Nhiều ngân hàng ăn nên làm ra
Tính tới thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận kinh doanh năm 2019. Tình hình chung khá khả quan khi hầu hết đều cho thấy lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Năm 2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 19.500 tỷ đồng cho ngân hàng riêng lẻ và 20.000 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất.
Tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng thực hiện được trên 85% chỉ tiêu khi đạt 17.500 tỷ đồng lợi nhuận. Ðây là một trong những ngân hàng được dự báo sẽ thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, bởi hoạt động tín dụng thường tăng cao trong quý cuối năm.
|
Tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện được trên 85% chỉ tiêu khi đạt 17.500 tỷ đồng lợi nhuận. |
Với Ngân hàng TMCP Phương Ðông (OCB), lợi nhuận trước thuế quý III/2019 đạt 825 tỷ đồng, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2018; luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 1.942 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 10/2019, Ngân hàng đã thu về thêm hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Vì thế, ngân hàng này cũng có khả năng thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Về phía ngân hàng Agribank, ước tính năm kinh doanh 2019, nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế 10.350 tỷ đồng chỉ sau 10 tháng đầu năm nay, vượt kế hoạch cả năm đề ra là 10.000 tỷ đồng trước thuế.
Tính đến đầu tháng 10/2019, tổng tài sản Agribank đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1,28 triệu tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ và nguồn vốn chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến, năm 2019, Agribank sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 11.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo công bố của Sacombank, kết thúc năm 2019, các chỉ tiêu hoạt động chính của ngân hàng đều vượt kế hoạch. Lợi nhuận dự kiến đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông. Tổng tài sản ngân hàng đạt 457.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm trước; số dư huy động đạt 413.000 tỷ đồng, số dư cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng, (tăng 15,3%) và tỉ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống dưới 2%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận 7.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 76% kế hoạch năm 2019.
Trong đó, tỷ trọng lợi nhuận FE Credit đóng góp cho ngân hàng mẹ VPBank là không nhỏ. Quý cuối năm là mùa kinh doanh của ngân hàng, nhất là hoạt động cho vay tiêu dùng của FE Credit. Do đó, VPBank tự tin sẽ đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng đã đề ra cho năm 2019.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt gần 8.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2019 so với kế hoạch cả năm là 11.750 tỷ đồng, nên việc hoàn thành kế hoạch cũng không khó.
Không chỉ với các nhà băng lớn, mà ngay cả những ngân hàng nhỏ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)... cũng đang tiến dần đến đích lợi nhuận năm 2019, thậm chí có nhà băng đã sớm hoàn thành chỉ tiêu.
Chẳng hạn, Saigonbank đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu..., nhưng dự phòng giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm, nên nhà băng này đã thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 175 tỷ đồng cả năm.
Theo báo cáo tài chính, 9 tháng đầu năm 2019, Saigonbank đạt 221 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nợ xấu nội bảng thời điểm cuối tháng 9 của Ngân hàng là 294 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% xuống 2,03%. Ðiểm đáng lưu ý là trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn của Saigonbank chiếm 72% (211 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh của ngân hàng An Bình (ABBank) cũng khá khả quan khi đạt 1.107 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 91% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt 94.259 tỷ đồng, tăng 4.021 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức 1,8%.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh khả quan là tín hiệu vui với nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến, khi các doanh nghiệp, ngành hàng công bố chi thưởng Tết cho cán bộ nhân viên lên tới cả nghìn tỷ đồng thì nhân viên ngân hàng chỉ nhận có 1 tháng lương. Vậy có đúng hay không, chuyện ngân hàng ăn nên làm ra, nhân viên ngân hàng lại không mong ngóng thưởng Tết?
Vì sao nhân viên ngân hàng không mong ngóng thưởng Tết?
Giám đốc truyền thông một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Hà Nội cho biết, đã mấy năm nay, Tết dương lịch chị nhận được chưa quá 5 triệu đồng tiền thưởng và Tết âm lịch là một tháng thu nhập.
Đầu tháng 12/2019, một trong bốn "ông lớn" ngân hàng là VietinBank thông báo bổ sung 1 tháng lương nhân dịp Tết dương lịch 2020 cho cán bộ nhân viên đã gây râm ran dư luận.
Tìm hiểu về câu chuyện này, PV đã xác nhận thông tin từ một tổng giám đốc ngân hàng, ông cho hay: "Thưởng Tết ngân hàng không giống với các ngành hàng khác. Thưởng Tết chỉ là tượng trưng, chúng tôi sẽ chia thưởng vào dịp báo cáo tài chính quý I năm sau".
Quả thực, nhân viên ngân hàng sẽ được truy lĩnh thêm từ 2 - 7 tháng thu nhập vào dịp báo cáo tài chính quý I năm sau. Nếu lấy mặt bằng thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng/tháng, nhân viên ngân hàng sau Tết có thể nhận được món tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
|
Nhân viên ngân hàng sẽ được truy lĩnh thêm từ 2 - 7 tháng thu nhập vào dịp báo cáo tài chính quý I năm sau. |
Và với giới ngân hàng, khoản tiền này họ không gọi là tiền thưởng Tết mà đó là các khoản truy lĩnh trong năm, cũng như là "một phần lương mà họ chưa nhận từ các tháng thì nay nhận bù".
Chia sẻ về việc thưởng Tết ngân hàng, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng nói: Thực tế khái niệm "thưởng Tết" là việc các nhân viên được truy lĩnh lương của mình trong năm. Vietcombank cũng là một doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước nên tối đa mỗi năm chỉ được trích 2-3 tháng phúc lợi khen thưởng, nếu hoàn thành kế hoạch.
Ông cũng hé lộ, tại Vietcombank, mức phân hoá về thu nhập giữa cán bộ lương thấp nhất và cao nhất có thể tới 60-70%. Do đó, tại Vietcombank, có chi nhánh nhân viên chỉ được thưởng một tháng lương nhưng cũng có chi nhánh cán bộ được 3, 5 tháng lương hoặc có thể nhiều hơn.
Có thể thấy rằng, việc thưởng Tết ngân hàng và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như bất động sản, ngành hàng ăn uống, may mặc... luôn thu hút sự quan tâm của dư luận với muôn kiểu thưởng. Ví dụ như Tết năm ngoái, Ngân hàng Hàng Hải thưởng giò lụa, bánh chưng và 1 tháng lương cho nhân viên.
Cụ thể, Chủ tịch Ngân hàng Hàng Hải đã quyết định bổ sung khoản thưởng mới tương đương 1 tháng lương bình quân (theo thời gian làm việc thực tế) khi thỏa mãn hai điều kiện: ngân hàng hoàn thành kế hoạch kinh doanh hàng năm và cán bộ nhân viên có đánh giá xếp loại và dự kiến xếp loại từ B trở lên. Năm 2018 ngân hàng đã đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ trong khi chỉ tiêu đặt ra chưa đến 300 tỷ.
Khoản trên được chi trả ngay sau Tết dương lịch, hoàn toàn độc lập với khoản thưởng hiệu suất theo kết quả kinh doanh và xếp loại cá nhân.
Phía công đoàn ngân hàng này cũng thông báo sẽ trích quỹ công đoàn chi tặng quà Tết bằng hiện vật (giò chả, bánh chưng và các phần quà khác phù hợp văn hóa địa phương) với mức chi ngân sách tối đa 200.000 đồng/người.
Ngoài khoản thưởng nói trên, theo quy định hàng năm ngân hàng còn chi các khoản tạm ứng trước Tết âm lịch và quyết toán thưởng hiệu suất khi hết quý I năm kế tiếp.
Năm 2019 ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng của các ngân hàng khi nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thị trường hiện đang chờ đợi "người anh cả về lợi nhuận" trong giới ngân hàng - Vietcombank - cũng như các ngân hàng công bố thưởng Tết và các khoản truy lĩnh sau Tết 2020.
Như vậy, hóa ra mặc dù ngân hàng có ăn nên làm ra đến đâu, thì nhân viên ngân hàng cũng không mong ngóng thưởng Tết, câu chuyện đó hóa ra lại là thật. Dịp chia thưởng vào dịp báo cáo tài chính quý I năm sau mới thực sự là khoản được mong đợi.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ