4 “ông lớn” chuẩn bị kế hoạch kinh doanh năm 2020 như thế nào?
Mới đây, ba trong bộ tứ trụ của ngành ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đã công bố kết quả kinh doanh 2019 cũng như kế hoạch kinh doanh 2020.
Đáng chú ý là Vietcombank khi được nhắc đến như một điểm sáng của ngành ngân hàng nói chung và nhóm 4 "ông lớn" với sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận, xử lí nợ xấu trong 2019.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020 mới đây, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 15% tương đương khoảng 26.565 tỉ đồng. Tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14%, nợ xấu dưới 0,8%.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng cao hơn mức trung bình của ngành để ngân hàng khai thác hết tiềm năng của mình.
Trong khi đó, VietinBank xác định năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu của VietinBank giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng thời cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018 - 2020, chuẩn bị và tạo đà cho việc triển khai Chiến lược phát triển 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 của VietinBank.
Trong năm 2020, ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 6% - 8%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8% - 10%; tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế răng 10% trở lên so với năm 2019.
Riêng nguồn vốn huy động tăng trưởng theo nhu cầu của tăng trưởng tín dụng và sử dụng vốn, bảo đảm các tỉ lệ an toàn hoạt động theo qui định.
"Ông lớn" khác là BIDV đặt mục tiêu huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 14,5%. Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước khoảng 13%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất kế hoạch 12.600 tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...
Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có Bac A Bank, VietBank đã công bố sơ lược kế hoạch kinh doanh trong năm 2020.
Cụ thể, Bac A Bank đặt các mục tiêu như thu dịch vụ giao ở mức tối thiểu (5,5% doanh thu). Một số vấn đề trọng điểm phải hoàn thành như: ngân hàng số, thẻ tín dụng Master Card, triển khai Basel II. Cũng trong thời gian tới, ngân hàng sẽ khai thác lợi thế từ công nghệ 4.0 để tiếp cận phân khúc khách hàng trẻ hơn.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2020, đại diện VietBank nhận định kinh tế năm 2020 được đánh giá có thuận lợi, nhưng cũng vẫn chưa hết khó khăn. Do đó, chỉ tiêu kinh doanh và nhất là lợi nhuận đưa ra cho năm 2020 tăng ít nhất 40% so với 2019.
|
Ảnh minh họa |
Tín hiệu tích cực về nỗ lực xử lí nợ xấu trong hệ thống
Những ngày đầu năm 2020, các ngân hàng đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong năm 2019. Cùng với lợi nhuận khủng, những con số về nợ xấu cũng dần được hé lộ và một điểm đáng mừng trong năm qua là các ngân hàng đã có được kết quả xử lí nợ xấu tương đối hiệu quả.
Điều này được thể hiện rõ nét tại nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV.
VietinBank, ngân hàng đã có những bước quyết liệt trong xử lí nợ xấu bất chấp việc hi sinh lợi nhuận trong năm 2018, lại tiếp tục đạt được những kết quả khá tích cực trong năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức tăng trưởng 83% trong năm qua mang về gần 11.500 tỉ đồng trong khi tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 1,6% xuống 1,2%, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 92,7% lên 127,5%.
Đáng chú ý, sau khi phải bán thêm một lượng không nhỏ nợ xấu sang VAMC vào cuối năm 2018 (hơn 13.400 tỉ đồng) thì đến cuối năm 2019, VietinBank đã trích lập dự phòng được 54% giá trị trái phiếu đặc biệt của VAMC, gấp nhiều lần tỉ lệ 17% ở cuối năm trước.
Lãnh đạo của ngân hàng cho biết trong năm 2020, VietinBank chưa có kế hoạch bán thêm nợ xấu sang VAMC và ngân hàng sẽ xử lí xong nợ xấu VAMC trong thời gian ngắn trước mắt.
Agribank, ngân hàng duy nhất hiện tại chưa hoàn thành việc cổ phần hoá và đã từng rất đau đầu về các khoản nợ xấu khó thu hồi, đã chính thức mua lại trước hạn toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Điểm đáng lưu ý là việc này cùng với tăng trưởng tín dụng ở mức 11,7% không làm tỉ lệ nợ xấu tại ngân hàng tăng lên mà tiếp tục duy trì ở mức thấp 1,46% (giảm từ ngưỡng 1,6% vào cuối năm 2018). Tính đến cuối năm 2019, ngân hàng cho biết đã xử lí và thu hồi được gần 110.000 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Cho ấn tượng vượt trội hơn các "ông lớn" khác về kết quả kinh doanh, nợ xấu của Vietcombank không phải là vấn đề đáng lo của ngân hàng trong những năm gần đây với tỉ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp dưới 1%. Vào cuối năm 2019, dư nợ xấu nội bảng của Vietcombank là 5.699 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu giảm về 0,77%, tỉ lệ bao nợ xấu ở mức cao 182,8%.
Không chỉ ở nhóm ông lớn, những NHTM cổ phần cũng cho kết quả khả quan trong xử lí nợ xấu năm 2019. Những ngân hàng báo kết quả kinh doanh sớm như VIB, Sacombank, ABBank, TPBank đều ghi nhận tỉ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 2%.
Đây là một kết quả lạc quan nhất là đối với ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu với lượng nợ xấu phải xử lí lớn như Sacombank.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho biết chỉ sau hai năm rưỡi thực hiện tái cơ cấu, ngân hàng đã đưa tài sản tồn động trên tổng tài sản giảm từ 29,3% xuống còn 13,3%; tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 7,52% xuống còn 1,54%.
Đồng thời, Sacombank đã hoàn thành các mục tiêu trọng yếu theo tiến độ của đề án tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh từng bước chuyển biến tích cực theo hướng ổn định.
Theo báo cáo tài chính quí III, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 là 5.809 tỉ đồng. Ngân hàng không công bố chi tiết về số dư nợ xấu tại VAMC, tuy nhiên, số dư chứng khoán nợ giữ tới ngày đáo hạn do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành giảm 13% còn hơn 35.000 tỉ đồng, số trích lập dự phòng là 3.378 tỉ đồng.
Theo thông tin từ NHNN, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng năm 2019 có nhiều cải thiện tích cực. Tính đến cuối tháng 12/2019, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 1,89%; tỉ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng (nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC) giảm còn 4,96% so với mức hơn 10% của năm 2016.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống ước tính đã xử lí được hơn 1 triệu tỉ đồng nợ xấu, trong đó hơn 305 nghìn nợ xấu được xử lí theo Nghị quyết 42.
Theo Thu Hoài/TBCK