Dồn dập huy động vốn “khủng”
Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) vừa công bố thông tin về việc phát hành hành 2,5 triệu trái phiếu, tương ứng vốn huy động 2.500 tỷ đồng. Ngày phát hành là 25/6, đáo hạn vào 25/6/2024
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Theo đó, tài sản đảm bảo bao gồm cổ phiếu VCG thuộc sở hữu bên thứ ba và tài sản khác của công ty hoặc bên thứ ba.
Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, trong đó lãi suất áp cho kỳ đầu tiên là 10,5%/năm và các kỳ tiếp theo bằng lãi tham chiếu + 4,93%/năm nhưng không thấp hơn 10,5%/năm trong mọi trường hợp.
Kết quả phát hành cho thấy một nhà đầu tư đã mua toàn bộ lô trái phiếu trên và đây là một tổ chức tín dụng trong nước.
Vinaconex cho biết số tiền huy động từ đợt phát hành này sẽ dùng cho việc bổ sung vốn cho hoạt động xây lắp của công ty và tăng quy mô vốn hoạt động cho hai công ty con là Vinaconex Invest và Vinaconex CM.
|
Vinaconex công bố thông tin phát hành hành 2,5 triệu trái phiếu, huy động 2.500 tỷ đồng.Trước đó, Vinaconex cũng đã huy động thành công 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng, kỳ hạn từ 30 - 84 tháng. Trái phiếu chào bán đợt này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên chỉ là 8,5%/năm; các năm tiếp theo lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm.
Toàn bộ số tiền đợt này được Vinaconex sử dụng để tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, Mã CK: VCR), phát triển phân khu cao tầng và các hạng mục hạ tầng của dự án Cát Bà Amatina. Vinaconex cũng công ty mẹ nắm 53,6% vốn Vinaconex-ITC. Cát Bà Amatina là dự án duy nhất Vinaconex ITC triển khai đầu tư đến thời điểm hiện tại.
Như vậy, Vinaconex đã huy động 4.700 tỷ đồng qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ kể từ đầu năm nay.
“Chật vật” vì dự án Cát Bà Amatina
Theo giới thiệu, dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá, Cát Bà (dự án Cát Bà Amatina) có quy mô hơn 172 ha, tọa lạc tại thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp. Hải Phòng. Theo quy hoạch, dự án có 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, hai bến du thuyền, một bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế, khu thương mại dịch vụ quốc tế, khu thể dục thể thao, các dịch vụ giải trí đa chức năng, 6 khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 4 sao.
Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2009, thời điểm đó, chủ đầu tư đã tung một số sản phẩm ra thị trường. Sau đó công bố 95% biệt thự khu Tùng Thu và Bazzar Avenue đã có chủ. Tuy nhiên, sau đó dự án bị đình trệ, nguyên nhân được cho là chủ đầu tư thiếu tập trung, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, cộng với đúng lúc thị trường bất động sản đóng băng… ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của Vinaconex ITC.
Sau nhiều năm đình trệ, tháng 3/2017 UBND huyện Cát Hải, TP Hải Phòng bất ngờ có Thông báo đề nghị Vinaconex ITC tạm dừng triển khai Dự án Cát Bà Amatian. Đến tháng 10/2017, UBND TP Hải Phòng ra Quyết định thu hồi đất do Vinaconex ITC đang quản lý tại dự án này để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.
|
Phối cảnh đại dự án Cát Bà Amatina. |
Sau đó tháng 4/2018, Vinaconex ITC đã có văn bản khiếu nại và đề nghị Thành phố Hải Phòng xem xét hủy bỏ quyết định thu hồi phần lớn diện tích đất tại dự án nói trên.
Đến cuối tháng 9/2020, sau khi được lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng đồng ý chủ trương trả lại dự án, Vinaconex ITC đã vay gần 2.500 tỷ từ ngân hàng Sacombank để hồi sinh "siêu dự án" Cát Bà Amatina sau gần 1 thập kỷ bất động. Cuối tháng 11/2020 Vinaconex chính thức làm lễ động thổ tái khởi động dự án.
Khu đô thị Du lịch Cái Giá, Cát Bà được xem là dự án trọng điểm đang được Vinaconex-ITC trực tiếp đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.941 tỷ đồng. Tuy nhiên, không chỉ chậm trễ hàng chục năm, chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina còn vi phạm nghĩa vụ tài chính do không nộp tiền sử dụng đất trong thời gian dài.
Cụ thể, theo Quyết định số 22/QĐ-CCT ngày 16/03/2017 của Chi cục Thuế huyện Cát Hải về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Vinaconex ITC, doanh nghiệp này nợ tiền thuế, tiền chậm nộp quá thời hạn quy định. Vinaconex ITC bị cưỡng chế số tiền 258,5 tỷ đồng.
|
Vinaconex ITC công bố thông tin về Quyết định cưỡng chế thuế của Chi cục Thuế huyện Cát Hải. |
Đến năm 2019, Chi cục Thuế huyện Cát Hải tiếp tục có Thông báo số 51/TB-CCT ngày 9/1/2019 về việc Vinaconex ITC vẫn còn nợ số tiền sử dụng đất của dự án lên đến 284,11 tỷ đồng (bao gồm cả tiền gốc và phạt chậm nộp).
Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 7/3/2019, Ban lãnh đạo Vinaconex ITC thừa nhận công ty không có nguồn vốn để nộp ngay tiền sử dụng đất này và điều này. Bởi số tiền sử dụng đất có thể nói là quá lớn so với quy mô doanh nghiệp.
Sau đó, cũng trong năm 2019 Vinaconex - ITC đã huy động 300 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, đồng thời, Công ty cũng vay ngắn hạn ngân hàng và các tổ chức tín dụng thêm gần 145 tỷ đồng. Số tiền này được huy động để nộp tiền sử dụng đất.
Đến tháng 10/2020, Vinaconex ITC đã công bố phương án phát hành 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp cho các nhà đầu tư chiến lược, nhằm tăng vốn lên 1.800 tỷ đồng, gấp 5 lần mức vốn điều lệ của doanh nghiệp trước đó.
Sau phát hành, công ty thu về 1.440 tỷ đồng. Theo phương án sử dụng vốn được công bố, toàn bộ số tiền huy động được sẽ dùng để bổ dung vào dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà, TP. Hải Phòng.
“Ông lớn” Vinaconex “đói vốn”
Từ việc liên tục huy động vốn qua phát hành trái phiếu có thể thấy, nhu cầu sử dụng vốn tại Vinaconex hiện tại là khá lớn. Đặc biệt khi doanh nghiệp đang muốn “hồi sinh” dự án Cát Bà Amatina, đồng thời có ý định triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort tại Phú Yên, trong khi đó Vinaconex cũng vừa khởi công dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông hơn 2.300 tỉ đồng.
Được biết, dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông hơn 2.300 tỉ đồng do liên danh Vinaconex - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính làm nhà thầu. Dự án cũng đã được khởi công từ ngày 30/9/2020.
Đáng chú ý, trong khi Vinaconex được biết đến là một “ông lớn” từng đảm nhiệm thi công nhiều dự án cao tốc trên cả nước, thì Xây dựng Trung Chính lại là một doanh nghiệp “hạt tiêu”, khởi nghiệp với số vốn điều lệ khiêm tốn 20 tỉ đồng. Để triển khai gói thầu này, Vinaconex và đối tác sẽ phải sắp xếp nguồn vốn tối thiểu hàng trăm tỉ đồng.
|
Trụ sở Vinaconex tại Láng Hạ, Hà Nội |
Ngoài dự án trên, VCG còn phải rót vốn thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort (đường Độc Lập, TP Tuy Hòa, Phú Yên) có tổng vốn đầu tư là 2.105 tỉ đồng.
Theo đó, VCG phải đảm bảo tiến độ đưa đất vào sử dụng là không quá 12 tháng kể từ ngày bàn giao đất. Tiến độ hoàn thành công trình là không quá 24 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa. Báo cáo tài chính cho thấy, Vinaconex đã thế chấp quyền sử dụng đất của dự án này để vay được 450 tỉ đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long với mức lãi suất 10,5%.
Tính đến cuối quý 1/2021, tổng tài sản của Vinaconex ghi nhận 21.497 tỷ đồng, tăng 9,6% so với hồi đầu năm.
|
Nợ phải trả tại Vinaconex tính đến cuối quý 1/2021 |
Cùng với đó, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng từ 12.446 tỷ đồng lên 13.804 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng mạnh từ 8.992 tỷ đồng hồi đầu năm lên 10.210 tỷ đồng, tương ứng tăng 13,5% vào cuối quý 1/2021.
Như vậy, với việc “ôm” hàng loạt dự án “khủng” thi công dở dang, cùng khối nợ phải trả lên tới 13.804 tỉ đồng (hết quý 1/2021), trong khi đó, doanh nghiệp vẫn không ngừng gia tăng vay nợ qua phát hành trái phiếu, có thể thấy Vinaconex đang “đói vốn” để hiện thực hoá tham vọng tại hàng loạt dự án lớn.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo