Đà Nẵng đang khan hiếm nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng

nguoiduatin 21:06 29/07/2022

Theo CBRE Việt Nam, việc thiếu khung pháp lý chuẩn chỉnh vẫn là rào cản lớn để tạo đà khôi phục phân khúc này, ngay cả khi hoạt động du lịch đã hồi phục tích cực.

Theo "Báo cáo tiêu điểm thị trường BĐS Đà Nẵng quý I/2022" được CBRE Việt Nam công bố mới đây nhận xét, năm 2021, thị trường BĐS Đà Nẵng chứng kiến sự suy giảm nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt phân khúc BĐS nghỉ dưỡng bị ngưng trệ khi hoạt động du lịch đóng cửa.

Trong giai đoạn mở cửa năm 2022, Thành phố đang dần lấy lại nhịp phát triển khi chú trọng hơn vào các dự án BĐS du lịch hàng hiệu khác biệt. Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng phát triển chuỗi đô thị thông minh với tham vọng đưa thành phố vào bản đồ đô thị sống và nghỉ dưỡng đẳng cấp.

6 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 1 dự án Condotel mới

Do tác động kéo dài của dịch Covid-19, ngành kinh doanh khách sạn tại Đà Nẵng sụt giảm nặng nề trong hai năm qua. Bước sang năm 2022, khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, tình hình kinh doanh thị trường khách sạn 4 - 5 sao bắt đầu khởi sắc.

Dẫn số liệu của CBRE Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm nay, thành phố chào đón thêm 2 dự án mới gồm Radisson Hotel Đà Nẵng (182 phòng) và Mikazuki Đà Nẵng (294 phòng). Thị trường khách sạn 4 - 5 sao Đà Nẵng hiện có tổng cộng 81 dự án với 15.343 phòng. Trong đó, số lượng phòng khách sạn 5 sao và 4 sao lần lượt chiếm 38% và 62%.

Đến hết năm 2022, Đà Nẵng dự kiến có thêm 10 dự án với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung phòng lên gần 18.000 phòng với 91 dự án. Tính đến năm 2024, Đà Nẵng dự kiến có tổng cộng 99 dự án khách sạn 4 - 5 sao, với tổng nguồn cung phòng lên đến hơn 21.000 phòng.

Nguồn cung mới giúp thị trường thêm phần sôi động, tuy nhiên CBRE Việt Nam nhận xét, tình hình hoạt động sẽ chưa thể bật tăng hoàn toàn trở về mức trước dịch do diễn biến còn khó lường của dịch Covid-19 trên thế giới có thể gây ảnh hưởng.

Trong khi phân khúc khách sạn 4-5 sao có nhiều dấu hiệu khởi sắc thì nguồn cung mới của thị trường BĐS nghỉ dưỡng còn khá khan hiếm.

Theo dữ liệu của CBRE Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, chỉ có thêm một dự án căn hộ du lịch (condotel) mới được ghi nhận là dự án Felicia Đà Nẵng (với 70 căn chào bán ở GĐ1). Tổng nguồn cung condotel tại Đà Nẵng là 7.384 căn hộ (16 dự án) và tổng nguồn cung biệt thự du lịch bán là 2.533 căn (13 dự án). Tỉ lệ bán hàng lũy kế tính đến 6 tháng đầu năm 2022 được ghi nhận ở mức gần 85%.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng bán Đà Nẵng.

Nguồn cung mới tương đối khan hiếm, cộng thêm tâm lý thận trọng của giới đầu tư với BĐS nghỉ dưỡng nói chung là nguyên nhân chính khiến hoạt động giao dịch vẫn trầm lắng ngay cả khi hoạt động du lịch đã hồi phục tích cực.

Từ tháng 8/2021, Đà Nẵng đã chính thức ngừng cấp phép cho các dự án condotel mới nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu sau thời gian dài tăng trưởng nóng.

Như vậy, số lượng dự án condotel mở bán trong tương lai được dự kiến khá ít và nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án đã được cấp phép từ trước hoặc những giai đoạn mở bán tiếp theo. Condotel tại Đà Nẵng đã bùng nổ mạnh mẽ từ nhiều năm trước và hiện đang bước vào giai đoạn ổn định. Việc thiếu khung pháp lý chuẩn chỉnh vẫn là rào cản lớn để tạo đà khôi phục phân khúc này.

Vì vậy, CBRE Việt Nam dự báo ngay cả khi nguồn cung mới có xu hướng giảm, mặt bằng giá sẽ không có nhiều biến động và chỉ duy trì ổn định. Nguồn cung mới hạn chế hỗ trợ tỉ lệ hấp thụ lũy kế lên đến 91% trong vòng 3 năm tới.

Nguồn cung căn hộ tại Đà Nẵng và tỉ lệ hấp thụ ở mức ổn định

Tính riêng nửa đầu năm nay, số liệu của CBRE Việt Nam cho thấy Đà Nẵng không ghi nhận dự án mới lần đầu chào bán và nguồn cung mới đến từ giai đoạn mở bán tiếp theo. Tính trong 3 năm trở lại đây, số lượng căn hộ và dự án không tăng đột biến do đó không dẫn đến tình trạng bội thực nguồn cung và giúp đảm bảo tỷ lệ hấp thụ ổn định.

CBRE Việt Nam dự báo trong 3 năm tiếp theo (2021- 2024), thị trường căn hộ Đà Nẵng được kỳ vọng tăng tốc phát triển với nguồn cung mới từ 10 dự án cung cấp khoảng 5.600 căn hộ, trong đó căn hộ hạng sang sẽ dẫn dắt nguồn cung, nhờ vậy mặt bằng giá sơ cấp đạt tốc độ tăng trưởng tích cực là 12% với xu hướng phát triển căn hộ ven sông đang dần phổ biến tại Đà Nẵng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS liền thổ có thêm một dự án mới kéo theo tổng nguồn cung hiện nay là 1.624 sản phẩm (biệt thự ở, nhà phố, nhà phố thương mại) từ 11 dự án.

Nguồn cung BĐS liền thổ tại Đà Nẵng không tăng đột biến trong nhiều năm, nhờ vậy, tỉ lệ hấp thụ lũy kế toàn thị trường duy trì ở mức khả quan 92% tính đến thời điểm hiện tại. Dự án mới trong nhiều năm trở lại đây nhận được sự quan tâm tích cực từ giới đầu tư nhờ định vị cao cấp và được phát triển bởi các đơn vị chủ đầu tư uy tín.

Trong giai đoạn tiếp theo, số lượng dự án tương lai mới tuy vẫn khá ít nhưng có sự đa dạng về hạng mục sản phẩm, giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn, từ đó thúc đẩy hoạt động giao dịch. Đà Nẵng đang đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị ven sông, không chỉ khai thác lợi thế cảnh quan sẵn có mà còn đặc biệt chú trọng phát triển theo hướng chuẩn chỉnh hơn. Nguồn cung tương lai BĐS liền thổ đều sở hữu vị trí đắc địa, được đầu tư quy hoạch bài bản và chào bán ở mức giá khá cao.

BĐS Đà Nẵng dần hình thành xu hướng "ly tâm"

CBRE Việt Nam nhận xét Đà Nẵng đang dần hình thành xu hướng phát triển ly tâm, tương tự như Hà Nội và Tp.HCM. Phần lớn dự án BĐS tại Đà Nẵng hiện nay đều tập trung ở các quận trung tâm hay khu vực dọc bãi biển Mỹ Khê.

Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ mở rộng không gian phát triển về phía Tây Bắc và Đông Nam, hướng tới hình thành các khu đô thị vệ tinh. Trong đó, khu vực Tây Bắc là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, và cũng là điểm giao của các nút giao thông trọng điểm nên kết nối thuận tiện với lận cận và trung tâm thành phố.

Phía Đông Nam Đà Nẵng lại sở hữu kết nối liên vùng với khu vực Quảng Nam, có thể hình thành dải đô thị - du lịch ven biển nhằm khai thác lợi thế cảnh quan.

Trong bối cảnh những xu hướng du lịch mới nổi như “staycation” hay “workstation” lên ngôi giai đoạn hậu dịch Covid-19, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng đã xuất hiện một số mô hình sản phẩm nghỉ dưỡng mới, giúp thị trường gia tăng lực hút, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều tệp khách tiềm năng.

Một số thương hiệu khách sạn mới, mang phong cách trẻ trung và hiện đại được dự báo sẽ sớm gia nhập Đà Nẵng với các sản phẩm nghỉ dưỡng hướng đến tệp khách trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, nhóm khách ưa thích sự di chuyển và đề cao tính linh hoạt.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành, CBRE Việt Nam chia sẻ: "Sau đại dịch, BĐS Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại khu vực này. Với mục tiêu phát triển thông minh và bền vững, ở giai đoạn tiếp theo, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, Đà Nẵng sẽ chú trọng tạo đà bứt phá cho phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp”.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-dang-khan-hiem-nguon-cung-bat-dong-san-nghi-duong-a561649.html

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng đang khan hiếm nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Tin tức mới nhất