Giải bài toán “ma trận” phí chồng phí khi sử dụng thẻ tín dụng

người đưa tin 17:40 14/03/2022

Các ngân hàng và cả người tiêu dùng đang phải trả hàng loạt loại phí cho các tổ chức quốc tế nhưng chỉ có mục đích tiêu dùng trong nước.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện là hai trong nhiều trọng tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hai năm qua, Covid-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn trong đó có tỉ lệ nhất định sử dụng thẻ tín dụng.

Theo thống kê, đến hết năm 2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019).

Thẻ tín dụng nội địa cũng được coi là bước đầu tiên trong xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng khách hàng biết và sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.

Bài toán đặt ra là làm cách nào để người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa và sẽ thay đổi thói quen, ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng của Việt Nam, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, và phổ cập tài chính toàn diện...

Tiềm năng thẻ tín dụng nội địa

Tại hội thảo "Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam" tổ chức sáng 11/3, ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chỉ ra lợi ích và tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa.

Thứ nhất, về khía cạnh tài chính, ông Tuyên nhận thấy thẻ tín dụng nội địa có thể hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm do thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài ngày và được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của TCPHT... "Qua đó, khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo..." - ông Tuyên cho hay.

Ông Lê Văn Tuyên chỉ ra lợi ích và tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa.

Thứ hai, ông Tuyên cho rằng việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ.

Thứ ba, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên, cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể rẻ hơn cho đơn vị chấp nhận thẻ.

Thứ tư, ông Tuyên cho rằng phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các TCPHT tại Việt Nam.

Nhiều phí chi trả cho thẻ tín dụng quốc tế

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank - một trong những đơn vị cùng NAPAS chung tay phát triển thẻ nội địa, chỉ ra nghịch lý khi sử dụng thẻ quốc tế: "Khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, chúng ta sẽ phải trả những chi phí rất lớn cho thẻ tín dụng quốc tế. Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi hay gọi là ma trận, phí chồng phí".

Ông Phạm Đăng Khoa phát biểu tại hội thảo ngày 11/3.

Theo ông Khoa, các ngân hàng Việt Nam đang phải trả nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế. Bản thân chủ thẻ cũng phải trả nhiều phí cho các tổ chức thẻ. Nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải các loại thẻ nội địa cho mục đích tiêu dùng trong nước. "Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải. Làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa" - ông Khoa đặt câu hỏi.

Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS nhận định lượng người sử dụng thẻ tín dụng so với tổng số dân gần 100 triệu vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ.

Ông Minh nhấn mạnh, NAPAS đã chính thức triển khai thẻ tín dụng nội địa từ tháng 1/2021 với sự tham gia của 7 Ngân hàng Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc NAPAS kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều ngân hàng tham gia phát hành hơn và tín dụng tiêu dùng nội địa sẽ thêm phổ biến.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS phát biểu tại hội thảo.

Cần sự vào cuộc của truyền thông

Phó Thống đốc NHNN - ông Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo: "Nếu khách hàng đã sử dụng thanh toàn điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn sẽ không quay lại dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó".

Trong thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng đề nghị các TCPHT và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa; xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Quang cảnh hội thảo.

Ông cũng đề nghị các đơn vị tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.

Tiếp theo, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng cần mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế.

"Cuối cùng, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam" - ông Dũng nói.

Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, Phó Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ tín dụng và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặ

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/giai-bai-toan-ma-tran-phi-chong-phi-khi-su-dung-the-tin-dung-a545991.html

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán “ma trận” phí chồng phí khi sử dụng thẻ tín dụng tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất