Thể hiện ý đồ tư lợi
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Điều đáng nói, thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ.
Một lần nữa, vấn đề nhà công vụ bị chiếm giữ, bị sử dụng sai mục đích, lại khiến dư luận bàn luận sôi nổi; khiến những cán bộ, đảng viên liêm chính, gương mẫu bị tổn thương; khiến những người dân phải băn khoăn đặt câu hỏi: Phải chăng đang có chuyện “luật cho dân, lệ dành cho quan”?
Nhà công vụ, theo quy định của pháp luật là loại tài sản công, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Nhà nước dùng ngân sách để chi trả những chi phí trong quá trình cán bộ công chức đương chức có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng. Khi cán bộ công chức nghỉ hưu có nghĩa tài sản ấy phải được hoàn trả để tiếp tục sử dụng theo quy định.
Nhưng lâu nay, bên cạnh những lãnh đạo chủ động trả lại nhà công vụ khi kết thúc công tác thì có không ít trường hợp không chịu trả lại. Cơ quan quản lý Nhà nước phải đi “đòi”, mà “đòi” nhiều lần, quan chức ấy vẫn không chịu trả.
Nhiều lý do được đưa ra, nhưng dường như chẳng có lý do nào chính đáng. Bởi họ là người “quyền cao chức trọng”, hầu hết không khó khăn về nhà ở, thậm chí còn có nhà để cho thuê hoặc biệt thự, những khu đất không chỉ tính bằng mét vuông.
|
Một khu chung cư có nhà ở công vụ tại Hà Nội |
Vậy thì tại sao họ cứ khư khư giữ cái không phải của mình?
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là một hành động rất đáng xấu hổ. Về mặt ý thức chấp hành quy định là rất kém, thể hiện ý đồ tư lợi.
“Tôi cho rằng cần đánh giá lại lúc bổ nhiệm đúng hay chưa? Đặc biệt phải xem lại đạo đức người được bổ nhiệm. Từ đó, rút kinh nghiệm cho những lần bổ nhiệm sau, để những quan chức được cấp nhà công vụ khi về hưu tự ý thức trả lại nhà”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Theo Bộ Xây dựng, tổng quỹ nhà công vụ hiện nay là 315.280 m2 sàn, bao gồm 49 biệt thự, 6.377 căn hộ và nhà ở một tầng. Trong đó, quỹ nhà của các cơ quan trung ương quản lý là 198.091m2, nhà ở công vụ của các địa phương là 117.189 m2. Quỹ nhà ở của các cơ quan trung ương bao gồm 42 biệt thự, 4.890 căn hộ và nhà ở một tầng, trong đó có 100 căn được mua mới từ quỹ nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Số lượng nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương tập trung nhiều nhất vào Bộ Quốc phòng (khoảng 83.000m2) và Bộ Công an (khoảng 67.000m2). |
Cũng theo ông Võ, nhà công vụ là làm từ tiền ngân sách, từ tiền đóng góp của người dân. Vì vậy, trong khi người dân phải mua nhà ở trên thị trường, thậm chí phải mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, thì sao quan chức lại được đặc quyền thế?
“Tôi cho rằng, quan chức cũng phải làm như người dân, là tự mình đi mua nhà. Không có tiền ở chung cư cao cấp thì mua nhà xã hội. Quan chức phải gương mẫu hơn người dân”, ông Võ cho hay.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng nhận xét, tình trạng buông lỏng quản lý quỹ nhà công vụ đã xảy ra từ nhiều năm trước, tình trạng biến tướng trong sử dụng nhà công vụ từng xảy ra tại một số địa phương.
Chế tài xử lý chưa nghiêm?
Việc quan chức về hưu phải trả nhà công vụ đã được quy định rất rõ tại điều khoản 2 điểm đ điều 34 Luật nhà ở 2014: “Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ”.
Theo GS Đặng Hùng Võ, việc xử lý không khó nhưng vấn đề là có muốn làm hay không thôi. Giống như thu hồi nhà đất của dân, thì với quan chức cũng vậy. Thay vì ra thông báo nhắc nhở thì ban hành quyết định hành chính thu hồi lại tài sản công sản nhà nước. Nếu ai không chấp hành, thì thực hiện cưỡng chế.
Nhưng vấn đề hiện nay là đơn vị thực hiện chức năng thù hồi nhà công vụ vẫn thể hiện chủ nghĩa thân hữu. Tức là trước đây quen thân nhau, từng làm việc với nhau nên giờ không dám ráo riết quá.
“Chúng ta phải hiểu thân nhau ở nhà, nhưng việc nhà nước là việc nhà nước. Đây là 2 việc khác nhau. Chúng ta hay lẫn lộn việc riêng công với việc tư. Đây là sự nhập nhèm rất đáng trách của mối quan hệ quản lý hiện nay”, ông Võ nhấn mạnh.
|
Khu chung cư có nhà ở công vụ tại Hà Nội |
Còn theo ông Đào Ngọc Nghiêm, luật Nhà ở có quy định về nhà công vụ nhưng thiếu chế tài xử lý.
“Tôi đề xuất bổ sung nội dung này vào luật khi sửa đổi”, ông Nghiêm nói.
Quy định về giá thuê nhà ở công vụ chưa được thống nhất, nơi thì áp dụng theo quy định của Quyết định số 118/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về xóa bỏ chế độ bao cấp nhà ở, đưa tiền nhà vào lương, nơi thì áp dụng Nghị định số 90/2006/NĐ-CP, trong đó quy định giá thuê nhà ở công vụ bằng 10% tiền lương và phụ cấp (nếu có). |
Trả lời trên báo chí, ThS Nguyễn Hữu Trí - Chuyên gia kinh tế cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ được quy định tại: Luật nhà ở 2005, Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, Nghị định 34/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, Quyết định 09/2008/QĐ-TTg quy định nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ, Thông tư 16/2010/TT-BXD hướng dẫn Luật nhà ở. Gần đây, có Luật Nhà ở 2014; Thông tư 01/2014/TT-BXD; Thông tư số 09/2015/TT-BXD hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ.
Các văn bản trên đều yêu cầu cán bộ, lãnh đạo được thuê nhà ở phải trả lại nhà cho đơn vị quản lý, vận hành nhà công vụ trong thời hạn ba tháng từ khi “không còn nhu cầu sử dụng, không còn tiêu chuẩn thuê nhà công vụ, không còn giữ chức vụ lãnh đạo, khi chuyển công tác đi nơi khác...”, đồng thời cũng quy định rõ họ “không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật còn thiếu, chỉ quy định chung chung. Cụ thể, đơn vị quản lý nhà ở công vụ chỉ có quyết định giao nhà ở công vụ mà không có hợp đồng thuê nhà, không quy định về việc thuê, giá thuê cụ thể, thời hạn thuê nhà ở công vụ …) do vậy việc thu hồi nhà ở công vụ của các cán bộ lãnh đạo của các Bộ, ngành thành phố trực thuộc Trung ương khi hết tiêu chuẩn nhà ở công vụ gặp khó khăn.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Thiên Việt cho rằng, hiện nay chưa có quy định rõ ràng hoặc có các chế tài đối với việc chây ỳ trả nhà công vụ. Việc không tuân thủ quy định trả nhà khi về hưu hoặc không còn đáp ứng yêu cầu về sử dụng nhà công vụ được coi là vi phạm quy định của Luật nhà ở và được xử lý theo quy định tại điều 179 Luật Nhà ở. Mức độ xử lý từ hành chính đến hình sự, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm.
Tuy nhiên việc áp dụng này trên thực tế rất khó khăn do cán bộ công chức được bố trí nhà có chức vụ quyền hạn nên còn nhiều nể nang. Mặt khác như đã đề cập là chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi này. Do vậy, cần cụ thể hoá hành vi và có chế tài là điều cần thiết nếu cơ quan chức năng tiến hành sửa luật hoặc ban hành văn bản dưới luật.
Theo Nông nghiệp