng thị phần lại giảm, điều đó có nghĩa trình duyệt "gốc Việt" đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ quốc tế, như Chrome, Firefox hay Oprea.
Trên kho ứng dụng của Google, lượt tải của Cốc Cốc đạt hơn 5 triệu. Số lượt tải xuống trên Apple Store không được công bố.
Những báo cáo ngành cho thấy tỉ lệ số iPhone và số điện thoại thông minh chạy Android gần như tương đương, nên có lẽ số lượt tải xuống trên Apple Store cũng không vượt quá xa 5 triệu - con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 30 triệu lượt tải xuống vào năm 2020 của Cốc Cốc.
Về tính năng, Cốc Cốc thường quảng bá hình ảnh gắn liên với một trình duyệt tương đương với Google Chrome và được tích hợp thêm tính năng tải xuống các file âm nhạc hay video. Nói một cách khác, trình duyệt Cốc Cốc đã đính sẵn các tiện ích mở rộng trên nền tảng.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ