Lợi nhuận tăng 5,4% trong bối cảnh Covid khó khăn
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 3.819 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng lợi nhuận này là đáng khích lệ trong bối cảnh các ngân hàng đang chịu hệ lụy tiêu cực từ dịch Covid-19, cũng là điểm đáng chú ý đầu tiên trong báo cáo tài chính mới nhất của ACB.
ACB vẫn duy trì tăng trưởng khá tốt ở mảng tín dụng, mặc dù ngân hàng này phải tiến hành tái cơ cấu các khoản cho vay cũng như hạ lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng mùa dịch Covid-19.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng vẫn tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thu nhập lãi (biểu thị doanh thu mảng tín dụng) vẫn tăng 15,9% trong khi chi phí lãi (biểu thị giá vốn mảng tín dụng) dù tăng cao hơn nhưng chênh lệch không quá lớn, ở mức 17,7%.
Được biết, trong nửa đầu năm nay, lượng nợ vay tái cơ cấu của ACB đạt khoảng 9.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng dư nợ cho vay) và kỳ hạn tái cơ cấu là khoảng 3-6 tháng, trong đó 3.300 tỷ đồng thuộc khách hàng cá nhân, còn lại thuộc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Con số này thấp hơn ước tính của ACB trước đây là 15.000 tỷ đồng.
|
Ngoài ra, tăng trưởng dư nợ cho vay của ACB cũng là điểm khá đáng chú ý. Nửa đầu năm, ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng cho vay 5,6%, tương đương khoảng một nửa hạn mức cho vay được Ngân hàng Nhà nước cấp hồi đầu năm (11,75%), nghĩa là tình hình giải ngân cho vay vẫn theo tiến độ bình thường bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Động lực tăng trưởng cho vay đến từ mảng khách hàng cá nhân (tăng 6,4%) và mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (6%). Trong khi đó, mảng khách hàng doanh nghiệp lớn giảm 2% so với đầu năm.
ACB dự kiến sẽ xin thêm 3-4% hạn mức tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước, đồng thời kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 15%. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng này từ nửa cuối năm nay trở đi.
Theo ước tính mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2020, ACB sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 5,4%. Sang năm 2021, mức tăng lợi nhuận có thể đạt 15%.
Phía ACB cho biết khoảng 500 tỷ đồng thu nhập lãi liên quan đã không được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý II/2020. Đồng nghĩa sau khi giai đoạn tái cấu trúc kết thúc (từ tháng 9 đến tháng 12/2020), ACB kỳ vọng có thể thu hồi hết các khoản nợ vay này và ghi nhận thu nhập lãi đã mất. ACB ước tính sẽ không tái cấu trúc thêm trong nửa cuối năm 2020.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đóng góp lớn vào lợi nhuận
Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của ACB là khoản lãi thuần đột biến trên 660 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (cùng kỳ năm ngoái lỗ thuần 8,3 tỷ đồng). Trên thực tế, không chỉ ACB mà nhiều ngân hàng cũng ghi nhận lãi thuần đột biến từ mảng này trong nửa đầu năm nay. Nhìn chung, các lãnh đạo ngân hàng lý giải rằng điều này có được là nhờ diễn biến thuận lợi bất ngờ trên thị trường trái phiếu.
Trái ngược với diễn biến thuận lợi trên, lãi thuần từ các hoạt động khác của ACB giảm tới 83%, từ 616 tỷ đồng xuống 102 tỷ đồng. Đây cũng là diễn biến chung ở các ngân hàng, bởi phần lớn lãi thuần từ hoạt động khác được tạo ra bởi nguồn thu từ nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng (nợ ngoại bảng), trong khi đó, dịch Covid-19 khiến việc xử lý nợ xấu (bao gồm việc thu nợ cũng như xử lý tài sản bảo đảm) trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Khó khăn nhất là thời kỳ giãn cách xã hội, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm gần như bị đình trệ. Sau thời gian này, tình hình kinh tế không mấy khả quan cũng khiến hiệu quả xử lý nợ xấu kém hơn rõ rệt.
Độ bao phủ nợ xấu cao
ACB cũng tăng gấp 5,6 lần chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, từ 95,5 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái lên 532 tỷ đồng nửa đầu năm nay. Bước đi này là dễ hiểu trong bối cảnh hệ lụy từ dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên sự thận trọng của ngân hàng là cần thiết.
Song song, ACB vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, chỉ 0,68%. Đây là điểm cộng lớn trong tình hình tài chính của ACB, đặc biệt khi ngân hàng này chỉ tái cơ cấu khoảng 3% tổng dư nợ cho vay, cho thấy chất lượng các khoản cho vay dù phần lớn không được tái cơ cấu vẫn được duy trì ở mức tốt.
Nợ xấu thấp, dự phòng cao nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu - phản ánh "độ dày" của "bộ đệm" nợ xấu - tiếp tục duy trì ở mức rất cao, lên đến 144%.