Thời gian qua, NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cho vay, chỉ định 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia chương trình, quyết định về lãi suất cho vay.
|
Cùng với đó, NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ - ngành hữu quan xây dựng, trình Chính phủ về việc cấp nguồn vốn ngân sách thực hiện cho vay nhà ở xã hội, văn bản hướng dẫn về cấp bù chênh lệch lãi suất.
Các tổ chức tín dụng đã tự huy động vốn, được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng theo chỉ định chưa được bố trí nguồn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất giai đoạn 2016 - 2020.
Về phía ngân hàng chính sách xã hội, theo quy định, ngân sách Nhà nước cấp 50% vốn và 50% còn lại là vốn tự huy động. Đến nay, ngân sách đã cấp đủ 1.163 tỷ đồng cho ngân hàng chính sách xã hội (giai đoạn 2016 - 2020).
Đến thời điểm 31/8/2019, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 1.774 tỷ đồng với 5.452 khách hàng còn dư nợ trên 61 tỉnh, thành.
Dù vậy, theo NHNN, hiện ngân sách Nhà nước mới bố trí nguồn vốn cho vay đối với ngân hàng chính sách xã hội đến hết năm 2019, sau giai đoạn này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để tiếp tục cho vay.
Do đó, để bảo đảm hoạt động cho vay nhà ở xã hội được triển khai có hiệu quả, NHNN đề nghị Quốc hội chấp thuận bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng và bổ sung nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện cho vay theo Nghị định 100.
Dự án đầu tiên đã không kịp "về đích"
Một ví dụ điển hình cho việc khán vốn vay để thực hiện các dự án nhà ở xã hội thời gian qua chính là trường hợp của Dự án Nhà ở xã hội số 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân.
|
Lẽ ra cách đây 2 năm, các khách hàng mua nhà tại Dự án Nhà ở xã hội số 35 Hồ Học Lãm đã nhận được nhà. Tuy nhiên đến nay, mọi thứ vẫn ngổn ngang. Bức xúc, mới đây cư dân đã kéo lên Sở Xây dựng TP. HCM chất vấn các cơ quan chức năng và chủ đầu tư về việc chậm trễ này.
Được biết, đây là dự án đầu tiên tại TP. HCM được triển khai theo hình thức hợp tác công tư do Công ty địa ốc Hoàng Quân và Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM (HOF) thực hiện trong đó, HOF đóng vai trò là chủ đầu tư, Công ty Địa ốc Hoàng Quân là đơn vị phát triển dự án. Mô hình này kỳ vọng là giải pháp hiệu quả cho việc phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, bởi một bên có đất và một bên có tiền.
Thế nhưng, kỳ vọng trên đã bị phá sản, bởi dù đã thi công được khoảng 80% khối lượng công việc nhưng Công ty Địa ốc Hoàng Quân không thể tiếp tục vay vốn từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ để hoàn thành dự án theo kế hoạch. Cũng vì sự chậm trễ này, HOF đã bị phạt 300 triệu đồng nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố có 41 dự án nhà ở xã hội độc lập, với tổng diện tích đất hơn 133 ha, quy mô hơn 41.000 căn hộ trong đó có 14 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang thi công xây dựng, 18 dự án khác đang thực hiện thủ tục đầu tư. Ngoài ra còn có quỹ đất 20% từ 35 dự án phát triển nhà ở thương mại (diện tích dưới 10 ha) với tổng diện tích 1.681 ha nhưng hầu hết các chủ đầu tư đều thực hiện nghĩa vụ NOXH theo hình thức nộp tiền vào ngân sách thành phố thay vì “nộp” nhà. Thế nên, số lượng nhà ở xã hội đã hoàn thành càng khiêm tốn.
Bộ Xây dựng cho biết đến thời điểm hiện nay việc phát triển NOXH mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Vốn ưu đãi hết, dự án thi công cầm chừng
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 là khoảng 440.000 căn hộ trong đó, TP. HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn và Đà Nẵng 11.500 căn...
|
Thế nhưng, đến nay các dự án nhà ở xã hội không tiến triển đáng kể do thiếu vốn. Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016, Chính phủ đã ban hành một gói tín dụng mới giai đoạn 2018 - 2020 là 1.262 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đáp ứng 13% nhu cầu. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân, thừa nhận khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016 thì gần như các dự án nhà ở xã hội của công ty này phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngân sách hằng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020 để cho các đối tượng thụ hưởng NOXH vay, với lãi suất khoảng 5%/năm. Từ nguồn vốn này, các ngân hàng có thể huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, về lâu dài cần có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của luật Nhà ở. Trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, thừa nhận trong giai đoạn 2016 - 2020 nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của thành phố là 21.834 tỷ đồng, nhưng nhà nước chỉ đáp ứng được 10% vốn. Số còn lại phụ thuộc vào vốn xã hội hóa, vốn tự có của doanh nghiệp hoặc vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Hiện nay nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ chủ đầu tư vay thực hiện dự án cho người dân vay mua nhà chưa ổn định, chưa được bố trí, nên chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội.
“Cần cân đối phân bổ nguồn vốn ngân sách khoảng 10% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra, ưu tiên quỹ đất nhà nước đang trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp sử dụng làm nhà xưởng sản xuất tại các quận huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; quỹ đất do các cơ quan nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, phải tạo ra các cơ chế thông thoáng hơn để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này".
Để đẩy nhanh chương trình nhà ở xã hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã kiến nghị bổ sung vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho phát triển nhà ở xã hội trong dự kiến phân bổ nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Ông Nguyễn Duy Hiền, khách hàng của dự án trên, chán nản nói: "Đây là lần thứ 8 chủ đầu tư hứa bàn giao nhà nhưng khi tới, không ai nhận vì dự án vẫn chưa làm xong. Ông Hiền bức xúc: “3 năm qua tôi và gia đình phải đi ở thuê. Với đồng trợ cấp thương tật và thu nhập từ việc đi làm thuê làm mướn, tôi không thể mãi tiếp tục thuê nhà được. Khi chủ đầu tư giao nhà, chúng tôi rất mừng nhưng không thể nhận vì chưa làm xong, tiện ích không có thì sao mà vào ở”. |
Theo Minh Thuận/Thời Báo Chứng Khoán