Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ KHĐT thì trong 5 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% so với chỉ tiêu cả năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 22,8% và tăng 16,2%).
Nguồn vốn quản lý bởi trung ương đạt 27,1% kế hoạch năm và ở mức 20,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó vốn địa phương quản lý đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, bằng thực hiện được 29% năm và tăng 13% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 5, vốn đầu tư từ ngân sách ước đạt 34.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,9% so với cùng thời điểm năm 2020.
Hiện tại, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Một trong những biện pháp để phục hồi nền kinh tế và tăng trưởng đó chính là đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm.
|
Dù vốn đầu tư từ thực hiện ngân sách nhà nước tăng nhưng tiến độ còn chậm |
Tuy nhiên, theo Bộ Tài Chính thì tiến độ còn chậm, vẫn còn rất nhiều Bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện xong giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Lý do cũng xuất phát từ dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương bị giãn cách phong tỏa ảnh hưởng tới tiến độ nhiều dự án.
Từ đó đã kéo theo quá trình nghiệm thu bị trễ, chưa thể làm thủ tục để thanh toán với kho bạc nhà nước dẫn đến việc kế hoạch giải ngân vốn bị ảnh hưởng.
Hiện tại, theo thống kê của Bộ Tài Chính thì nhiều địa phương có đạt tỷ lệ ngân khá thấp như: Bắc Kạn mới đạt gần 7%; Cần Thơ mới đạt gần 9%... Thậm chí có 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Chỉ có một số ít bộ, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình đạt 73,74%, Hưng Yên đạt 47,22%; Kiểm toán Nhà nước đạt 46,89%; Nam Định đạt 45,17%; Thanh Hóa đạt 44,39%; Hà Nam 41,46%.
Bộ Kế hoạch đầu tư cũng từng lên tiếng yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát, tìm ra và giải quyết các vướng mắc gây ảnh hưởng đến các dự án được giao để giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó cần đề xuất các giải pháp thực hiện đồng bộ hiệu quả, khả thi nhằm khắc phục hạn chế trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện Bộ đã phân chia thành 2 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, giải pháp về hoàn thiện thể chế pháp luật (pháp luật quy định ra sao về quy trình triển khai một dự án từ thủ tục đầu tư, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, thi công…).
Thứ hai, giải pháp về tổ chức thực hiện, trong đó đề xuất phương án mới cho từng loại dự án chuyển tiếp, tiến hành dự án mới, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn tạm ứng để giải ngân theo đúng quy trình.
Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam