Tại dự án Phú Hồng Thịnh 10, UBND tỉnh Bình Dương đã giao đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết cho doanh nghiệp với tiến độ “thần tốc”, có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, ngày 12/3/20218, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh làm chủ đầu tư dự án.
Chỉ 20 ngày sau (ngày 3/4/2018), tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và ngày 10/4 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Và hai ngày sau (ngày 12/4/2018), ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định chấp thuận đầu tư, thu hồi đất của đơn vị khác và giao cho Công ty Phú Hồng Thịnh sử dụng để làm dự án nhà ở theo dạng phân lô bán nền.
Hơn nữa, trong Quyết định số 939/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 của tỉnh Bình Dương thu hồi 51.466m2 đất của doanh nghiệp khác, nhưng lại cho phép Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh được sử dụng diện tích tới 53.584,7m2 đất tại khu vực này để làm dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 10. Tức là doanh nghiệp bỗng dưng được giao “dôi dư” tới 2.000m2, không rõ nguồn gốc đất ở đâu?
|
Ông Lê Thanh Cung (thứ nhất từ phải sang) và ông Trần Văn Nam (thứ hai từ phải sang) tại hành lang kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Bình Dương năm 2014. Ảnh: Bá Sơn |
Trong khi nguồn gốc đất và giao dịch chuyển nhượng đất giữa Công ty 624 và bà Phạm Thị Hường chưa được thẩm định kĩ lưỡng, có đủ điều kiện để được giao đất hay không thì tỉnh Bình Dương đã “vội vã” kí quyết định thu hồi đất, giao đất cho công ty của bà Hường làm dự án nhà ở thương mại không qua đấu giá.
Năm 2016, trước tình trạng “xâu xé” đất đai vô tội vạ tại Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 12 chỉ rõ thực trạng yếu kém trong quản lý, sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý tại một số địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn như: không lập thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước khi xây dựng các công trình dự án; không đăng kí vào hệ thống hồ sơ địa chính để xác lập quyền quản lý, đặc biệt UBND các xã, phường, thị trấn chưa tích cực rà soát quỹ đất công để quản lý, sử dụng và cho thuê đất không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý, giám sát, thanh kiểm tra đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tự ý hoán đổi đất dẫn đến địa phương không còn quỹ đất để bố trí các công trình công ích, công trình xã hội hoá phục vụ nhu cầu chung…
Do đó, Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở ngành phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý quỹ đất do Nhà nước quản lý, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, cho thuê đất không thông qua đấu giá.
|
Sau khi thâu tóm những khu đất lớn, nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường đã “hô biến” thành dự án khu nhà ở Phú Hồng Đạt- Phú Hồng Khang để phân lô bán nền đất. |
Đặc biệt, Chỉ thị 12 đã nghiêm cấm các hành vi: “Không được tiến hành thực hiện dự án, xây dựng các công trình trên đất khi chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”; “Không được phép hoán đổi đất, giao đất, cho thuê quỹ đất công ích, quỹ đất do Nhà nước quản lý, đất đã giải phóng mặt bằng nhưng không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất”.
Thế nhưng, bất chấp những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn năm 2017-2019, UBND tỉnh Bình Dương vẫn giao đất cho nhóm công ty của bà hạm Thị Hường tổng cộng hơn 500.000m2 đất không qua đấu giá, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở đô thị để làm 17 dự án nhà ở thương mại. Ngay cả quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đất công viên cây xanh… cũng được giao cho nhóm này để phân lô, bán nền.
Hàng loạt các quyết định thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án được ban hành “thần tốc” dưới thời Chủ tịch tỉnh Trần Văn Nam, do ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Dương kí, đã giúp nhóm Công ty Phú Hồng Thịnh, Phú Phong… thâu tóm quỹ đất đai lớn, giá bèo, “hô biến” thành hàng nghìn lô đất ở giá trị cao.
Những điều này làm dấy lên nghi vấn có sự bắt tay, chống lưng của chính quyền tỉnh Bình Dương để các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân lộng hành, dẫn tới gia tăng các sai phạm về đất đai nghiêm trọng hơn, làm thất thoát tài sản Nhà nước, cũng như gây ra nhiều hệ luỵ “băm nát” quy hoạch đô thị Bình Dương.
Để hợp thức hoá khối đất đai, vợ chồng bà Phạm Thị Hường – Phạm Hữu Đức đã dùng chiêu thức là phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu có diện tích dưới 2.000m2 để được tách thửa, chuyển thành đất ở. Sau đó, vợ chồng bà Hường - Đức làm thủ tục tặng cho các con và tiếp tục tách thành nhiều thửa đất nhỏ từ 42,3m2 - 136,2m2. Chỉ từ ngày 29/4/2010 - 20/5/2011, vợ chồng bà Hường-Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã được cấp... 1.059 sổ đỏ với tốc độ xử lý thủ tục “siêu tốc”. Sau Kết luận kiểm tra số 250 của tỉnh, vụ việc vi phạm nghiêm trọng này đã được chuyển Cơ quan điều tra và kiến nghị báo cáo kết quả giải quyết về Trung ương. Nhưng sau khi ông Trần Văn Nam lên làm Chủ tịch tỉnh Bình Dương vào cuối năm 2014, thì những chỉ đạo của lãnh đạo cũ về xử lý sai phạm phân lô tách thửa 9 khu đất nông nghiệp đã bị kéo dài quá thời hạn điều tra xác minh, dần dần… “chìm xuồng”. |
Theo Phi Long/Tạp chí Kinh tế Môi trường