Đất Quốc Phòng bỗng biến thành cao ốc của VPBank: Hé lộ đường vòng quanh co!

DTVN 09:44 19/03/2020

Đất Quốc phòng sau quá trình biến hóa bỗng chốc trở thành đất của các doanh nghiệp và ngân hàng. Tòa tháp VPBank mọc lên sừng sững từ những lần biến hóa đó. Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng bị khởi tố xét xử.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự T.Ư, khu đất số 2 (số 1-1A-2), số 7- 9 (số 9), số 9- 11 (số 11-13) đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM (từ đây gọi tắt là các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11), có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của QCHQ.
Ngày 13/3/2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ họp mở rộng nghe ông Vũ Văn Thắng (Giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc QCHQ) báo cáo phương án kinh doanh trong liên doanh Hako là hợp đồng hợp tác kinh doanh khu nhà đất số 2, số 7-9 và số 11 cùng ý kiến của Phòng kinh tế, Phòng tài chính thuộc QCHQ. Thường vụ Đảng ủy đã thống nhất phương án hợp tác kinh doanh giao Công ty Hải Thành phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất tổ chức thực hiện hợp tác với các doanh nghiệp trên 3 khu đất, nhưng đảm bảo giữ vững chủ quyền đúng quy định của pháp luật và có lợi cho QCHQ.

Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng từ đất Bộ Quốc phòng qua quá trình biến hoá thành đất tư nhân - tòa tháp VPBank.

Ngày 2/10/2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ đề nghị và được Thành ủy, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho Bộ Tư lệnh Hải quân để chi cho giải phóng mặt bằng và đầu tư doanh trại cho các đơn vị quân đội của QCHQ. Quá trình thực hiện chủ trương của Thường vụ đảng ủy QCHQ, các bị can Bùi Như Thiềm (lúc đó là Trưởng phòng kinh tế, QCHQ) và Bùi Văn Nga (lúc đó là Giám đốc công ty Hải Thành), Đoàn Văn Thảo (lúc đó là Trưởng phòng tài chính, QCHQ) đã đề xuất với thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh QCHQ và trực tiếp tổ chức thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất trên từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế không đúng quy định về quản lý đất đai.

Mặc dù QCHQ chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng 3 khu đất trên, nhưng Thiềm, Thảo đã trình Thường vụ Đảng ủy QCHQ với nội dung xin ý kiến để ký các hợp đồng liên doanh liên kết xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong thời hạn từ 45 đến 49 năm, với mức khoán kinh doanh từ 4,5 USD đến 5 USD/m2 trong thời hạn liên doanh.
Ngày 25/8/2006, Thiềm, Thảo trình với Đảng ủy QCHQ báo cáo về kết quả thỏa thuận thảo luận với các đối tác liên doanh làm kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hiến khi đó là Tư lệnh QCHQ do thiếu kiểm tra trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng đã nhất trí với đề xuất không đúng quy định của Thiềm, Thảo về quản lý đất đai, ký nhiều văn bản báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Thành ủy, UBND TPHCM xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 khu đất trên vào hợp tác kinh doanh.
Hành vi sai phạm của các bị can được thể hiện cụ thể là, ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn), lấy pháp nhân Công ty Yên Khánh (do ông Hệ làm chủ), chỉ đạo Vũ Thị Hoan (đứng tên Giám đốc Công ty Yên Khánh) ký tờ trình đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh với Công ty Hải Thành đang được giao quản lý hơn 4.000 m2 đất tại số 7-9.
Ngày 4/9/2006, Vũ Thị Hoan ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Yên Khánh Hải Thành) để thực hiện dự án tại khu đất 7-9. Sau khi ký được hợp đồng, ông Hệ chỉ đạo làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất và cấp, đổi quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành. Ngày 18/3/2010, Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành được cấp giấy chứng nhận QSDĐ khu đất 7-9.
Đối với khu đất số 2, ngày 13/1/2003 UBND TPHCM cấp quyền sử dụng khu đất này cho Công ty Hải Thành. Ngày 14/2/2006 Công ty Hải Thành ký với Công ty TNHH Cảnh Hưng biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh xây dựng khu cao ốc văn phòng, tại khu đất nói trên, trong đó Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, Công ty Cảnh Hưng góp vốn bằng tiền mặt để thực hiện dự án. Ngày 30/8/2006, hai bên ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành. Hiện tại Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi, 4 tầng hầm, hoàn thiện 9 tầng cho thuê làm văn phòng và bán cổ phần cho một số đối tác…
Khu đất 9-11 được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Hải Thành ngày 13/1/2013, Công ty Hải Thành ký hợp tác với Công ty TNHH Mai Anh thực hiện dự án cao tốc đa năng. Hai bên thành lập Công ty TNHH Mai Thành. Hiện Công ty TNHH Mai Thành đã xây dựng xong tòa nhà 34 tầng (năm 2013) đang cho làm văn phòng.
Liên quan tới sai phạm tại các khu đất nêu trên, Viện Kiểm sát quân sự T.Ư truy tố các bị can Thiềm, Nga, Thảo và Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) cùng tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo điểm b Khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự. Bị can Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.
Cáo trạng nêu, vào năm 2006, ông Hệ biết QCHQ có chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất số 7- 9 sang làm kinh tế. Công ty Yên Khánh mới thành lập vốn điều lệ chỉ là danh nghĩa đăng ký kinh doanh không có thực, không có cơ cấu tổ chức nhân sự và chưa thi công dự án nào. Tuy nhiên, ông Hệ chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập tờ trình gửi QCHQ xin liên kết đầu tư xây dựng và khai thác tòa nhà cao ốc văn phòng trung tâm thương mại tại khu đất số 7- 9. Do không kiểm tra thẩm định năng lực Công ty Yên Khánh, Vũ Văn Khánh (nguyên giám đốc Công ty Hải Thành đã chết năm 2015) đã ký hợp đồng nguyên tắc liên doanh liên kết thực hiện dự án tại khu đất số 7- 9. Dù khu đất chưa được chuyển đổi sang đất làm kinh tế nhưng các bị can Thiềm, Thảo đã tham mưu cho ông Hiến giao Bùi Văn Nga ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với công ty tại khu đất số 7- 9.
Bằng các thủ đoạn gian dối, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất số 7-9 có giá trị thời điểm tháng 2/2010 là 525 tỷ đồng. 3 bị can Hệ, Diệt và Hoan bị truy cứu cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Bằng các thủ đoạn gian dối, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất số 7-9 có giá trị thời điểm tháng 2/2010 là 525 tỷ đồng. 3 bị can Hệ, Diệt và Hoan bị truy cứu cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.
Đất Quốc phòng biến thành trụ sở VPBank

Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng do Công ty TNHH Cảnh Hưng - Hải Thành làm chủ đầu tư. Liên doanh giữa Công ty Hải Thành và Công ty TNHH Cảnh Hưng được thành lập từ tháng 8/2007, với 12,71% phần vốn thuộc về thành viên Quân chủng Hải quân, trong khi doanh nghiệp tư nhân kín tiếng của Chủ tịch Phạm Duy Tân chi phối tới 87,29%.

Đến tháng 4/2011, dự án ghi nhận sự góp mặt của CTCP Đầu tư Châu Thổ (Đầu tư Châu Thổ hay còn gọi là Delta Corp) với việc mua lại 80% cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành từ các cổ đông sáng lập. Delta Corp được thành lập tháng 5/2007, từng có Chủ tịch HĐQT là doanh nhân Vũ Đình Luyện.

Tính tới đầu tháng 10/2017, Đầu tư Châu Thổ đã đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư KM (KM Group) với quy mô vốn điều lệ lên tới 2.876 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế Silver Field (56,62%); Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (24,49%) và Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản LC (18,89% vốn điều lệ).

Được biết, Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam chính là tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (An Thịnh Lộc).

Sau khi “đổi chủ”, dự án văn phòng tại “đất vàng” số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng cũng được quảng bá với tên thương mại mới là Delta Riverside Tower. Tuy nhiên, Đầu tư Châu Thổ cũng chỉ nắm giữ cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thịnh khoảng 1 năm rồi nhượng lại toàn bộ vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam (Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam) vào tháng 4/2012.

Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai trên phần đất có diện tích 2.190 m2, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm với nhà thầu uy tín Coteccons. Dự án trước khi hoàn thành một lần nữa được đổi tên thành Waterfront Saigon.

Dự án trên khu đất số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng sau đó tiếp tục đổi tên thành The Waterfront Saigon và nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi VPBank Tower Saigon.

V.Danh (TH)/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dat-quoc-phong-bong-bien-thanh-cao-oc-cua-vpbank-he-lo-duong-vong-quanh-co-d72023.html

Bạn đang đọc bài viết Đất Quốc Phòng bỗng biến thành cao ốc của VPBank: Hé lộ đường vòng quanh co! tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất