Trái ngược với sự lo ngại cho rằng tình hình thị trường M&A bất động sản có thể ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những cuộc săn lùng các tài sản chịu áp lực nợ đang diễn ra trong giới các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc. Đó cũng có thể là tình huống của những tài sản ở các vị trí đắc địa mà trước đây chủ đầu tư không có nhu cầu chuyển nhượng, nay cần huy động nguồn tiền nên được đưa ra chào bán.
“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”
Tỷ phú Warren Buffett có một câu nói để đời là “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam”. Đây cũng là bí quyết để ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Câu này có hàm ý trong khủng hoảng luôn có cơ hội, khủng hoảng càng lớn thì cơ hội càng lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, kéo theo nhiều tác động đến đời sống, kinh tế, đâu là cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản?
Nghiên cứu của các công ty tư vấn cho thấy, nhiều thập kỷ qua, giá nhà đất tại Việt Nam đi theo chiều hướng tăng dần, dù có một vài giai đoạn điều chỉnh giảm nhưng thị trường nhanh chóng hồi phục và tiếp tục gia tăng sau đó. Đơn cử, theo thống kê trong 16 năm qua, giá bất động sản tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tăng 27 lần, tại quận 1, TP.HCM tăng 22 lần, trong khi giá vàng chỉ tăng hơn 5 lần. Lịch sử đã cho thấy, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, kể cả dịch bệnh lan truyền, nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, khi thị trường xuất hiện tâm lý sợ hãi thì những nhà đầu tư yếu bóng vía thường bán tháo dưới giá thị trường. Doanh nghiệp thời điểm này cũng tung ra nhiều gói khuyến mại, chính sách bán hàng hấp dẫn để tăng tính thanh khoản. Do đó, đây là thời điểm có nhiều cơ hội mua bất động sản để tích trữ cho dài hạn.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng. Điều này đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008 - 2011, những người bắt đáy có tầm nhìn xa đều thu được lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, dù hiện nay dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư âm thầm mua nhà đất giữ tiền.
Mặt khác, theo các chuyên gia, động thái giảm một loạt lãi suất của Ngân hàng Nhà nước mới đây sẽ tác động tích cực đến thị trường. Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn tối đa xuống chỉ còn 4,75%/năm, sẽ kích thích việc rút tiền gửi để mua bất động sản. Bên cạnh đó, những người có nhu cầu vay để mua nhà đất sẽ mạnh dạn hơn khi có “động lực kép” lãi suất giảm và nhiều cơ hội mua nhà giá tốt
|
Bán tháo khách sạn vừa và nhỏ
Theo ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Công ty Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A bất động sản, cho biết nhu cầu của nhiều nhà đầu tư đặt mua khách sạn trong tình trạng như trên tăng lên rất nhiều thời gian gần đây. Chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng tổng số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng từ 8.000 tỷ đến 10.000 tỷ với tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành, hoặc xây dựng dở dang, đất dự án. Quy mô từ 100 – 500 phòng khách sạn tại các địa điểm như Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu
Nếu dịch bệnh còn kéo dài và diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục thắt chặt thì nhiều khả năng các khách sạn nhỏ rất khó để cầm cự được lâu. Khi đó, họ buộc phải bán tài sản với giá rẻ.
Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác
Trên thị trường đã xuất hiện những nhà đầu tư mua lại quyền khai thác hoặc chính các khách sạn này. Tuy nhiên, mức giá thực tế mà những nhà đầu tư này chấp nhập chi ra để mua khá thấp, họ chỉ chấp nhận mức mua vào thấp hơn mặt bằng giá trên thị trường khoảng từ 20% đến 30% trong bối cảnh khủng hoảng này.
Ông Cần cho biết trước tình trạng la liệt các khách sạn nhỏ buộc phải bán vì dịch bệnh Covid-19, đã có nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng như các nhà đầu tư có tài chính nhàn rỗi đặt mua các khách sạn này.
Một danh sách dài các nhà đầu tư cần mua dự án thông qua Công ty Sohovietnam cũng cho thấy việc tận dụng cơ hội thị trường để săn hàng đang bắt đầu ở Việt Nam. Cụ thể, danh sách này thể hiện những nội dung rất rõ ràng như khách hàng cần mua khách sạn bốn sao, quy mô từ 100 phòng trở lên, khu vực TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc và Đà Nẵng. Mức đầu tư khoảng 400 - 500 tỷ đồng/khách sạn và mỗi địa điểm mua một khách sạn.
Hay một khách hàng khác đang tìm mua khách sạn hoặc văn phòng tại TP.HCM, mua đất để xây hoặc tài sản có sẵn với năng lực khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng.
Bên cạnh nhu cầu mua khách sạn, nhà đầu tư còn tìm mua lại dự án xây khu căn hộ để bán hoặc khu dân cư thấp tầng tại TP.HCM. Yêu cầu pháp lý sạch sẽ hoặc đang làm thủ tục pháp lý không có vướng mắc lớn, mức đầu tư 500 - 1.000 tỷ đồng.
Nomura Real Estate được biết đến với nhiều thương vụ hợp tác có tiếng trong ngành bất động sản. Công ty này đã thâu tóm 24% số cổ phần trong tòa nhà văn phòng Sun Wah Tower (Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM), mua lại tòa nhà Zen Plaza (Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM); hợp tác với Phú Mỹ Hưng phát triển tổ hợp cao cấp Midtown... Theo kế hoạch trung và dài hạn đến năm 2028, Nomura Real Estate sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ yen (63.600 tỷ đồng) vào các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chú trọng mở rộng lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam.
Nhận định về bức tranh tổng quan tình hình đầu tư bất động sản tại Việt Nam thời gian vừa qua, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao của Savills Việt Nam, cho biết đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung. Mặc dù vậy, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản không chỉ trong và ngoài nước, thì đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ