Chỉ có 63% số cổ đông đồng ý, DongA Bank sẽ phải tái cơ cấu theo phương án khác
Sáng 12/10, đại hội cổ đông bất thường 2019 của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đã không thông qua phương án tăng vốn.
Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm DongABank có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ.
|
DongABank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ. |
Với điều kiện hiện tại, DongABank không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu được vì không thể đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định. Do đó, “DongABank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ”, tờ trình nêu rõ lý do.
Cụ thể về phương án phát hành, DongABank dự kiến chào bán số cổ phần đủ số lượng để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật với giá chào bán 10,000 đồng/cổ phần.
Theo thông tin từ Vietstock, số cổ phần dự kiến phát hành sẽ được chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp).
Dự tính, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ được sử dụng để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng tài chính để DongABank tăng cường năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, theo Vnexpress, phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ của DongA Bank không được thông qua tại đại hội vào sáng ngày 12/10 khi chỉ có 63% số cổ đông đồng ý. 65% đồng ý mới đạt yêu cầu nên phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ đã không được thông qua.
Như vậy, DongA Bank sẽ báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước để xem xét tái cơ cấu theo phương án khác.
DongABank bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào năm 2015
Một số cổ đông khác thì quan tâm đến tương lai của DongA Bank sẽ ra sao nếu như đại hội hôm nay không thông qua phương án bán cổ phần để tăng vốn....
Tại đại hội, ông Nguyễn Thanh Tùng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DongA Bank chia sẻ kết quả kiểm toán nhằm xác định thực trạng tài chính của ngân hàng tại ngày 31/12/2018.
Theo đó, cuối năm ngoái, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng này đạt 33,221 tỷ đồng. Tổng huy động vốn từ khách hàng 60.794 tỷ đồng. Mức vốn ngoài ngân hàng và công ty con cần bổ sung là 33.480 tỷ đồng. Tổng trích dự phòng rủi ro cho các hoạt động đến cuối năm 2018 là hơn 27.500 tỷ đồng...
Trong phần chất vấn tại đại hội, cổ đông Nguyễn Duy Lộ cho rằng, phương án bổ sung vốn điều lệ nhìn chung còn thiếu sự linh hoạt với một ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt. Theo ông, không nên giới hạn số lượng nhà đầu tư tham gia mua cổ phần dưới 100 người mà nên mở rộng.
Ông cũng đề nghị ban lãnh đạo hiện tại cần làm rõ với cổ đông về số vốn điều lệ 5.000 tỷ bị âm thì bao nhiêu là khống, bao nhiêu là thực. Nếu khống thì nên đặt yêu cầu xoá sổ. Về quỹ dự phòng rủi ro tín dụng - đầu tư và kinh doanh khác, cổ đông yêu cầu làm rõ đến 30/9 đã trích lập vào những hoạt động nào và hiện còn bao nhiêu. Ngoài ra, ngân hàng cần có bảng phân tích rõ sự mất vốn là do đâu cũng như làm rõ lại giá trị thương hiệu Ngân hàng Đông Á....
Trước đó, DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 sau khi kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, nhà băng có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Đông Á.
Cũng theo Vietstock, năm 2015, DongABank bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khi hàng loạt lãnh đạo của ngân hàng này hầu tòa. Kể từ đó, toàn bộ cổ đông của DongABank không được chuyển nhượng cổ phần, trừ những trường hợp đặc biệt, NHNN mới xem xét. Đồng thời, DongABank cũng không công bố báo cáo tài chính từ đó đến nay.
Vốn điều lệ của DongABank trước khi dự kiến phát hành cổ phần là 5,000 tỷ đồng, tương đương 500 triệu cp.
Ông Võ Minh Tuấn - Chủ tịch DongA Bank cho biết, nếu tăng vốn được, HĐQT sẽ dự thảo chiến lược phát triển của ngân hàng. Nếu không, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý tái cơ cấu để giữ được ổn định hoạt động của ngân hàng, đảm bảo lợi ích người gửi tiền, không ảnh hưởng đến hệ thống.