Dịp Tết đến xuân về là lúc cả gia đình quây quần cùng nhau chuẩn bị đón Tết, lo lắng nội ngoại, bếp núc rộn ràng, nhà cửa thường được dọn dẹp ngăn nắp. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại gán chữ "dọn dẹp" và "chăm sóc" dành cho phụ nữ. Thực tế, rất nhiều ông chồng không biết san sẻ việc nhà với vợ.
Thậm chí, vào ngày nghỉ Tết, nhiều ông chồng không cho vợ đi chơi Tết, mà ép buộc vợ mình phải ở nhà dọn dẹp nhà cửa, cơm nước... Trong khi, theo quy định của pháp luật, chia sẻ việc nhà với vợ không chỉ là sự tự nguyện mà còn là nghĩa vụ của người chồng.
Trách nhiệm làm việc nhà, xây dựng tổ ấm vốn dĩ thuộc về cả phụ nữ và đàn ông. Điều này đã được pháp luật quy định. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
|
Trách nhiệm làm việc nhà, xây dựng tổ ấm vốn dĩ thuộc về cả phụ nữ và đàn ông. Điều này đã được pháp luật quy định. |
Ngoài ra, ít người biết rằng hành vi của người chồng ngăn cấm vợ về nhà ngoại ăn Tết cũng là hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Việc này không chỉ gây ức chế cho người vợ mà dưới góc độ pháp lý, việc này còn có thể vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình, đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng.
Theo đó, nếu người chồng ép buộc vợ ở nhà rửa bát, nấu cơm, không cho vợ đi chơi Tết, không cho vợ về thăm nhà ngoại... thì có thể sẽ phải chịu mức phạt nêu trên.
Cũng về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình. Theo đó, chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng sẽ bị phạt tiền.
Cụ thể, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình
Điều 185 quy định tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình cũng nêu rõ như sau:
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo
Quả thật, cả một năm trời chị em đã vất vả lo toan, quán xuyến việc nhà chồng, sẽ thật tuyệt vời nếu anh chồng và nhà chồng biết thông cảm, chia sẻ, tạo điều kiện để nàng dâu có dịp về đón Tết bên cha mẹ đẻ, để mong ước không chỉ còn là ước mong.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ